Seatimes – (ĐNA). Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách hành chính quan trọng với mô hình chính quyền đô thị hai cấp, cấp thành phố và cấp phường, xã. Thành phố Huế, đô thị đặc thù giàu truyền thống văn hóa và đang được định vị là trung tâm di sản, du lịch và sáng tạo của cả nước, là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình này khi chuyển lên trực thuộc Trung ương. Trong tiến trình ấy, bài toán tổ chức lại bộ máy, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa – thể thao – du lịch, đang đặt ra nhiều thách thức và kỳ vọng lớn.

Theo phương án đang được xây dựng, Huế sẽ không còn cấp huyện/quận/thị xã; và từ 133 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn sẽ được sắp xếp lại còn 40 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường và 19 xã). Đây là một bước đi mạnh mẽ nhằm phù hợp với tiêu chí của một đô thị loại I trực thuộc Trung ương và cũng là bước chuyển quan trọng để Huế vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp. Việc giảm hơn 90 đơn vị hành chính cấp xã đòi hỏi một sự tổ chức lại đồng bộ, cả về quản lý dân cư, quy hoạch không gian đô thị, lẫn hệ thống các thiết chế dịch vụ công, trong đó có các trung tâm văn hóa – thể thao – du lịch cấp huyện hiện nay.
Ở góc độ quản lý nhà nước, việc sáp nhập này giúp tinh gọn đầu mối, giảm chi phí hành chính, đồng thời tạo điều kiện để quy hoạch lại các đơn vị hành chính một cách khoa học, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm đô thị hiện đại. Tuy nhiên, đi liền với đó là nguy cơ làm mất tính đặc thù văn hóa – lịch sử của nhiều địa phương, đặc biệt trong bối cảnh Huế là địa phương giàu truyền thống, mỗi làng, mỗi phường, mỗi vùng đất đều có dấu tích, phong tục, tín ngưỡng và bản sắc riêng biệt. Do đó, để đảm bảo sự đồng thuận và ổn định xã hội, việc sắp xếp cần hết sức thận trọng, có lộ trình, gắn với truyền thông sâu rộng và chính sách bảo tồn các yếu tố văn hóa phi vật thể của từng địa phương trước khi sáp nhập.

Huế không chỉ là đô thị cổ nổi bật của Việt Nam, mà còn là vùng đất có một kho tàng di sản văn hóa – thiên nhiên vô cùng phong phú và đặc sắc, có vị thế đặc biệt trong bản đồ di sản thế giới. Thành phố này sở hữu và đồng sở hữu 8 di sản đã được UNESCO ghi danh, bao gồm cả 3 loại hình di sản thế giới: Di sản vật thể (Quần thể Di tích Cố đô Huế), Di sản phi vật thể (Nhã nhạc-Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ thuật hát Bài Chòi Trung bộ), và Di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh trong Hoàng cung). Cùng với đó là 3 di tích quốc gia đặc biệt, 89 di tích quốc gia, 106 di tích cấp thành phố, 6 di sản phi vật thể cấp quốc gia, và hệ thống lễ hội truyền thống đồ sộ với 520 lễ hội diễn ra hằng năm, cùng hơn 1.300 món ăn truyền thống, làm nên bản sắc ẩm thực cung đình và dân gian đặc trưng. Về di sản thiên nhiên, Huế còn sở hữu những kỳ quan hiếm có: sông Hương, núi Ngự, dải đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng hơn 22.000 ha, được xem là lớn nhất Đông Nam Á, đường bờ biển dài hơn 120 km với nhiều bãi biển đẹp như Thuận An, Lăng Cô, Hải Dương, Cảnh Dương…, và Vườn quốc gia Bạch Mã, một trong những nơi hiếm hoi ở Việt Nam hội tụ cả hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, rừng á nhiệt đới và hệ động, thực vật quý hiếm.

Một vấn đề nổi bật cần được đặc biệt quan tâm là việc xử lý hệ thống trung tâm văn hóa – thể thao – du lịch cấp huyện và các thiết chế gắn liền với nó. Trên thực tế, ở cấp huyện trước đây, hệ thống này đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức các hoạt động phong trào, giữ gìn phong tục truyền thống, tổ chức lễ hội, trình diễn nghệ thuật dân gian, bảo tồn văn hóa làng xã, cũng như phát triển thể thao cộng đồng. Khi cấp huyện không còn tồn tại như một cấp chính quyền đầy đủ, cần xác định rõ việc chuyển giao và tổ chức lại hệ thống này một cách phù hợp.
Có thể đặt ra hai phương án xử lý. Thứ nhất, chuyển giao toàn bộ thiết chế về cho cấp xã, phường quản lý. Phương án này có ưu điểm là gần dân, sát cơ sở, dễ phát huy vai trò cộng đồng trong tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, không phải xã,phường nào cũng đủ năng lực tài chính, cán bộ chuyên môn và hạ tầng để đảm trách toàn bộ khối lượng công việc và tài sản hiện có. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, phương án này có thể dẫn tới nguy cơ xuống cấp, lãng phí hoặc hoạt động hình thức. Thứ hai, chuyển phần lớn thiết chế văn hóa – thể thao – du lịch về cho cấp thành phố (tức cấp tỉnh) quản lý, và tổ chức thành các “cụm trung tâm” theo vùng liên phường, xã. Các Trung tâm văn hóa vùng này là cánh tay nối dài của thành phố thông qua Sở, có thể đóng vai trò quản lý văn hóa tương đương cấp huyện hiện nay, nhưng được đầu tư hiện đại hơn, có chức năng chuyên sâu hơn và phục vụ phạm vi rộng hơn.

Với đặc thù của Huế, nơi có mật độ di tích, lễ hội và di sản văn hóa phi vật thể cao bậc nhất cả nước, phương án thứ hai có tính khả thi và bền vững hơn. Theo đó, các trung tâm văn hóa – thể thao – du lịch cấp huyện hiện tại có thể được quy hoạch lại thành “trung tâm vùng văn hóa”, phục vụ một cụm địa phương, với sự quản lý trực tiếp từ cấp thành phố, đồng thời phân quyền cho các phường,xã cùng phối hợp vận hành. Những trung tâm có giá trị lịch sử và vai trò đặc biệt (như trung tâm huyện, thị xã cũ của Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới…) có thể được nâng cấp thành bảo tàng cộng đồng, điểm kết nối văn hóa dân gian và không gian sáng tạo, phục vụ du khách và người dân địa phương.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là cách thức quản lý, trùng tu và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên của các địa phương trong mô hình mới. Với việc xóa bỏ cấp huyện, cần xây dựng một cơ chế đặc thù, trong đó chính quyền thành phố trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý và đầu tư các di tích, danh thắng và lễ hội lớn hoặc có tính liên vùng, liên xã. Đồng thời, cần trao quyền và hỗ trợ năng lực cho cấp xã, phường, nơi trực tiếp gắn bó với các thiết chế văn hóa để họ có thể phối hợp tốt với cấp trên trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Điều này đòi hỏi một chính sách phân cấp rõ ràng, đi đôi với đào tạo nhân lực văn hóa cơ sở, và tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý di sản.
Huế cũng cần tận dụng cơ hội này để xây dựng một mô hình quản lý văn hóa và du lịch đặc thù cấp vùng, nơi vừa đảm bảo tính tập trung trong đầu tư, vừa linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Những trung tâm vùng này có thể là hạt nhân trong các chuỗi “Ngày hội cộng đồng”, “Lễ hội áo dài”, “Trình diễn nghệ thuật dân gian”, “Lễ hội du lịch”, “Lễ hội ẩm thực”… hoặc là nơi lưu giữ và số hóa tri thức bản địa, một xu hướng mới trong bảo tồn văn hóa hiện đại. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản từng địa phương, gắn với cổng thông tin điện tử cấp thành phố, cũng là hướng đi chiến lược giúp Huế trở thành đô thị thông minh, di sản và sáng tạo trong tương lai.
Mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là bước cải cách hành chính, mà còn mở ra cơ hội quý để Huế tái cấu trúc toàn diện hệ thống văn hóa – thể thao – du lịch theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cần gắn với chiến lược bảo tồn bản sắc, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, đồng thời thúc đẩy sáng tạo, văn hóa gắn với phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Nếu có một lộ trình rõ ràng, một chính sách đủ mạnh và một tầm nhìn chiến lược, Huế hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về mô hình chính quyền đô thị di sản đặc thù trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam.
Hương Bình – Minh Anh