Theo WB, từ nay cho đến cuối năm, các nước Tây Phi sẽ phải tiêu tốn hàng tỉ USD nếu dịch bệnh còn tiếp tục lây lan.
Chủ tịch WB Kim Jong Jim cho rằng: “Dịch Ebola bùng phát đã tiêu tốn chi phí rất lớn và làm cho cuộc sống của người dân Tây Phi vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola ở phạm vi toàn cầu sẽ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ quốc tế và các tác động kinh tế nghiêm trọng do dịch bệnh này gây nên sẽ bị đẩy lùi”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Kim Yong Jim nhận định Ebola thực sự là một thảm họa đối với ba quốc gia Tây Phi. Ảnh: BBC
Phóng viên kinh tế Andrew Walker của BBC cho hay: “WB dự báo việc bùng phát đại dịch Ebola sẽ dẫn đến sự giảm sút về tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, hoạt động kinh tế trong những năm tới của Liberia sẽ giảm khá mạnh, Guinea và Sierra Leone vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhưng rất chậm chạp”. Trong nhiều năm qua, vì nội chiến, tăng trưởng kinh tế của Sierra Leone và Liberia đã giảm tới hơn 20%.
Tổng thống Liberia – Ellen Johnson Sirleaf hoan nghênh kế hoạch chống lại dịch bệnh Ebola của Mỹ và hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Liberia trong cuộc chiến chống lại bệnh dịch chết người này.
Thủ tướng Đức – Angela Merkel cho biết Đức sẽ cung cấp và hỗ trợ về mặt hậu cần cho Liberia trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.
Hôm thứ Tư, IMF cho biết sẽ xem xét hỗ trợ thêm cho Guinea, Liberia và Siera Leone 127 triệu USD.
Người dân thủ đô Monrovia (Liberia) khi chứng kiến các nhân viên y tế di chuyển xác các nạn nhận nhiễm dịch bệnh Ebola. Ảnh: AFP
Một ngày sau, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức họp khẩn để thảo luận về biện pháp ngăn chặn dịch Ebola và ra nghị quyết yêu cầu sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với cuộc chiến dịch bệnh tại đây, đồng thời kêu gọi các nước thành viên cung cấp đội ngũ nhân viên y tế và các dịch vụ phù hợp để triển khai biện pháp đối phó. Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi dỡ bỏ việc hạn chế đi lại để các nhân viên y tế có thể hỗ trợ cho các vùng dịch bệnh.
Các tổ chức toàn cầu và chính phủ tuyên truyền nhận thức về dịch bệnh Ebola cho người dân. Ảnh: AP
Từ khi bắt đầu bùng phát trở lại vào tháng 3 cho đến nay, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.461 người và tiếp tục gây nguy hại lâu dài đối với nền kinh tế tại khu vực Tây Phi – nơi được xem là ổ dịch lớn nhất thế giới hiện nay.