Mặc dù phát âm của Zuckerberg tệ đến nỗi, nhiều lúc khán giả không hiểu anh đang nói gì, song CNN cho rằng Zuckerberg xứng đáng được nhận điểm “A” về nỗ lực học ngoại ngữ, đặc biệt khi đang ở trong độ tuổi trưởng thành.
Trong một cuộc nói chuyện nửa giờ bằng tiếng Quan Thoại, Zuckerberg đã nói cảm nhận về Bắc Kinh, về độ khó của tiếng Trung Quốc và về những gì Facebook đang thực hiện tại xứ sở này. Ngoài ra, nhà sáng lập của mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đưa ra quan điểm của ông về sự đổi mới của Trung Quốc và tại sao ông đang nghiên cứu Trung Quốc.
"Tôi rất vui mừng khi được ở Bắc Kinh", Zuckerberg mở đầu câu chuyện trong sự ngỡ ngàng và tiếng cổ vũ trong toàn hội trường. "Tiếng Trung Quốc thực sự là một mớ hỗn độn, nhưng tôi nghiên cứu để có thể nói tiếng Trung Quốc mỗi ngày", anh cho biết trong cuộc trò chuyện sau khi tham gia vào Hội đồng tư vấn của ĐH Thanh Hoa, vốn được coi là ĐH Yale của Trung Quốc.
Mark Zuckerberg trong cuộc nói chuyện ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh hôm 22-10. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều người nhận xét Zuckerberg nghĩ bằng tiếng Anh sau đó dịch ra tiếng Trung. Do đó, cấu trúc câu của anh đôi khi bị đảo ngược. Các khẩu ngữ trong tiếng Anh như “ums” hay “you knows” cũng được Zuckerberg sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, màn nói chuyện tiếng Trung của Zuckerberg đã thực sự gây ấn tượng.
Giải thích về lý do chọn học một ngôn ngữ khó như vậy, Zuckerberg cho biết, trước hết, gia đình vợ Priscilla Chan, một người Mỹ gốc Trung Quốc, đều chỉ nói tiếng Trung Quốc. Anh học tiếng Trung Quốc để kết nối với gia đình bên vợ. Bà ngoại của Chan đã "rất sốc" khi anh nói với bà bằng tiếng Trung Quốc, Zuckerberg vui vẻ cho hay.
"Tôi thích những thách thức", tỷ phú 30 tuổi nói lý do cuối cùng khiến anh quyết định học tiếng Quan Thoại.
Việc nghiên cứu tiếng Trung giúp anh hiểu được nền văn hóa Trung Hoa. "Chúng tôi đã ở đây", nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Facebook cho hay. "Chúng tôi giúp các công ty Trung Quốc tăng lượng khách hàng nước ngoài trong khi có thể sử dụng Facebook như một công cụ quảng cáo để gia tăng khả năng kết nối khách hàng".
Từ lâu, Facebook đã tìm cách xâm nhập vào Trung Quốc, một thị trường tiềm năng đối với mạng xã hội với 1,3 tỷ dân, 45,8% dân số sử dụng internet; con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai. Tuy vậy, hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục chặn Facebook, Twitter và một số mạng xã hội khác do lo sợ cách mạng về truyền thông có thể thúc đẩy tình trạng bất ổn lớn đối với quốc gia.