Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống pháp luật đã đề ra và qui định nhiều biện pháp quan trọng, thích hợp nhằm phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, vụ việc dân sự.
Việc Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng sẽ góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, giúp cho quá trình tố tụng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; giúp cho việc giải quyết các vụ án được khách quan, đúng pháp luật, bảo về quyền bình đẳng của mọi công dân, bảo vệ pháp chế XHCN.
Theo quy định của BLTTDS, Luật sư có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt đến lần thứ hai thì Toà án sẽ xét xử bình thường và đương sự phải tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của đương sự vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ Luật sư.
Trong quá trình tiến hành thủ tục hỏi tại phiên tòa, trên cơ sở đã nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư đưa ra các câu hỏi để làm sáng tỏ vấn đề. Kết quả của quá trình hỏi tại phiên tòa, cùng với những chứng cứ đã thu thập được trước đó về vụ án, Luật sư đưa ra lập luận để bảo về quyền lợi cho các đương sự trong vụ án.
Như thế, pháp luật đã quy định đầy đủ nhiệm vụ của Luật sư trong giai đoạn diễn ra phiên tòa. Việc vận dụng các quy định này phụ thuộc vào trình độ, nghiệp vụ và bản lĩnh của mỗi luật sư.
Hiện nay, khi tham gia tố tụng luật sư phải xuất trình Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Trong thời hạn ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng của luật sư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự lần này nên nêu rõ: Luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề về việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng; cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp với luật sư để luật sư thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, phụng sự cộng đồng, xã hội.
Chúng tôi nhận thấy việc tranh tụng của luật sư trong hoạt động xét xử dường như cũng còn gặp nhiều khó khăn, thưa luật sư?
Phải thẳng thắn thừa nhận hiện nay việc tranh tụng theo đúng nghĩa là chưa được thực hiện một cách triệt để, toàn diện trong hệ thống tố tụng, xét xử.
Thực tế cho thấy có nhiều phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc can thiệp trên mức cần thiết vào quá trình đối tụng giữa các bên đương sự như liên tục ngắt lời luật sư; hoặc không nghe đầy đủ ý kiến tranh luận của luật sư như nghe điện thoại riêng. Vụ việc được báo chí nêu gần đây tại phiên tòa ở Phúc Thọ là một ví dụ.
Bức ảnh thẩm phán nghe điện thoại khi luật sư đang trình bày thể hiện việc luật sư không được tôn trọng trong các phiên tòa. Ảnh: Infonet
Hiện nay chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chứng cứ, đặc biệt khi bảo vệ cho thân chủ là bị đơn trong vụ án, vụ việc dân sự. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình tranh tụng tại tòa.
Hơn nữa, mặc dù quyền “xác minh, thu thập chứng cứ” của Luật sư đã được Luật định, nhưng luật sư không thể thực hiện được quyền của mình, chỉ với lý do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chứng cứ “không thích” cung cấp cho Luật sư và không có nghĩa vụ phải cung cấp cho Luật sư những chứng cứ đó. Lúc này, Luật sư đành phải “nhờ” đến đương sự là khách hàng của mình làm đơn đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ, bởi Luật sư cũng không có quyền đề nghị Tòa án hay Viện Kiểm sát thu thập chứng cứ vì Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định.
Xin cảm ơn luật sư