Một người đàn ông đứng phía trước của trường tiểu học Kadonowaki bị phá hủy hoàn toàn sau trận động đất và sóng thần ngày 11-3-2011 tại tỉnh Ishinomaki, phía bắc Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Keiko Abe, 66 tuổi, đã phải trải qua 4 mùa đông khắc nghiệt trong những ngôi nhà chật hẹp chỉ đủ diện tích cho một chiếc ghế sofa, một chiếc bàn và TV sau khi thảm họa sóng thần xảy ra năm 2011. Không chỉ bà Abe mà hàng chục ngàn người sơ tán khác cũng đang sống trong hoàn cảnh tương tự.
Theo thông tin từ Reuters, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ hơn 50 tỉ USD cho các chính quyền đại phương tại quận Miyagi, Iwate và Fukushima – những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, khoảng 60% số tiền trên vẫn kẹt tại các ngân hàng khu vực.
Ishinomaki, nơi có hơn 3700 người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tê liệt kinh phí. Theo kế hoạch, thành phố cảng này sẽ được viện trợ 4,1 tỷ USD cho mục đích tái thiết cơ sở hạ tầng trong vòng ba năm, tuy nhiên cho tới nay, hơn 2,3 tỷ USD vẫn còn ở ngân hàng. Chưa đến 5% những ngôi nhà mới cho gần 25.000 người sơ tán tại Ishinomaki được hoàn thành.
Hiroshi Kameyama, thị trưởng của Ishinomaki giải thích một trong những lý do gây ra tình trạng chậm trễ về vốn tài trợ là do tệ quan liêu. “Đó là một thảm họa nặng nề vậy mà các quan chức chính phủ trung ương hành động như thể không có gì to tát cả”, ông Hiroshi Kameyama cho hay.
Đối với thủ tướng Abe, sự trì trệ kế hoạch kiến thiết sẽ trở thành quả bom nổ hẹn giờ đối với vụ trí của ông. Trước khi trở thành Tân thủ tướng tháng 12/2012, ông Abe đã cam kết đẩy nhanh tiến độ tái thiết tại các vùng bị tàn phá trong chiến dịch tranh cử. Gần hai năm sau khi đắc cử, ông Abe một lần nữa tái khẳng định hứa hẹn trước đó.
Tuy nhiên, cho tới nay, mới khoảng 2.700 đơn vị nhà mới trong tổng số 29.000 được hoàn thành.
Theo ước tính của chính phủ hồi tháng 4/2014, chi phí để xây dựng một ngôi nhà mới vào khoảng 217.000 USD, cao hơn 40% so với dự tính năm 2011.