Seatimes – Chiều nay 7/3/2023, Đoàn công tác cấp cao AUF gồm GS. Slim Khalbous-Tổng Giám đốc AUF; GS. Laurent Sermet – Giám đốc AUF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Cán bộ phụ trách truyền thông AUF, bà Đỗ Hoàng Linh Nga, đã có buổi làm việc cùng Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, các Trường thành viên. Đây cũng là chuyến thăm và làm việc cấp cao đâu tiên của AUF và AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kể từ khi Đại học Đà Nẵng chính thức là thành viên của tổ chức này.
“Đây là một đề nghị thật tuyệt vời. Và nếu mọi việc diễn ra đúng như thế, tôi lại có dịp trở lại thành phố Đà Nẵng, nơi tôi có ấn tượng rất mạnh dù chỉ là những quan sát trên đường”, GS. Slim Khalbous-Tổng Giám đốc Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) AUF cho biết.
“Điều này thể hiện tình cảm, sự quan tâm của AUF với Đại học Đà Nẵng, cũng như tầm quan trọng của nội dung hợp tác theo yêu cầu của mỗi bên, trong bối cảnh của đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới. Đó là từ đại học vùng trọng điểm quốc gia, Đại học Đà Nẵng đã và đang được đầu tư, cũng như nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng trở thành Đại học quốc gia” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng đưa ra đề nghị đầu tiên với lãnh đạo cấp cao AUF là năm 2023 này, Đại học Đà Nẵng giữ vai trò đăng cai tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường đại học thành viên AUF (CONFRASIE) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
“Năm 2023 là năm kỷ niệm tròn 30 năm thành lập AUF khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kỷ niệm 28 năm, Đại học Đà Nẵng chính thức là thành viên của AUF. Những con số những cột mốc này thật ý nghĩa. Đây là một đề nghị thật tuyệt vời. Và nếu mọi việc diễn ra đúng như thế, tôi lại có dịp trở lại thành phố Đà Nẵng, nơi tôi có ấn tượng rất mạnh dù chỉ là những quan sát trên đường”, GS. Slim Khalbous-Tổng Giám đốc Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF) AUF cho biết.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng đề nghị AUF giữ vai trò cầu nối, kết nối Đại học Đà Nẵng với các trường đại học thành viên AUF và đi đến hợp tác trong trao đổi giảng viên – sinh viên, cũng như cùng nghiên cứu chung các vấn đề liên quan đến xây dựng thành phố thông minh – ứng phó với biến đổi khí hậu – vấn đề năng lượng xanh – xóa đói giảm nghèo.
Theo GS. Slim Khalbous, AUF đặc biệt coi trọng hợp tác quốc tế và hợp tác quốc tế là một trong những mũi nhọn, để khẳng định và đầy mạnh tầm nhìn tri thức, khoa học. AUF sẵn sàng làm cầu nối và sẽ xác định đối tác phù hợp trong mạng lưới của mình, và giới thiệu đến Đại học Đà Nẵng.
Về đề nghị tài trợ, tạo điều kiện để chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học nổi tiếng quốc tế đến nói chuyện, giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên – nghiên cứu sinh và sinh viên Đại học Đà Nẵng ; cũng như hỗ trợ bổng sau đại học (cho nghiên cứu sinh Tiến sỹ) tại các trường thuộc mạng lưới AUF; GS. Slim Khalbous cũng khẳng định AUF luôn sẵn sàng, miễn là, các đề nghị trên nằm trong khuôn khổ các dự án được AUF triển khai.
Hằng năm AUF đều có lời kêu gọi các thành viên, hưởng ứng các dự án liên quan đến Quản trị đại học – Chuyển đổi số – Tăng cường việc cho sinh viên sau tốt nghiệp. Do vậy, Đại học Đà Nẵng cần theo dõi để trình hồ sơ, hoặc trực tiếp cho Ủy ban AUF, hoặc thông qua AUF để kêu gọi bên thứ ba tài trợ, tạo điều kiện.
“Trong chiến lược quốc tế hóa các hoạt động của mình, AUF đang hướng đến tinh thần hợp tác đa phương, cùng nhau tìm kiếm công cụ, giải pháp, nguồn lực để giải quyết những thách thức chung, những vấn đề của hôm nay và ngày mai. Do vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn, AUF sẽ nâng cao khả năng liên kết, đa dạng trong kết nối, để có thêm nhiều thành viên cùng đồng hành trong mạng lưới” – GS. Laurent Sermet – Giám đốc AUF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương làm rõ thêm.
Khai trương Trung tâm hướng nghiệp Pháp ngữ đầu tiên tại Miền Trung và Tây Nguyên
Cũng trong chiều nay, 7/3/2023, đã diễn ra lễ khai trương Trung tâm hướng nghiệp Pháp ngữ (CEF Danang), đặt tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (thành viên Đại học Đà Nẵng). CEF Danang là 1 trong 3 trung tâm CEF tại Việt Nam (sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) và nằm trong số 9 trung tâm CEF được AUF thiết lập tại 7 quốc gia của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Campuchia, Lào, Mông Cổ, Thái Lan, Trung Quốc, Vanuatu và Việt Nam).
“Với triết lý giáo dục: “Tinh thông nghề nghiệp, sống có trách nhiệm, không ngừng tiến bộ”, hướng đến một trong những mục tiêu quan trọng của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng là đem lại cơ hội việc làm, cơ hội khởi nghiệp và môi trường đổi mới sáng tạo tốt nhất có thể cho sinh viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và đất nước, Nhà trường kỳ vọng CEF Đà Nẵng sẽ là cơ hội, phương thức hiệu quả hỗ trợ, đồng hành để thực hiện mục tiêu đó”, PGS.TS. Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng chia sẻ.
“CEF Đà Nẵng được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, triển khai các hoạt động trên 4 lĩnh vực chính: Tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn tìm việc làm; Đào tạo các kỹ năng mềm; Cấp chứng chỉ nghề nghiệp và Khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ thiết thực, giúp sinh viên dễ dàng hội nhập vào thị trường lao động, tìm được việc làm. Đây cũng là nơi chia sẻ các nguồn tài nguyên giáo dục, tạo điều kiện gắn kết nhà trường và doanh nghiệp. CEF Đà Nẵng cũng trở thành minh chứng hùng hồn cho ý chí và quyết tâm tăng cường sự hợp tác sâu rộng giữa Đại học Đà Nẵng và AUF, hiện thực hóa cam kết giúp Đại học Đà Nẵng đáp ứng những thách thức đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, bao gồm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học, hội nhập nghề nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ.
Trong phát biểu của mình tại sự kiện khai trương CEF Đà Nẵng, GS Slim Khalbous-Tổng Giám đốc nhấn mạnh đến vai trò của đại học trong bối cảnh mới. Đó là nơi không chỉ dừng lại ở giảng dạy, mà phải chăm lo, bảo đảm cho người học có việc làm. Đây cũng là cách đại học góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. AUF từng tổ chức một khảo sát toàn cầu để đi dến khẳng định rằng: Hỗ trợ việc làm cho sinh viên phải là ưu tiên hàng đầu của một đại học, theo 2 xu hướng. Một là hội nhập nghề nghiệp (thị trường việc làm), hai là có đủ tri thức và kỹ năng để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Cũng như 80 CEF do AUF tài trợ đã đi vào hoạt động trên toàn cầu, CEF Đà Nẵng sẽ là một địa chỉ chú trọng vào đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Khai hai sinh viên cùng tốt nghiệp một chuyên ngành, có trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, như nhau, sinh viên nào có khả năng nói chuyện trước công chúng, hay thành thạo cách làm việc nhóm, luôn chủ động trong công việc và biết cách tổ chức công việc hiệu quả, sinh viên đó sẽ có ưu thế hơn. CEF Đà Nẵng sẽ đào tạo bổ trợ và cấp các chứng chỉ các kỹ năng đó cho sinh viên. Một nội dung khác, là CEF Đà Nẵng cũng sẽ tư vấn, hướng dẫn sinh viên hình thành một dự án khởi nghiệp.
“Chúng tôi rất mong các đối tác, doanh nghiệp hãy đến CEF Đà Nẵng và cùng làm việc với nhà trường, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể gửi cho bộ phận phụ trách CEF Đà Nẵng, yêu cầu về tuyển dụng, các nhu cầu khác liên quan đến nguồn lực nhân sự, để nhà trường tiếp cận và có điều chỉnh, bổ sung phù hợp, nội dung – phương pháp đào tạo” , GS Slim Khalbous gửi gắm./.
Nguyễn Phương / Theo Tạp chí ĐNÁ