Seatimes – Nhân dịp Tết Cổ truyền Bunpimay Lào, Phật lịch 2566, chiều nay (7/4/2023), đã diễn ra chương trình gặp mặt Lưu học sinh Lào thuộc diện nhận học bổng của thành phố Đà Nẵng, đang học tập tại Đà Nẵng. Theo báo cáo của Sở Ngoại vụ, kể từ năm 2002 cho đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 850 suất học bổng, phần lớn là học bổng toàn phần, dành cho nhiều bậc học từ Tiến sỹ, Thạc sỹ cho đến Cử nhân, Cao đẳng giúp sinh viên, cán bộ các tỉnh Attapeu, Sekong, Salavane, Champasak, Savannakhet và Boulikhamxay, có thêm điều kiện kiện học tập, nghiên cứu. Mức học bổng mà thành phố Đà Nẵng dành cho sinh viên Lào, có giá trị tương đối cao hơn mặt bằng chung, và đa phần là học bổng toàn phần, nên cũng là mức hỗ trợ rất thiết thực trong học tập và sinh hoạt.
Bình quân mỗi năm, thành phố chi khoảng 14 tỷ đồng để hỗ trợ học bổng, chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng kinh phí cho hoạt động đối ngoại nói chung của thành phố.
“Quan hệ Việt Nam – Lào là một quan hệ hiếm có trong lịch sử bởi hai đất nước chúng ta vừa là láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em. Trong hơn 60 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước chúng ta chung lòng chung sức, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước. Xác định tầm quan trọng của yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm, bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương Nam, Trung Lào trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Không ai hết, chính thế hệ trẻ, các bạn sinh viên sẽ là động lực to lớn cho sự phát triển của đất nước hoa Champa xinh đẹp trong tương lai”, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, tất cả các tỉnh của nước bạn, đều có sinh viên, học viên Cao học và Nghiên cứu sinh tại các trường thành viên Đại học Đà Nẵng. Tập trung chủ yếu Nam và Trung Lào như: Savanakhet, Salavan, Sekong, Attapeu, Champasak. Số lượng chia theo các bậc đào tạo, tập trung ở bậc đại học (91,52%), Cao học (8,04%) và Tiến sỹ (0,45%). Theo ngành đào tạo, các ngành Luật, Kinh tế và Quản trị có số lượng cao nhất (66.03%), tiếp theo là các ngành Công nghệ thông tin và Kỹ thuật (23,42%), các ngành Sư phạm, Quốc tế học và Ngôn ngữ chiếm 9,70% và Y Dược là 0,84%. Nhiều sinh viên Lào có thành tích, kết quả học tập rất đáng tự hào (Giỏi: 2,01% và Khá: 10,96%).
“Sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, nhất là các bạn sinh viên Việt Nam, trong học tập, hướng dẫn cách sống, hòa nhập về văn hóa, … làm cho em cảm thấy ở đây, giống nhà của mình. Mọi người đều rất là thân thiện. Em hài lòng với điều kiện ăn, ở học tập cũng như rất vui khi tham gia hoạt động ngoài giờ học, như đi cắm trại với cả lớp.
Em có nhiều kỷ nhiệm đáng nhớ lắm về thầy cô, về các bạn sinh viên Việt Nam. Em rất tự hào là thời gian đi học, em cũng đã có cơ hội đi làm thêm, công việc rất tốt, nên dự định, sau khi tốt nghiệp, em sẽ ở lại làm việc thêm ở Đà Nẵng để học hỏi thêm nhiều kỹ năng”, bạn Bouphaphan Soukthavilay (nam sinh, quê quán ở Pakse, Champasack, hiện học lớp: 19TCLC_DT3, Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng).
Kể từ năm học đến, Đại học Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh hơn trong thu hút sinh viên quốc tế đặc biệt là Lưu Học sinh Lào. Các cơ sở giáo dục thành viên Đại học Đà Nẵng sẽ chủ động tuyển Lưu Học sinh Lào như tuyển sinh đại học chính quy. Để trở thành địa chỉ đào tạo hấp dẫn, chất lượng đào tạo tiếng Việt và chuyên môn sẽ được nâng cao hơn, cũng như gia tăng hoạt động giao lưu học thuật và văn hóa quốc tế. Trong đó, ưu tiên đầu tư đào tạo tiếng Việt, với một chương trình và nội dung giảng dạy tiếng Việt cho Lưu Học sinh Lào thống nhất toàn Đại học Đà Nẵng; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và và học tiếng Việt.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng sẽ tiếp tục củng cố hoạt động của các Trung tâm tiếng Việt của thành phố Đà Nẵng tại các tỉnh Nam, Trung Lào để trở thành một địa chỉ đào tạo tiếng Việt uy tín, chất lượng cho du học sinh trước khi sang Việt Nam học tập.
Đại học Đà Nẵng cũng sẽ rà soát, bảo đảm bố trí thầy cô giữ vai trò cố vấn học tập, và đội ngũ giảng viên vừa giỏi, vừa tâm huyết và có kinh nghiệm giảng dạy. Đặc biệt, trong xu thế tăng cường quốc tế hóa giáo dục, sẽ xây dựng Quỹ học bổng cấp Đại học Đà Nẵng cho Lưu Học sinh nước ngoài.
Được biết thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt – Lào thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Đà Nẵng cũng đã phối hợp tổ chức các hoạt động như “Chương trình Ở nhà người dân”, “Chương trình Người Mẹ thứ hai” đầy ý nghĩa dành cho các em sinh viên Lào. Qua những hoạt động này, các em được trải nghiệm văn hóa, tập quán truyền thống của Việt Nam, được giao lưu với người dân địa phương, từ đó vơi đi nỗi nhớ nhà và càng yên tâm học tập.
Đây thực sự là dấu ấn thể hiện sâu đậm tình cảm của nhân dân thành phố dành cho các em. Đà Nẵng, trong các em sinh viên, học viên Lào như quê hương thứ hai, ở đó có gia đình, có những người mẹ, anh chị em, thầy cô và bạn bè luôn chào đón.
“Lúc mới vào năm nhất, em chưa thể thích nghi với hệ thống học tập tại Việt Nam. Nhưng các bạn Việt Nam cùng lớp đã rất nhiệt tình, chỉ cho em cách dùng web elearning để tra thời khoá biểu, biết thông tin mỗi tiết học. Trong lúc học, có nhiều lúc em không thể ghi lại kịp các kiến thức mà thầy cô đang giảng. Vậy là thầy cô nhận ra và giảng chậm lại, giải thích kỹ hơn những chỗ em chưa hiểu lắm. Thầy cô rất đặc biệt nhiệt tình với sinh viên Lào chúng em. Nhờ vậy em đã học tập tốt hơn.
Ký túc xá sinh viên quốc tế tại trường Đại học Kinh tế chúng em rất đầy đủ tiện nghi và sinh hoạt thường ngày cũng rất thoải mái. Thầy cô ban quản lý cũng thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời. Sau này khi ra trường, nếu như không ở lại Đà Nẵng – Việt Nam làm việc, thì em cũng sẽ thường xuyên trở về ngôi nhà thứ hai thăm Thầy cô và các bạn. Em sẽ ghé lại những nơi em từng đến như Sơn Trà, chùa Linh Ứng, … Em thích ngắm cảnh và cảm nhận sự yên tĩnh từ Sơn Trà, còn chùa Linh Ứng, chính là nơi, mỗi lúc nhớ nhà em tìm đến”, Bạn Sivalath Keomanivanh (nữ sinh, quê quán Savannakhet, hiện học lớp 45k01.4, ngành Ngoại thương, Khoa Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), bày tỏ cảm xúc. Được biết, Sivalath Keomanivanh có điểm tốt nghiệp dự bị tiếng Việt là 9,02, hạng xuất sắc.
Theo Phó Chủ tịch thường trực, ông Hồ Kỳ Minh, điều khiến lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành hài lòng là chất lượng đào tạo sinh viên Lào tại Đại học Đà Nẵng luôn ở mức cao. Là đại học vùng trọng điểm quốc gia, đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành nghề và với tầm nhìn sẽ trở thành đại học quốc gia trong thời gian tới, Đại học Đà Nẵng đã góp phần đào tạo một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, doanh nhân không những cho khu vực miền Trung mà còn cho cả nước.
Các em sinh viên, học viên Lào có thể tâm yên tâm về công tác giảng dạy, chuyên môn đào tạo cũng các điều kiện cơ sở vật chất mà Đại học Đà Nẵng đã bố trí. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mong muốn các em sau khi ra trường sẽ trở thành những nhân tố ưu tú, những cánh chim đầu đàn, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà; đồng thời sẽ là sợi dây kết nối, thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa Đà Nẵng với các địa phương Lào.
Ông Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị Sở Ngoại vụ, Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế chủ động tham mưu cho thành phố để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác học bổng cho lưu học sinh Lào, hướng đến xây dựng một Chương trình Học bổng phát triển quốc tế có chất lượng, có thương hiệu; hỗ trợ tối đa cho các em từ khâu tuyển ứng viên tham gia học bổng cho đến khâu quản lý, định hướng, hỗ trợ cho các em theo cả một hành trình. Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ chủ trì, làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để tiếp nhận các em sinh viên Lào năm cuối vào thực tập tại các cơ quan của thành phố, giúp các em có thêm kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn trước khi trở về địa phương công tác, làm việc.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ