.
Thủ tướng Ấn Narendra Modi và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị BRICS. Ảnh: AFP /PIB
Ngày 17/9, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 64 của mình trong một bữa ăn tối với chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc với mục đích thiết lập nền tảng cho mối quan hệ giữa hai cường quốc lớn ở châu Á.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Ấn Ðộ sau khi tới thăm Sri Lanka và quần đảo Maldive. Đây là lần đầu tiên một vị chủ tịch nước của Trung Quốc tới thăm 2 quốc gia Nam Á này. Tại Sri Lanka, ông Tập Cận Bình đã dự lễ khởi công một dự án 1 tỉ 400 triệu đô la của Trung Quốc để xây dựng một thành phố cảng tại đây.
Theo kế hoạch, chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập kéo dài trong ba ngày. Khác với thông lệ, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc không bắt đầu tại thủ đô New Delhi mà là bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ.
Việc ông Tập Cận Bình thăm bang Gujarat trước khi tới New Delhi vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 64 của Thủ tướng Modi, được các học giả và giới phân tích Ấn Độ chú ý. Họ cho rằng đây có thể là một nước cờ chiến thuật của Trung Quốc nhằm tranh thủ tình cảm của Thủ tướng Modi, đồng thời thể hiện ý định tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư với bang phát triển “đầu tàu” của Ấn Độ.
Trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, tất cả những vấn đề tồn tại giữa hai nước, kể cả vấn đề biên giới, sẽ được đưa ra thảo luận.
Tuy nhiên, theo giới quan sát tại New Delhi, hợp tác kinh tế là trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Chính vì vậy, tháp tùng ông, ngoài giới quan chức, còn có một phái đoàn hùng hậu hơn 100 nhân vật đứng đầu các doanh nghiệp, trong đó có những công ty lớn như China Harbour, China Railway Construction Group, Huawei và bốn ngân hàng lớn gồm Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng thương mại và công nghiệp Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB) và ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc (ABC).
Về phần Ấn Độ, mặc dù được biết đến là người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn nhưng ngay sau khi lên nhậm chức vào tháng Năm, Thủ tướng Narendra Modi đã nhanh chóng tham gia tọa đàm và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Mặt khác, ông Modi cũng đã tuyên bố rõ rằng ông thấy Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” và ông dự định sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại “cứng rắn” hơn so với chính phủ nằm quyền trước đó.
Trong lịch sử, hai nước láng giềng cũng đã từng xảy ra cuộc chiến tranh tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1962 ở bang Arunachal Pradesh phía đông dãy Himalaya và đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn đang nổ ra những tranh cãi gay gắt liên quan đến vấn đề chủ quyền và lãnh thổ.
Gần đấy, chính phủ mới của Ấn Độ đã nới lỏng việc hạn chế xây dựng trong khu vực cách biên giới tranh chấp 100 km. Theo đó, quân đội Ấn Độ được phép xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng trong một khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.
Tuy ở biên giới vẫn còn những mâu thuẫn nhưng cả hai bên vẫn tuyên bố rằng họ muốn tập trung vào hợp tác kinh tế. Cụ thể, ngoài hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai cường quốc, Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ phía Trung Quốc để thực hiện cuộc cải tổ và quy hoạch tuyến đường sắt đã xuống cấp trầm trọng của nước này.
Thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với tổng kim ngạch hai chiều hơn 65 tỷ USD. Thế nhưng theo thống kê của chính phủ Ấn Độ, chỉ trong năm 2001-2002, thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đã tăng vọt từ 1 tỷ lên hơn 40 tỷ USD.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Modi hứa hẹn sẽ “vực dậy” nền kinh tế suy giảm của Ấn Độ đồng thời kêu gọi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào nước này khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Brazil vào tháng Bảy.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đang mong muốn củng cố mối quan hệ với người láng giềng phía tây của mình khi căng thẳng tăng cao giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và với một số quốc gia Đông Nam Á vì liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Có thể thấy rằng cả hai cường quốc này đang tìm cách tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của họ ở Châu Á. Dựa trên tình hình hiện tại, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có “cái bắt tay” chiến lược và trở thành đồng minh của nhau hoặc cũng có thể “trở mặt” khi mối căng thẳng ở biên giới leo thang trầm trọng.
Nhưng dù gì thì Trung Quốc đang ở thế bí khi hết lần này đến lần khác gây hấn với các nước trong khu vực, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Philippines – những đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với chiến lược hướng trục sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia đã trở thành những đồng minh thân thiết của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh dễ rơi vào tình cảnh bị cô lập và mất tầm ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang cố gắng thực hiện kế hoạch tạo ảnh hưởng ở khu vực Nam Á để tìm kiếm đồng minh trong công cuộc bành trướng của mình.