XQ sử quán (Đà Lạt) nằm trên cung đường Mai Anh Đào, đối diện Thung lũng Tình yêu, đây trở thành địa chỉ văn hóa, nghệ thuật của phố núi Đà Lạt suốt 26 năm qua.
XQ sử quán nằm trên cung đường Mai Anh Đào – TP Đà Lạt
Nói đến XQ Đà Lạt Sử quán, không thể không nhắc tới mối tình giữa người con gái gốc Huế, Hoàng Lệ Xuân (yêu nghề thêu) và chàng y sĩ gốc Quảng Nam, Võ Văn Quân (say mê nghệ thuật). Cái tên XQ là chữ viết tắt tên của hai con người ấy, những tâm hồn đồng điệu gặp nhau trong từng đường nét của bức tranh thêu. Cách đây 26 năm, khi mới thành lập, XQ Đà Lạt chỉ là một tổ hợp tác thêu lụa với vỏn vẹn 20 nghệ nhân. Trải qua quá trình phát triển đầy thăng trầm, XQ Đà Lạt đã có hàng ngàn thợ thêu cùng các đơn vị XQ trực thuộc trải dài khắp đất nước như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn…Cặp đôi Xuân – Quân quyết tâm giữ nghề thêu, vạch hướng đi mới cho nghề, kết hợp giữa nghệ thuật thêu và nghệ thuật của hội họa, tạo sắc thái mới cho tranh thêu Việt Nam thời hội nhập quốc tế.
Vợ chồng ông Võ Văn Quân
Du khách thập phương kiếm tìm khám phá
Hằng ngày, nơi đây đón tiếp hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm vẻ đẹp của tranh thêu, khám phá không gian văn hóa mang đậm dấu ấn của một “làng nghề” Việt. Trong khuôn viên rộng 1,2 ha, XQ Sử quán có nhiều khu vực để du khách tham quan, trải nghiệm. Trong đó nổi bật là Khu trưng bày tranh thêu, với các loại nghệ thuật tranh chân dung, phong cảnh, tranh hai mặt và điêu khắc chỉ độc đáo. Nơi đây còn có khu tôn vinh các nghệ nhân thêu; khu trưng bày lịch sử ngành thêu; khu nghệ thuật sắp đặt; khu ẩm thực; khu vườn phong lan rừng tri kỷ hữu…
Tác giả bài viết trong một lần ghé thăm XQ Sử Quán
Đặc biệt chủ nhân của XQ Sử quán dành hẳn một khu vực giới thiệu về lịch sử, con người, văn hóa, đời sống của người Đà Lạt suốt 126 năm hình thành và phát triển, cùng không gian giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước như: Việt- Pháp, Việt- Hàn, Việt- Nhật, Việt- Nga…
Nghi Lễ rước sợi chỉ ước nguyện…
Có thể cảm nhận không gian kiến trúc và cách bố trí tại XQ Đà Lạt Sử quán mang dáng dấp cung đình Huế truyền thống đầy sang trọng, xen lẫn sự sáng tạo, “phá cách” của chủ nhân để lại dấu ấn mạnh mẽ cho người thưởng lãm. Với tranh thêu XQ Đà Lạt, các nghệ nhân đã thổi hồn của dân tộc Việt vào từng bức tranh. Người xem có thể cảm nhận cái hồn thơ, tình yêu quê hương, niềm say mê nghề nghiệp qua những tác phẩm nghệ thuật tràn đầy hơi thở cuộc sống, đọng lại trong từng đường kim mũi chỉ của những người phụ nữ thầm lặng ngày đêm sáng tạo.
Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc trong ngày “Tri kỷ hữu”
Ông Quân lo lắng khi sự sáng tạo nghệ thuật quá lệ thuộc vào thương mại mà phải từ bỏ khái niệm “biểu hiện độc đáo của nghề thêu”, khi các nghệ nhân coi bức tranh thêu chỉ là thứ hàng hóa như các loại hàng hóa khác, không có đặc điểm văn hóa nào. Hướng về tương lai, vợ chồng nghệ sĩ Xuân – Quân đang chuyển giao XQ và “đặt cược” cho thế hệ trẻ là những người con được du học ở nước ngoài về như Võ Hoàng Hạ Uyên, phụ trách kỹ thuật và hệ thống phong tục nghề thêu; Võ Hoàng Phương Uyên, người tìm cách biểu hiện hình thức, diện mạo mới của nghề thêu và Võ Văn Quân (con), người tìm kiếm cội rễ kinh tế cho nghề thêu.
Con gái ông Quân trong vai trò người dẫn chương trình trong Nghi Lễ rước sợ chỉ ước nguyện.
Ngày 13/12 sắp đến, XQ Sử quán Đà Lạt họp mặt Tri kỷ hữu để kỷ niệm 26 năm hình thành XQ. Dịp này có nghệ sĩ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tham gia biểu diễn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ XQ. Cũng có thể coi đây là một ngày trọng đại của XQ trong đó có Nghi Lễ rước sợi chỉ ước nguyện để các nghệ nhân thuê nuôi dưỡng ước nguyện với nguyện.