Theo kế hoạch, hết tháng 3/2018, UBND quận Đồ Sơn , Sở VH&TT Hải Phòng phải trình phương án tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018. Đến nay, rất nhiều địa phương đang ‘nhòm ngó’ kế hoạch này để chốt phương án có hay không cho phép tổ chức lễ hội chọi trâu mới.
Mới cam kết giảm quy mô chọi trâu
Năm 2017, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để xảy ra sự việc trâu húc chết chủ. Chính vì vậy, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đứng trước nguy cơ bị dừng tổ chức. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần hội thảo bàn bạc, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tiếp tục được duy trì.
Bộ VHTT&DL yêu cầu Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 phải thay đổi đề án tổ chức mới được thực hiện.
Năm 2018, Bộ VHTT&DL yêu cầu Đồ Sơn sửa đề án tổ chức lễ hội, chú tâm vào các nghi lễ truyền thống, giảm bớt trọng điểm cho xới chọi. Đề án tổ chức mới phải trình Bộ VHTT&DL trong tháng 3/2018. Tuy nhiên, đến nay, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy, Bộ vẫn chưa nhận được đề án tổ chức mới dù Cục Văn hóa cơ sở đã vài lần gửi công văn đốc thúc địa phương sớm hoàn thiện đề án để báo cáo lãnh đạo Bộ.
Được biết, theo dự thảo đề án Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mới, địa phương không tổ chức đấu loại, chỉ chọi vòng chung kết với 16 đôi trâu. Các hoạt động lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng, tế thành hoàng làng, lễ rước nước… sẽ được chú trọng. Công tác an ninh trật tự đảm bảo an toàn cho du khách và chủ trâu cũng được lên kế hoạch cụ thể.
Tuy nhiên, đó mới là những phác thảo ban đầu mà đại diện quận Đồ Sơn thông tin đến Bộ VHTT&DL. “Việc điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn phải bám sát giá trị tốt đẹp của lễ hội theo hồ sơ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quan điểm của Bộ là quyết liệt chấn chỉnh bức xúc của dư luận – kiểm soát trâu chọi bán thịt” – bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Ngăn chặn phổ cập lễ hội đấu chọi
Không chỉ vì sự cố năm 2017, Bộ VHTT&DL mới quyết liệt chấn chỉnh các lễ hội chọi trâu, thực tế, từ năm 2016, lễ hội chọi trâu đã tràn khắp các tỉnh, TP như Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Như lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL: “Nếu Bộ không quyết liệt thì gần như cả nước tổ chức chọi trâu, có nơi còn sử dụng cả trường học để làm nơi bán thịt trâu”.
Cụ thể, ở Hà Nội từ Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ chuyển sang Hội thi trâu khỏe. Hoặc năm 2016, tỉnh Yên Bái cũng đồng loạt diễn ra nhiều lễ hội chọi trâu mới. Ngoài ra, nhiều DN còn làm hồ sơ xin cấp phép tổ chức Lễ hội chọi dê, chọi gà…
Năm 2018, trong khi nhiều địa phương đã nói “không” với lễ hội chọi trâu, thì ông Nguyễn Vũ Phan – quyền Giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang vẫn lúng túng vì không biết giải thích với người dân địa phương năm nay có cấm chọi trâu hay không. Bởi vì “Nhân dân nói vì sao Đồ Sơn vẫn duy trì chọi trâu mà Tuyên Quang phải bỏ? Trong khi bản chất của lễ hội vẫn là hai con trâu đấu với nhau, một thắng, một thua chứ không có gì khác” – ông Phan cho biết.
Tuy nhiên, năm 2018 Bộ VHTT&DL đã kiên quyết bày tỏ quan điểm không tiếp tục tổ chức chọi trâu ở các địa phương, trừ chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là di sản quốc gia, song cũng phải xây dựng đề án tổ chức mới. Đầu năm 2018, một số nơi manh nha ý định tổ chức hội chọi trâu, Bộ đã hướng dẫn thực hiện theo văn bản của Chính phủ và Bộ VHTT&DL theo tinh thần “hạn chế hoạt động phản cảm, bạo lực, tranh cướp”.
Chính vì vậy, số lượng lễ hội chọi trâu giảm đi rất nhiều so với 3 năm trước. Để đảm bảo duy trì kết quả chấn chỉnh lễ hội được lâu dài, ông Phạm Xuân Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL đề nghị Cục Văn hóa cơ sở vào cuộc điều tra lý do tại sao nhiều DN mặn mà xin cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu. Đây sẽ là phương pháp giải quyết tận gốc những vấn đề biến tướng của lễ hội chọi trâu.
Hoàng Vũ
Theo KTĐT