Khai mạc Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ Luật tố tụng Dân sự
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Viện khoa học xét xử, đại diện Lãnh đạo, Thẩm phán của TAND các tỉnh khu vực miền Bắc cùng một số Luật sư, chuyên gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Tống Anh Hào khẳng định: Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-n-2005.
Trải qua 10 năm thi hành, Bộ luật đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự, dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự; bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành, BLTTDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn; có những quy định chưa phù hợp, có những cách hiểu khác nhau, có những quy định mâu thuẫn với quy phạm pháp luật khác, có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 11 và 12-11
Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra yêu cầu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo hướng xác định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Đây chính là những căn cứ pháp lý mới xác định yêu cầu cần phải sửa đổi toàn diện tổ chức và hoạt động của Tòa án. Trên cơ sở đó, việc sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện BLTTDS là cần thiết.
Bên cạnh đó, Hội nghị này là diễn đàn để Tòa án các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan báo cáo tình hình thi hành BLTTDS tại địa phương, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS của TANDTC nhằm giúp Tổ biên tập nghiên cứu xây dựng Dự thảo BLTTDS (sửa đổi), khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và đáp ứng mục tiêu sửa đổi BLTTDS một cách toàn diện, phù hợp với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào hy vọng các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi, thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn về tất cả những vấn đề của Dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điều luật cụ thể nhằm hoàn thiện quy định của BLTTDS.