“Ông Chấn không có mặt tại hiện trường hoặc biết các tình tiết gì khác quan trọng có liên quan đến vụ án, nên hoàn toàn không đủ căn cứ để Tòa án Bắc Giang triệu tập ông Chấn làm nhân chứng trong vụ án”, luật sư Phạm Hoài Nam nhận định.
Liên quan tới vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang từng gây chấn động dư luận, tới đây ngày 29/9, hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung sẽ bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn trong việc xét xử vụ án này là ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã được xác minh là vô tội trong vụ án trên lại là nhân chứng của vụ án. Trước thông tin này PV Seatimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về với gia đình khi được minh oan (trái), hung thủ Lý Nguyễn Chung (phải)
PV: Xin luật sư cho biết, theo quy định của phát luật Việt Nam thì những người như thế nào được coi là nhân chứng của vụ án và được mời tới tòa làm chứng?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 55 Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án thì đều có thể được triệu tập đến làm chứng.
PV: Vậy xin luật sư cho biết, trong vụ án Giết người, cướp của trên thì ông Nguyễn Thanh Chấn được mời tới tòa với tư cách nhân chứng có hợp lý không?
Xét về góc độ pháp lý, trên cơ sở điều tra lại vụ án Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã xác định rằng tại thời điểm Lý Nguyễn Chung gây án (tối ngày 15/8/2003) thì ông Nguyễn Thanh Chấn đang còn bận bán hàng cùng với vợ tại khu vực sân bóng thôn Me. Đồng thời, theo tài liệu truy tố, căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của ông Chấn, lời khai của các nhân chứng khác và kết luận giám định xác định dấu vết đường vân chân dính máu tại hiện trường không phải của Nguyễn Thanh Chấn.
Như vậy, tại thời điểm chị Nguyễn Thị Hoan bị Lý Nguyễn Chung giết và cướp tài sản thì ông Chấn không có mặt tại hiện trường hoặc biết các tình tiết gì khác quan trọng có liên quan đến vụ án, nên hoàn toàn không đủ căn cứ để Tòa án Bắc Giang triệu tập ông Chấn làm nhân chứng trong vụ án.
Luật sư Phạm Hoài Nam
Xét về tình cảm con người, vụ án oan đối với Nguyễn Thanh Chấn là nổi đau không thể bù đắp về danh dự, tinh thần lẫn vật chất khi ông Chấn phải chấp hành hình phạt tù 10 năm, nếu bố ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là liệt sỹ, chắc hẳn ông Chấn không có cơ hội để sống và chờ ngày được giải oan… Như vậy, ông Chấn cũng chính là “nạn nhân” của một loạt các hành vi sai phạm của cơ quan tố tụng và những người tiến hành tố tụng khi tiến hành điều tra và giải quyết vụ án liên quan đến cái chết của bà Nguyễn Thị Hoan.
Giờ đây, khi hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì tất cả tình tiết liên quan đến vụ án mới được công khai trước dư luận. Trong khi đó, khi mà mọi người vẫn còn nhiều điểm chưa ngã ngũ về việc đền bù thiệt hại cho ông Chấn thì việc Toà án Tỉnh Bắc Giang triệu tập ông Chấn làm nhân chứng trong một vụ án mà suy cho cùng ông Chấn ‘chẳng liên quan gì’ thì liệu việc này có khơi gợi một nổi đau không đáng có mà ông tiếp tục phải trải qua!
Vâng, xin cảm ơn luật sư.
Ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc giang cho biết: Chính xác vào ngày 29/9 tới đây, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ đưa ra xét xử phiên tòa hình sự công khai xử đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988) – kẻ sát hại chị Nguyễn Thị Hoan (Việt Yên, Bắc Giang) vào ngày 15/8/2003. Lý Nguyễn Chung bị truy tố về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. “Căn cứ theo hồ sơ vụ án thì Nguyễn Thanh Chấn là nhân chứng, do đó TAND sẽ mời ông Chấn đến tham dự. Qua đó sẽ tiến hành lấy lời khai của nhân chứng trước tòa, tái hiện về mặt thời gian, không gian và địa điểm trong vụ án tại gia đình bà Hoan sau khi bị giết để xét xử vụ án một cách công tâm, minh bạch nhất.”
Theo Dân Trí
|
Xem thêm: Bắt điều tra viên vụ ông Chấn, chuyên gia pháp lý nói gì?