Ngoại trưởng John Kerry cùng hội đàm với quan chức cấp cao của các quốc gia Ả Rập về cuộc chiến chống lại những phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo
Để giải đáp phần nào câu hỏi "Tại sao các nước Ả Rập lại hỗ trợ Mỹ không kích IS ở Syria?", CNN ngày 23/9 có đăng tải bài viết thể hiện ý kiến của bà Jane Kinninmont – chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu làm việc cho chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, tổ chức phân tích có trụ sở tại London, ngoài ra bà cũng tham gia chỉ đạo một dự án nghiên cứu về xu hướng tương lai tại vùng Vịnh.
Sự tham gia của năm quốc gia Ả Rập (Bahrain, Ả Rập Saudi, UAE – Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Jordan và Qatar) trong cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria là một bước chuyển mới quan trọng trong khu vực. Mặc dù Lầu Năm Góc đã mô tả sự trợ lực này là "sự tham gia và hỗ trợ" triển khai cuộc không kích nhưng điều này còn có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn khi trợ giúp trên phương diện “tinh thần” cho Mỹ.
Sự tham gia này đóng một vai trò rất quan trọng đối với Mỹ, năm nước Ả Rập đồng ý tham gia không kích khiến cuộc tấn công của Washington hoàn toàn không bị “đổ vấy” thành cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào một nước Trung Đông. Đồng thời, hành động này còn nhấn mạnh sự phản đối IS từ những nước Ả Rập và Hồi giáo – nơi xuất thân của phần lớn các chiến binh IS.
Mục tiêu tấn công IS trong cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh Ả Rập
Nhưng các nước Ả Rập được gì? Bà Jane Kinninmont cho rằng, động thái này thể hiện phần nào mối quan ngại về an ninh trong nước và uy tín quốc tế của họ. Về lâu dài, ngoài mối lo ngại về ISIS, việc đồng ý “hợp tác” với Mỹ phản ánh ý định của các quốc gia Ả Rập muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc duy trì an ninh trong một khu vực đầy biến động và xung đột.
Trên hết, các nước này thấy IS là một mối đe dọa tới an ninh nội địa của mình. Tư tưởng của IS không chỉ giống như al Qaeda là lên án "ngoại đạo phương Tây" mà nó còn chống lại chế độ hiện hành tại các quốc gia Ả Rập, âm mưu khiến các quốc gia này bị xóa sổ và thay thế bằng một Nhà nước Hồi giáo duy nhất.
Một trong những doanh trại của IS bị máy bay tàng hình F-22 Raptor không kích
Trước đây, Ả Rập Saudi đã từng là nạn nhân của al-Qaeda (AQ) khi bị tổ chức này tấn công khủng bố năm 2003- 2004, Jordan cùng từng bị đánh bom bởi một nhánh phiến quân AQ do Abu Musab al Zarqawi chỉ huy – một tên có những mưu mô tiền thân cho IS. Còn UAE cũng cáo buộc Huynh đệ Hồi giáo âm mưu lật đổ chính phủ nước này.
UAE tỏ ra “hiếu chiến” nhất trong số năm quốc gia khi đề cập đến Hồi giáo. Các quan chức Mỹ nói rằng lực lượng quân đội UAE gần đây đã ném bom tấn công nhằm vào các chiến binh Hồi giáo ở Libya. Tuy nhiên, thông tin này bị một bộ trưởng UAE phủ nhận. Nhưng nếu thông tin ném bom này là đúng thì đây sẽ là dấu hiệu cho thấy quân đội của quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này đang ngày càng quyết đoán.
Tuy nhiên, với động thái “bắt tay” với Mỹ, các nước Ả Rập cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro kinh hoàng khi muốn “ôm rơm rặm bụng”. Sau cuộc không kích mà Mỹ triển khai với sự trợ giúp của năm nước Ả Rập nhằm phá hủy các căn cứ chỉ huy và cơ sở hạ tầng của IS ở Syria, chắc chắn IS sẽ tức giận và tham vọng “tiêu diệt” các nước Ả Rập ngày càng lớn.