Sau 15 phút, Vịnh không thể đọc được chữ nào trong cuốn Tiếng Việt lớp 5. Ảnh: Báo Bắc Giang
Học sinh lớp 5 không viết nổi họ tên mình
Học sinh được nhắc đến trong sự việc trên là em Nguyễn Văn Vịnh, thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương (lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Phương I, Bắc Giang). Báo Bắc Giang đưa tin, được đưa cho cuốn Tiếng Việt lớp 5, Vịnh xoay đi xoay lại 15 phút rồi quay sang nhìn mọi người lắc đầu: "Con không đọc được".
Khi mẹ Vịnh là chị Nguyễn Thị Vinh (thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương) đưa bút bảo Vịnh viết tên, lớp và trường của mình, nhưng cũng phải mất chừng ấy thời gian Vịnh mới viết xong. Tuy nhiên, Vịnh cũng chỉ viết đúng chữ "Vịnh" và "5B", còn phần họ, tên đệm, lớp và trường… em viết nguệch ngoạc không ra chữ gì. Mẹ em đọc tên ông, bà, anh chị trong gia đình… Vịnh đều cắn bút.
"Xoay" 15 phút, Vịnh vẫn không thể viết đúng họ tên của bản thân. Ảnh: Báo Bắc Giang
Chị Vinh cho biết: "Gia đình tôi rất buồn và thắc mắc tại sao học sinh không biết chữ mà nhà trường vẫn cho lên lớp. Nếu các thầy, cô giáo nghiêm khắc hơn thì cháu không đến nỗi thế này".
Cho rằng con không biết chữ là trách nhiệm của nhà trường, mẹ học sinh Vịnh cũng quả quyết: "Gia đình tôi định bắt đền nhà trường theo hai hướng, một là dạy cháu biết đọc, biết viết; hai là phải trả gia đình 50 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng tiền đóng học trong 4 năm và 48 triệu đồng nuôi dạy cháu".
Thông tin về trường hợp học sinh lớp 5 không biết đọc, biết viết, thầy Thân Văn Lăng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Phương I cho biết, trường hiện có 6 học sinh có vấn đề về trí tuệ đang theo học diện hòa nhập cộng đồng trong đó có em Vịnh. Những em này đều đọc, viết rất chậm, trong đó Nguyễn Văn Vịnh và Nguyễn Thị Nhật Lệ không biết đọc, viết.
Thầy hiệu trưởng trường tiểu học Nghĩa Phương I cũng thông tin thêm, nhà trường đã cử nhiều thầy cô dạy giỏi đến kèm những em này nhưng các em không có tiến bộ, nhớ được vài hôm lại quên kiến thức. Nhà trường cũng đã đề nghị lên cấp trên xem xét mở lớp chuyên biệt cho những học sinh thuộc dạng này để đảm bảo chính sách và giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Nói về lý do những học sinh không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp, thầy Lăng cho rằng nếu để các em ở lại lớp, sợ rằng các em chênh lệch độ tuổi không hòa nhập được, học sinh lớn tuổi bắt nạt bạn ít tuổi, gây phức tạp trong nhà trường.
Học sinh lớp 7 "mù chữ"
Thực tế đây không phải lần đầu phát hiện trường hợp học sinh không biết đọc, biết viết vẫn được lên lớp. Trước đó, cuối năm 2011, dư luận cả nước từng xôn xao trường hợp em Nguyễn Văn Nhất (15 tuổi, ở tổ 11, khu vực 2, P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn, Bình Định) học đến lớp 7 nhưng hoàn toàn mù chữ. Em Nhất nói với phóng viên: "Em không biết cách đánh vần, đọc chữ từ năm… lớp một! Hằng ngày, khi lên lớp em nhìn theo nét chữ thầy cô viết trên bảng rồi chép lại, còn đến kỳ thi hay kiểm tra thì em nhìn bài bạn chép theo y chang".
Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (Quy Nhơn) nơi em Nhất theo học cũng xác nhận Nhất không ghép âm, ghép vần được.
Ngay trong tháng 2/2014, dư luận lại được một phen "choáng váng" một học sinh Trường TH Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An không đọc, không viết được nhưng vẫn được lên lớp 4. TTO đưa tin, ông Sơn – bố học sinh Nguyễn Thị Lê cho biết, hồi tháng 10/2013, một tối ngồi xem chương trình thời sự VTV1 với con nghe con hỏi “chữ gì trên tivi?” khiến ông ngạc nhiên. Ông hỏi: “Con không đọc được à?”. Thấy con lắc đầu nói không biết đọc, ông giở cuốn vở của con ra hỏi: “Con viết chữ thế này sao nói không đọc được chữ trên tivi?”. Lê bảo: “Đó là con viết theo chữ của cô giáo trên bảng chứ khi cô đọc thì không viết được”. Ông hỏi tiếp: “Con có đọc được chữ mình viết trong vở không?”. Lê lại lắc đầu. Ông lấy tờ 10.000 đồng và 20.000 đồng hỏi con tờ nào nhiều tiền hơn, Lê cũng lắc đầu nói “không biết”.
Ông Sơn sau đó chở Lê đến gặp hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Văn, sau khi nghe ông Sơn hỏi: “Vì sao con tôi lên lớp 4 mà nay không biết đọc, biết viết?”, ông Phượng trả lời: “Con ông học kém là do gia đình không biết kèm cặp”. Sau khi về nhà, ông Sơn không cho con đi học tiếp nữa và phản ánh sự việc với phóng viên. Đến khi phóng viên đến quay phim, chụp ảnh và làm việc với hiệu trưởng thì bà Nguyễn Thúy Vân (hiệu phó) vào vận động Lê đi học. Ông Sơn cũng cho biết, cô Vân kiểm tra Lê trực tiếp tại nhà ông mới biết con ông không biết đọc, biết viết một chữ gì. Ông Sơn đã xin trường cho Lê học lại lớp 1, nhưng trường chỉ cho lưu ban lớp 3.
Đáng chú ý, trường Tiểu học Thanh Văn đã là trường đạt chuẩn quốc gia từ năm 2002.
Sau đó, Báo Nghệ An đã có bài "phản bác" những thông tin trước đó, tờ này dẫn lời cô chủ nhiệm lớp 3B em Lê theo học cho biết, em Lê vẫn tiếp thu được bài dù đôi lúc còn hơi chậm. Cô chủ nhiệm cho rằng với mức độ học sinh lớp 3, em Lê đã cố gắng nhiều, thời điểm đó em lê đã viết được bài chính tả, nhận biết hết các chữ số trên bảng….
Tuy nhiên, khoảng giữa tháng 2/2014, GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An đã có quyết định kiểm điểm lãnh đạo, giáo viên Trường TH Thanh Văn vì đã để xảy ra trường hợp học sinh không biết chữ vẫn lên lớp.
Quyết định này kiểm điểm hai giáo viên dạy lớp 1 và lớp 2 do thiếu trách nhiệm, cho học sinh lên lớp không đúng chuẩn. Kiểm điểm hiệu trưởng, hiệu phó Trường tiểu học Thanh Văn thiếu tinh thần trách nhiệm, quản lý chuyên môn không sát thực, thiếu giải pháp cụ thể trong công tác giảng dạy, kèm cặp học sinh yếu kém.
Trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 6/2014, nói về vấn đề những học sinh không thông viết thạo vẫn được lên lớp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, đây là một tồn tại liên quan đến bệnh thành tích, liên quan đến việc đánh giá thầy cô, chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: "Chúng tôi đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh".
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp tục khắc phục tại những nơi tồn tại vấn đề này, đồng thời Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Khi chuyển được nền giáo dục đang nặng kiến thức một chiều sang phát triển năng lực học sinh, vấn đề này sẽ được xử lý tận gốc".