Nhân viên y tế đang phải đương đầu với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Ảnh: AFP
Một tình nguyện viên nữ thuộc tổ chức “Các bác sĩ không biên giới” của Pháp (MSF), đã bị nhiễm virus chết người Ebola khi đang làm việc tại Liberia. Bộ Y tế Pháp cho biết cô "sẽ được đưa về Pháp trong điều kiện an ninh được đảm bảo ở mức tối đa trong một máy bay y tế chuyên dụng" tuy nhiên cơ quan này không cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết nào.
MSF đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại dịch bệnh Ebola. Tổ chức này cử hơn 2.000 nhân viên tới Tây Phi trong đó có khoảng 200 nhân viên quốc tế. Hiện tại, các cơ sở y tế đã “chật cứng” và quá tải do các trường hợp nhiễm mới.
Đến nay, các ổ dịch Ebola ở Tây Phi được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hơn 2.400 người chết và tỷ lệ lây nhiễm cực nhanh có nguy cơ khiến dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngày 17/9, Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng mối nguy hiểm của virus Ebola không chỉ đe dọa tới sức khỏe con người mà còn “vùi dập” các hoạt động kinh tế ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngày 18/9, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về việc đẩy mạnh các gói viện trợ toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Trước đó, ngày 16/9, Tổng thống Barack Obama cam kết Mỹ sẽ gửi 3.000 nhân viên quân sự đến Tây Phi để chống lại bệnh dịch. "Dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát, trở nên tệ hơn, lây lan nhanh hơn theo cấp số nhân", ông Obama nhấn mạnh trong một bài phát biểu.
Thông báo của Tổng thống Obama được đưa ra tại một “thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống Ebola", Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf nhận định. "Các đối tác của chúng tôi nhận ra Liberia không thể một mình đánh bại Ebola", ông Sirleaf nói. "Chúng tôi hy vọng quyết định này của Mỹ sẽ thúc đẩy những thành viên khác của cộng đồng quốc tế hành động".