Seatimes – (ĐNA), (ĐÀ NẴNG), Ngày 17/10/2023, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng, đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024. Năm học mới, trường đón 1.538 tân sinh viên gia nhập mái nhà chung VKU. Trong đó, số lượng thí sinh được tuyển thẳng vào trường tăng cao, hơn 400 em, chiếm tỷ lệ gần 30% của tổng 1.538 sinh viên nhập học, nâng tổng quy mô sinh viên của Nhà trường lên gần 6.000 sinh viên.
“VKU lại khởi đầu một năm học mới, bước tiếp hành trình phát triển, khẳng định học hiệu uy tín, chất lượng hàng đầu của cả nước với khát vọng vươn tầm quốc tế. Nhà trường vẫn theo đuổi phương châm “lấy người học làm trung tâm”, theo đuổi triết lý giáo dục “Nhân bản – Phụng sự – Khai phóng” cùng hệ thống giá trị cốt lõi “Chất lượng – Uy tín – Chuyên nghiệp”.
Trong tương lai, Trường còn mở rộng tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực mới, phục vụ nhu cầu và xu hướng của xã hội như Vi mạch bán dẫn; Truyền thông số; Điều khiển; Nhúng,…”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng, nhấn mạnh trong diễn văn tại sự kiện.
Chất lượng đào tạo bắt đầu từ chất lượng tuyển sinh đầu vào
Được biết, mùa tuyển sinh 2023, VKU tiếp tục đứng vào Top đầu các trường đại học có điểm chuẩn đầu vào cao của cả nước và cao nhất của Miền Trung – Tây Nguyên. Điểm trúng tuyển đầu vào liên tục tăng so với các năm trước cho tất cả 14 ngành/chuyên ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển theo hình thức xét học bạ 24-26 điểm; theo hình thức xét điểm thi THPT từ 22-26 điểm, điểm bình quân xét tuyển năm 2023 (24 điểm), tăng so với năm 2022 là 2 điểm và tăng so với năm 2020 đến 6.0 điểm (năm đầu tiên tuyển sinh, điểm bình quân là 18). VKU đã nhận được sự tin tưởng, quan tâm rất lớn của xã hội, đã tuyển sinh được thế hệ sinh viên rất tài giỏi.
Tân thủ khoa năm nay là em Võ Ngọc Minh – cựu học sinh THPT Tôn Đức Thắng, tỉnh Phú Yên. Điểm đầu vào: 30.28 điểm. Em đang được xét nhận học bổng trị giá 35 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Đại học Đà Nẵng, Nhà trường và Doanh nghiệp.
Về định hướng phát triển của VKU, PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho biết: “Cộng đồng sinh viên hiện có gần 6.000 và định hướng đạt từ 8.000 – 9.000 sinh viên đại học, sau đại học đến năm 2025. Đội ngũ cán bộ giảng viên hiện có trên 250 người, trong đó có gần 60 tiến sỹ và phó giáo sư, chiếm tỷ lệ gần 41%. Đây là con số cao vượt trội so với tỷ lệ (Tiến sỹ) trung bình chung của cả nước (là 30%). VKU đã quy tụ và thu hút được lực lượng giảng viên hùng hậu, tinh hoa bậc nhất tại Miền Trung và cả nước về các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số.
Bên cạnh đó, VKU đã chú trọng kết nối và xây dựng mạng lưới trên 200 đối tác chiến lược gồm các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia quá trình đào tạo, tuyển dụng việc làm và tài trợ, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo Chương trình toàn cầu song ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn với NiX Education, Fsoft, Evo Labs….
Chương trình đào tạo tại VKU theo chuẩn mực quốc tế, phương pháp giảng dạy hiện đại, theo định hướng khai phóng và quốc tế hóa. VKU đã triển khai mạnh mẽ phương pháp học trải nghiệm thông qua nhiều hoạt động, sân chơi, chương trình trao đổi học thuật-văn hóa quốc tế, triển khai dự án thực tế, thực tập, hợp tác doanh nghiệp, tăng cường giảng dạy bằng ngoại ngữ, 100% luận văn tốt nghiệp của sinh viên được viết/trình bày bằng tiếng Anh.
Chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng trường đại học số, xanh và hiện đại
Trước nhiều nhiệm vụ trọng tâm cấp bách cần phải nhanh chóng thực hiện, PGS.TS Huỳnh Công Pháp cũng phát lời kêu gọi toàn thể cán bộ, viên chức “hãy nỗ lực, trách nhiệm và tâm huyết hơn nữa để đồng lòng cùng nhau xây dựng VKU trở một trường đại học đẳng cấp, một ngôi trường mơ ước, lý tưởng tại Miền Trung dành cho sinh viên cả nước và khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Nhà trường phải đền đáp xứng đáng hơn cho xã hội, các bậc phụ huynh và sinh viên đã trao trọn niềm tin và tương lai cho chúng ta”.
Để đạt được mục tiêu và khát vọng đó, với truyền thống đoàn kết một lòng, cùng đồng hành, Nhà trường đề ra mục tiêu phấn đấu: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, theo định hướng khai phóng; tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi học thuật, ngoại khóa bổ ích để sinh viên được trải nghiệm, phát triển tối đa kiến thức, kỹ năng mềm và nhất là ngoại ngữ; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình giảng dạy, thực tập, triển khai dự án thực tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và phục vụ sinh viên,…Tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, không gian học tập, Campus xanh-sạch-đẹp-tiện nghi, đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ đời sống sinh viên.
Đẩy mạnh quốc tế hóa tất cả các hoạt động của nhà trường, nhất là chủ trì triển khai các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo chung của ACIR – Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (do VKU khởi xướng thành lập); Phát triển mạnh Chương trình đào tạo toàn cầu song ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn hợp tác với doanh nghiệp; thiết lập chuẩn đầu ra ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế (tương đương IELTS 5.5-6.0); mở đào tạo thạc sỹ-tuyển sinh viên quốc tế. Nâng cao năng lực quản trị, năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, đồng thời triển khai nhanh, mạnh chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng trường đại học số, xanh và hiện đại.
Tiếp tục tìm kiếm nguồn kinh phí, tài trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để xây dựng nhiều chính sách học phí ưu đãi, hỗ trợ tài chính, học bổng cho sinh viên.
Chân dung sinh viên VKU vượt khó
Chia sẻ về hoàn cảnh thiệt thòi của mình (Cha, Mẹ đều không còn), Ngô Hạ Phương, bạn gái đến từ Quảng Nam, cựu học sinh của trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ), 1 trong 20 tân sinh viên vượt khó tiêu biểu cho biết: Không có bố mẹ , có lẽ là mất mác lớn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Nhưng rồi em đã phải suy nghĩ theo hướng đơn giản dần, tự an ủi chính mình “Có lẽ Bố và Mẹ còn có một công việc gì đó rất quan trọng, nên không thể về bên mình. Bố và Mẹ muốn thử thách , con mình có thể sống tự lập khi không có bố mẹ”.
Hạ Phương cũng thật lòng tâm sự rằng, chính bản thân bạn đã suy sụp trong khoảng thời gian dài (Mẹ mất, chỉ còn Bố, rồi sau đó, Bố cũng qua đời). Nhưng khi nhìn đứa em gái bé bỏng, Hạ Phương nghĩ rằng, mình chính là ngôi nhà của em ấy. Nếu mình mà sụp đổ, thì em sẽ ra sao. Đứa em gái trở thành động lực lớn nhất để Hạ Phương phấn đấu vươn lên nghịch cảnh.
Cả bố và mẹ đều đi rất xa, hai chị em đã lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của ông bà nội, ông bà ngoại, được ông bà chăm lo đến từng miếng cơm, từng giấc ngủ … Hạ Phương cố gắng xứng đáng với những gì Ông bà và Bố mẹ đã giành cho Phương, cho em.
“Vốn dĩ em không có phương pháp học tập nào quá cụ thể, nhưng em biết khả năng ghi nhớ của mình nằm ở đâu. Em ghi nhớ “trong não” với 2 phần riêng. Những gì quan trọng, em tự động vẽ thêm màu sắc, hoa lá để khắc ghi sâu hơn. Còn những gì không quan trọng, em thường có xu hướng “trắng đen trong não”, qua đó, em đã chắt lọc những nội dung cần nhớ. Và có lẽ thêm một điều giúp em học tốt, đó là nhờ bạn bè xung quanh em. Chỉ cần thấy các bạn học tập chăm chỉ, tự nhiên em cũng có động lực để học tốt như vậy. Và cả 12 năm học, Hạ Phương đều là học sinh giỏi.
Chia sẻ thêm về ngành học, Hạ Phương cho biết, là do cơ duyên, trước đó, cô bạn từng muốn vào đại học an ninh và “theo làm công an giống Bố, giống Mẹ”. Cuối cùng, được 3 cô bạn thân cổ vũ “hãy chọn điều gì mình thích”, Hạ Phương quyết định chọn chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành số. “Em chưa có dự định cụ thể cho tương lai, mục tiêu hiện tại của em là trau dồi ngoại ngữ và học tốt các tín chỉ”, cô bạn cho biết.
Qua câu chuyện, được biết, Phương cũng có suy nghĩ rằng, việc đi làm thêm là rất có ích, nhưng phải biết sắp xếp thế nào cho hợp lí. Phương không chọn hướng đi làm phổ biến như trở thành nhân viên (bán thời gian), ở các siêu thị hay các quán cà phê, vì bạn nhận ra, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả việc học hành. Cứ lao vào công việc làm thêm, ắt sẽ quên dần trách nhiệm học tập của mình.
Phương đã chọn hướng tham gia công việc qua mạng xã hội, và đã từng làm content (nội dung). Ít kinh nghiệm, còn non trẻ, Phương biết bù đắp bằng cách trau dồi, tự học, nhất là trau dồi ngoại ngữ để phát triển công việc. ”Em phải tự làm mọi thứ từ nhỏ, thời gian đầu rất khó khăn ạ, nhưng rồi dần dần em đã quen”, Hạ Phương thổ lộ.
“Dù con có làm nghề gì, là ai hãy luôn nhớ: Con đi bộ ngày hôm nay thì những ngày sau con sẽ phải chạy mới theo kịp mọi người. Nếu con chạy (trước) ngày hôm nay, thì những ngày sau, con (chỉ cần) đi bộ.Con thích đi như thế nào, có lẽ, không cần bố phải nói rõ. Đúng chứ !” – Hạ Phương cho hay đây là 1 trong 2 câu nói của Bố mà bạn mang theo trong hành trang cuộc đời.
Nghị lực của cô bạn trẻ Hạ Phương, những quyết định chín chắn từ nhân tâm sâu thẵm, hứa hẹn thành công, nhất định sẽ đến với bạn.
Hoàng Hạnh