Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, hiệp ước buôn bán vũ khí là công việc quan trọng cần được thúc đẩy trên toàn cầu. Ảnh: AFP
Cho đến nay Mỹ là nhà sản xuất vũ khí và xuất khẩu lớn nhất thế giới, đã ký kết hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn. Các "đại gia” xuất khẩu vũ khí khác như Pháp, Anh và Đức đã phê chuẩn hiệp ước và cam kết sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nó nhằm cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho các hành động vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
"Từ lâu, vũ khí và đạn dược được buôn bán và đặt ra câu hỏi về những cuộc sống mà chúng sẽ hủy hoại", Anna Macdonald, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Kiểm soát vũ khí cho biết. "Hiệp ước thương mại vũ khí mới có hiệu lực trong tuần này sẽ kết thúc điều đó". "Cuối cùng luật pháp quốc tế đã có hiệu lực nhằm chống lại tình trạng vũ khí rơi vào tay của những kẻ xâm phạm nhân quyền và các nhà độc tài".
Tổng cộng có 130 nước đã ký hiệp ước và 60 nước đã phê chuẩn, trong đó có Israel mới chấp thuận ký hiệp ước trong tháng này.
Trước đó, ngày 23-12, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon nói rằng đó là "công việc quan trọng mà chúng tôi tiếp tục thúc đẩy sự tham gia toàn cầu”, đặc biệt là các nước xuất khẩu nhiều vũ khí. “Những quốc gia chưa tham gia hiệp ước thì nên sớm gia nhập”.
Ngoài ra, trong thông điệp, ông Ban Ki-moon khẳng định hiệp ước đã mở sang trang mới trong lịch sử kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới, bảo đảm sự minh bạch và có trách nhiệm trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Ông hy vọng kể từ nay, tất cả các quốc gia tham gia hiệp ước cùng phải có trách nhiệm pháp lý trong mọi thương vụ buôn bán vũ khí, đồng thời các hoạt động chuyển giao vũ khí qua biên giới sẽ được theo dõi, giám sát bằng các biện pháp và phương tiện tối ưu nhất.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein ca ngợi hiệp ước đã thiết lập một khuôn khổ "nhằm kết thúc hiện tượng các loại vũ khí có thể được sử dụng để phạm tội ác và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".