Không chỉ có Chính phủ ở Anh của Thủ tướng David Cameron và chính giới trong Liên minh châu Âu mà còn cả ở bên ngoài EU cũng đã bắt đầu có những chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới là cử tri trên đảo quốc này quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU .
Không ai mong muốn kịch bản ấy sẽ xảy ra, nhưng sự lo xa không hề thừa sau khi kết quả thăm dò dư luận mới nhất đưa lại kết quả là có tới 55% cử tri Anh ủng hộ Brexit và chỉ có 45% cử tri mong muốn nước Anh tiếp tục là thành viên EU trong tương lai. Ngân hàng T.Ư Nhật Bản, Cục Dự trữ liên bang Mỹ hay Ngân hàng T.Ư châu Âu đều tỏ ra rất thận trọng với những quyết sách mới về phương diện chính sách tiền tệ để đón bắt hậu quả, hệ luỵ và tác động của Brexit.
Ảnh minh họa
Khác so với việc đảo Greenland ra khỏi EU trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước và khác với tất cả những cuộc trưng cầu dân ý về các mục tiêu khác nhau, song đều liên quan đến EU đã được tiến hành cho tới nay ở các nước thành viên EU, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh lần này mang tính định mệnh đối với cả Anh lẫn EU. Brexit sẽ là một thất bại đầy cay đắng đối với EU, về thể diện cũng như về tôn chỉ mục đích và định hướng hoạt động. Nó đưa lại bằng chứng mà những thành quả mà EU đã đạt được lâu nay trong quá trình hợp tác, liên kết khu vực và nhất thể hóa châu lục mang tính cơ bản thật đấy nhưng chưa đủ bền vững đến mức không còn có thể bị đảo ngược.
Brexit sẽ là bước ngoặt đối với nước Anh về mọi phương diện và sẽ làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của Anh với EU, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò, ảnh hưởng và sự tham gia của Anh vào việc giải quyết các vấn đề chung của cả châu lục, trong NATO và Liên Hợp quốc… Hiện tại, EU và các đối tác bên ngoài trong thâm tâm cầu nguyện cử tri Anh bác bỏ Brexit, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra Brexit.
Bắc Hà
Theo KTĐT