Seatimes – Trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, yêu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế (nhà xưởng, khu du lịch, khu công nghiệp, tòa nhà cho thuê); công trình nâng cao chất lượng sống và an sinh xã hội (nhà ở, công trình công cộng…), diễn ra không ngừng nghỉ, đã kéo theo nhu cầu (với quy mô lớn và chất lượng chuyên nghiệp) đối với nghề Quản lý dự án xây dựng.
Quản lý dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong mỗi dự án xây dựng. Là người (và tổ chức) thực hiện giám sát và chịu trách nhiệm về lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng cho một dự án, từ đầu đến khi hoàn tất công trình; chất lượng của quá trình quản lý điều hành có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tiến độ thực hiện dự án xây dựng. Xu hướng toàn cầu hóa hàng chục năm qua trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, còn đòi hỏi khâu quản lý dự án xây dựng phải có sự phát triển sâu rộng, tính chuyên nghiệp cao.
Với bối cảnh chịu tác động, và thụ hưởng thành quả từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản lý dự án ây dựng lại phải biết và nắm vững công nghệ mới, giải pháp mới. Từ đó mới thích nghi, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư hay công năng các công trình xây dựng. Đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư hay được thiết kế từ nước ngoài. Đối với trong nước, quản lý dự án cũng phải thích nghi với công trình có quy mô lớn, có thiểt kế phức tạp hay phong cách kiến trúc phức tạp, cầu kỳ. Chiều ngày 25/2/2023, đã diễn ra tọa đàm “Quản lý dự án xây dựng” do Khoa Quản lý dự án – trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) ; Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam (SCLVN); Hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam (VSCE) và Hội Quản lý dự án PMI Việt Nam (PMI Vietnam Chapter) đồng tổ chức.
“Quản lý một dự án xây dựng là một ngành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năng lực chuyên môn, các kỹ năng, vai trò của người quản lý dự án giữ một vị trí chính yếu cho sự thành công của dự án. Những năm qua, nhiều Thầy cô ở khoa Quản lý dự án – trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã vừa giảng dạy, vừa đăng ký tham gia quản lý một số dự án xây dựng. mong sao, mang càng nhiều kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm về giảng đường, truyền đạt lại cho sinh viên.
Cũng với mục tiêu đưa kiến thức, kỹ năng thực tế và kinh nghiệm hành nghề quản lý dự án xây dựng vào nhà trường, Khoa Quản lý dự án đã phối hợp và tổ chức tọa đàm “Quản lý dự án xây dựng”; các diễn giả khách mời ở góc độ quản lý nhà nước, góc nhìn chuyên gia, và kinh nghiệm nhà thầu, chắc chắn sẽ mang đến lượng kiến thức và những chia sẻ phong phú, giúp cho Khoa, cho học viên, cho các em sinh viên có cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa có chiều sâu về công việc quản lý dự án, về một chuyên ngành kinh tế xây dựng”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), chia sẻ.
Nghề HOT nhưng cũng là nghề KHÓ
Cùng quan điểm, ông Đặng Việt Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, nay là Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nghề quản lý dự án xây dựng, người làm công việc này phải được đào tạo, trang bị cũng như phải tự học, tích lũy nhiều kinh nghiệm thì mới làm tốt vai trò điều hành ngay từ đầu dự án, biết tuân thủ trình tự các bước thủ tục để không vướng (trả hồ sơ) khi phê duyệt, ảnh hưởng tiến độ, sau đó biết vận hành trơn tru, nhưng thực sự chặt chẽ đối với dự án, không để xảy ra thất thoát, kém chất lượng.
Người hành nghề quản lý dự án xây dựng phải am hiểu và tinh tế, biết xử lý hài hòa các mối quan hệ trong thời gian điều hành. Có câu chuyện là Ban quản lý dự án xây dựng thì luôn luôn muốn kiểm soát chặt chẽ mọi khâu, nhất là vật tư, tài chính; còn nhà thầu thi công thì không phải không tuân thủ pháp luật quy định, nhưng họ phải tính toán lợi ích cho doanh nghiệp mình.
Trong bối cảnh hiện nay, hành nghề quản lý dự án xây dựng phải tinh thông công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong xây dựng. nếu không, sẽ trở thành vật cản, nhà thầu không thể đưa công nghệ mới, giải pháp mới vào công trình, vài dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí là chất lượng.
“Quản lý dự án xây dựng phải có khả năng bao quát vòng đời của dự án, điều hành tốt mọi khâu của dự án một cách suôn sẻ nhưng tránh được mọi rủi ro, sai phạm”, ông Bùi Văn Dưỡng – Phó Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng; Ủy viên BCH SCLVN nhấn mạnh.
Người quản lý dự án xây dựng cần tố chất gì ?
Để quản lý dự án xây dựng, Người quản lý dự án phải hội đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn bao gồm: (khả năng quản lý) các nguồn lực, các yêu cầu, phạm vi công việc – hợp đồng, chi phí và tài chính, mua sắm và giao thầu; Sức khỏe – An toàn – Môi trường (HSE), tiến độ – chất lượng dự án,tương tác với chủ đầu tư – tư vấn giám sát – khách hàng – cơ quan quản lý nhà nước. Quản lý thông tin – truyền thông – rủi ro và quản lý sự thay đổi cũng là những yêu cầu bắt buộc của Người quản lý dự án xây dựng.
Về kỹ năng mềm cần 6 kỹ năng mà mỗi thành viên của một quản lý dự án xây dựng đều phải có: Tạo ảnh hưởng ; Giao tiếp; Quản lý cảm xúc: Làm việc nhóm; Thích ứng hoàn cảnh và Nhận thức (phán đoán, ra quyết định, giải quyết vấn đề, phân tích – phản biện, sáng tạo và cải tiến, tầm nhìn).
Rõ ràng, với vai trò và trọng trách, những yêu cầu (phải có và nên có) của Người quản lý dự án xây dựng là không hề đơn giản. Và để có được, kiến thức và kỹ năng của người quản lý dự án xây dựng vừa được trang bị “chuẩn” trước (để có thể triển khai công việc), trang bị thêm khi đúc kết kinh nghiệm thực tế và trau dồi, hoàn thiện (trong suốt quá trình làm việc).
“Có một tổng kết về công việc của người quản lý dự án xây dựng ở một dự án, đó là 86% thời gian được dành cho tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, nên giao tiếp tốt, tinh tế phải là một phẩm chất. Nói về khả năng nhận thức trong tổ chức công việc, người quản lý dự án xây dựng đôi khi phải nắm rõ về khách hàng, về đối tác cùng làm việc, hiểu được cả phong cách văn hóa”, ông Võ Thanh Hải bổ sung thêm.
Trong chia sẻ của mình tại tọa đàm, ông Đặng Việt Dũng (Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) còn lưu ý đội ngũ kỹ sư xây dựng và người quản lý dự án xây dựng Việt Nam, cần hướng tới tham gia đăng bạ, để được cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.
Được biết, các ngành kỹ thuật có thể đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN gồm 45 lĩnh vực (xây dựng, cầu đường, điện, năng lượng…). Để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, người đăng ký phải tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, hoạt động liên tục trong lĩnh vực 7 năm, trong đó 2 năm giữ vị trí chủ chốt (chủ nhiệm dự án, trưởng nhóm…), tham gia quá trình đào tạo liên tục và có đạo đức nghề nghiệp.
Khi được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, các kỹ sư có rất nhiều lợi thế trong tham gia làm việc ở các dự án có liên quan đến nước ngoài, có yếu tố quốc tế.
Hiện đã có gần 3.000 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN có tên đăng bạ. Và Malaysia là quốc gia có nhiều nhất kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (gần 1.000 người).
Quản lý dự án xây dựng trong thời đại 4.0
Theo PGS.TS Phạm Anh Đức – Trưởng khoa, Khoa Quản lý dự án – trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), tiềm năng áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý dự án xây dựng ngày càng rõ nét, bởi AI sẽ tăng cường hiệu quả năng suất, cải thiện an toàn lao động, cải thiện chất lượng công trình, AI sẽ quản lý tài nguyên thông minh hơn khi tích hợp hoàn hảo dữ liệu và tự động hóa quy trình.
Có nhiều xu hướng áp dụng AI trong quản lý dự án xây dựng: Sử dụng công nghệ blockchain (giúp lưu trữ, quản lý thông tin về uqas trình xây dựng, giúp cải thiện quản lý rủi ro, mang đến tính an toàn cao cho dự án); Robot và tự động hóa (tối ưu hóa quá trình thi công); kết hợp ứng dụng công nghệ mới (đơn cử như sử dụng drone giám sát, xác định hiện trạng công trình); Tăng cường thực tế (AR) và thực tế ảo (VR) tạo ra các mô hình 3D để dễ dàng quản lý, đưa ra các quyết định thông minh và kịp thời về dự án; Hệ thống Chatbot – Trợ lý ảo (hỗ trợ cấp quản lý và nhân viên tra cứu, tư vấn, …); sử dụng máy học và khai thác dữ liệu (kiểm soát tác động của thời tiết, của môi trường đến tiến độ, đến chất lượng, kiểm soát rủi ro); IoT và cảm biến thông minh (thu thập cơ sở dữ liệu cho AI).
“Một chương trình tọa đàm thực sự bổ ích, vì đã mang lại nhiều kiến thức cho sinh viên chúng em. Khi chọn ngành quản lý dự án để học và cũng là nghề nghiệp tương lai của mình, em hiểu rằng đầy là ngành có khối lượng kiến thức lớn, liên quan đến nhiều phạm trù và rất cần những kỹ năng, kinh nghiệm từ thực tiễn. Hôm nay, em học được rất nhiều. Đơn cử như sau khi tốt nghiệp đi làm, em vẫn phải tự học, tự nghiên cứu, tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân trong một thời gian khá dài để có được chứng chỉ hành nghề quản lý dự án. Như vậy học ở giảng đường sẽ không bao giờ là đủ, em và các bạn còn phải cố gắng rất nhiều nếu muốn trưởng thành từ nghề.
Những yêu cầu này gợi mở và định hướng cho việc học tập của em và các bạn rất nhiều. Lần đầu tiên, em có được cái nhìn vừa tổng quan, vừa sâu sắc về nghề nghiệp tương lai của mình. Hy vọng rằng, với kiến thức và kỹ năng được trang bị, em sẽ về góp phần xây dựng quê nhà Nha Trang”, bạn Nguyễn Hoàng Trúc My, sinh viên năm 3, khoa Quản lý dự án, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), bày tỏ cảm xúc khi tham dự tọa đàm. Cùng với các bạn trong lớp, Trúc My đã theo dõi và ghi chép “với em, đó là những nội dung mới của ngành”./.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ