Seatimes – Theo các chuyên gia, trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Từ đó khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhiều trái chủ thậm chí nghi ngại và thoát dần khỏi kênh đầu tư này dù sở hữu trái phiếu có “lý lịch” trong sạch và minh bạch.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầu năm 2023
Theo thống kê ghi nhận trong tháng 1/2023, duy nhất một lô trái phiếu phát hành riêng lẻ từ một đơn vị đầu ngành nền móng cọc xây dựng, với giá trị 110 tỷ đồng, chưa đạt 1% so với cùng kỳ. Tháng 2/2023, chỉ có hai đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan phát hành ra công chúng 1.500 tỷ đồng với lãi suất 9,5%/năm với kỳ hạn 5 năm.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương VN (VCBS), năm 2023 vẫn chỉ là giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc, sắp xếp lại các tài sản đảm bảo, thực hiện công bố thông tin hoàn thiện theo quy định của Nghị định 65. Giai đoạn này đã xuất hiện một số trái phiếu chậm trả gốc, lãi. Thị trường đặt hi vọng những giải pháp tổng thể từ phía cơ quan quản lý là chìa khóa nhằm dần tháo gỡ khó khăn, ổn định tâm lý nhà đầu tư hướng đến sự phát triển của thị trường vốn trong dài hạn.

Nhận diện trái phiếu doanh nghiệp tiềm năng để đầu tư
Thực tế, nhà đầu tư không nên đánh đồng các loại trái phiếu trên thị trường, mất niềm tin vào kênh đầu tư này khi nhiều doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết. Các chuyên gia tài chính khuyến nghị các nhà đầu khi có ý định sinh lợi qua kênh trái phiếu cần nghiên cứu kỹ càng nhiều yếu tố, vị thế của doanh nghiệp, uy tín của ban quản trị, lịch sử hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả là một trong những điều kiện tiên quyết để xem xét đầu tư. Doanh nghiệp phải có sự minh bạch, công bố thông tin đầy đủ, đặc biệt về tình hình tài chính, tránh hiện tượng dùng số liệu không có thật, lừa dối khách hàng như nhiều doanh nghiệp xảy ra khủng hoảng trong thời gian qua.
Hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng cần nghiên cứu, thể hiện qua khả năng huy động thành công nguồn vốn trong và ngoài nước, cũng như lịch sử thanh toán trái phiếu đúng hạn. Trong thực trạng nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, nhà đầu tư nên ưu tiên rót vốn vào những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ít phụ thuộc vào chu kỳ của thị trường như tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng, vận tải…
11 ngân hàng bị thanh tra về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Cụ thể, Thủ tướng đã chỉ đạo về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra đột xuất 11 ngân hàng và xử phạt hành chính đối với những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng khi tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có nhiều sai phạm trong thời gian qua để bảo vệ chính đáng cho người dân.
Dựa vào kết quả thanh tra, NHNN đã ban hành một số quyết định xử phạt hành chính với những ngân hàng vi phạm. Theo đó, việc thanh tra và xử lý có góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro gây mất an toàn hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp hay để tăng quy mô vốn hoạt động. Các nhà băng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các nhà băng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng.
Nguyễn Phương/tapchidongnama.vn