Miền đông Ukraine tràn trong đau thương. Ảnh: AFP
BBC dẫn kết quả điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết, có 957 người đã thiệt mạng kể từ lúc Nga tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine. Đó là con số đáng lo ngại, vì nó không có dấu hiệu thuyên giảm chết chóc. Tổng cộng có 4.317 người đã chết từ tháng 4, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng giữa Ukraine và Nga trong vụ tranh chấp bán đảo Crimea.
Trong bản báo cáo lần này, Liên Hợp Quốc buộc tội cả Nga lẫn Ukraine về hậu quả của cuộc xung đột. Câu chuyện càng khiến tình hình tại miền đông Ukraine thêm căng thẳng.
Trong động thái mới đây, Nga đã kêu gọi Ukraine không tham gia vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là một khối quân sự, và sự rục rịch của Ukraine khiến tất cả lo ngại về một cuộc chiến tranh mới, nơi như đã nêu, thỏa thuận ngừng bắn sẽ vô nghĩa như vốn dĩ nó đã như vậy kể từ ngày ký.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk hôm thứ Năm 20-11 cáo buộc Nga "cố tình kích động một cuộc chiến tranh quy mô lớn". Trong buổi họp báo, ông Yatseniuk cũng cho rằng những hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “mối đe dọa cho tất cả mọi người, cho trật tự toàn cầu, hòa bình toàn cầu", BBC trích dẫn.
Ông Putin giữ lập trường cứng rắn với Ukraine. Ảnh: AFP
Trong diễn biến mới đây, Tổng thống Dalia Grybauskaite của Lithuania, một quốc gia NATO và là thành viên EU, trên đài phát thanh đã mô tả Nga là "nhà nước khủng bố".
Trước các động thái từ Liên Hợp Quốc, NATO và Ukraine, Tổng thống Nga Putin vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn. BBC trích lời nhận xét của ông trong cuộc họp ở Moscow rằng, “làn sóng của cái gọi là những cuộc cách mạng màu” đã mang lại “hậu quả bi thảm”.
Ông Putin nhắc đến thuật ngữ “cuộc cách mạng màu”, từng dùng trong các cuộc nổi dậy ở Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan, để cảnh báo mối nguy hại mà nó mang lại, đồng thời giải thích cho động cơ của phía Nga.
“Đối với chúng ta, đây là bài học và là sự cảnh báo”, ông Putin nói với Hội đồng Bảo an Nga. “Chúng ta nên làm tất cả những điều cần thiết để không xảy ra điều gì từng chứng kiến tại Nga”.
“Trong thế giới hiện đại, chủ nghĩa cực đoan đang được sử dụng như một công cụ địa chính trị và áp nó lên khu vực chịu ảnh hưởng”, tờ Telegraph dẫn tiếp lời nhận xét của ông Putin.
Bên cạnh đó, phía Nga cũng chĩa mũi dùi vào Mỹ khi cho rằng nước này “gây mất ổn định” ở Ukraine bằng cách cân nhắc cung cấp vũ khí cho Kiev chống lại Kremlin.