Trả giá đích đáng
Những ngày qua, Đài Loan như rúng động khi thông tin công ty dầu ăn nổi tiếng Chang Guann đã mua 243 tấn dầu bẩn từ một cơ sở không có giấy phép rồi pha thêm mỡ heo để sản xuất 782 tấn dầu ăn nhãn hiệu Chuan Tung. Các nhà chức trách Đài Loan đã xác định được có tới 14 sản phẩm được chế biến từ loại dầu ăn bẩn này được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Việt Nam, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Vụ việc trên gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thực phẩm của Đài Loan và những thủ phạm gây ra tình trạng này đã phải trả giá đắt. Chủ cơ sở sản xuất dầu bẩn không giấy phép nói trên là Quách Liệt Thành đã bị bắt vào ngày 6/9. AFP cũng dẫn tin tài sản của ông Quách và một phó chủ tịch Chang Guann đã bị đóng băng vì cáo buộc vi phạm luật an toàn thực phẩm.
Ngày 9/9, giới chức trách Đài Loan cho biết đã phạt công ty sản xuất dầu ăn Chang Guann 50 triệu Đài tệ (tương đương 1,67 triệu USD) về tội bán hàng trăm tấn dầu bẩn và gây ra bê bối an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, một loạt biện pháp làm giảm thiểu tác hại của chỗ dầu bẩn trên cũng được áp dụng: Đài Loan đã liên hệ với các nước để cung cấp thông tin mã hàng, sản phẩm và các thông tin cần thiết liên quan đến sản phẩm chế biến từ dầu ăn bẩn này để kịp thời thu hồi. Hàng trăm tấn bánh trung thu, bánh ngọt, bánh mì, mì gói và bánh bao đã bị lấy xuống khỏi kệ bán hàng.
Cục Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cho biết đã có hơn 1000 nhà hàng, tiệm bánh và nhà máy chế biến thực phẩm dùng loại dầu bẩn của Chang Guann lên tiếng xin lỗi khách hàng.
Nhức nhối an toàn thực phẩm trong nước
Câu chuyện dùng mỡ bẩn để chế biến có thể làm rúng động Đài Loan nhưng lại không mới đối với nhiều người tiêu dùng Việt. Bởi việc dùng dầu mỡ bẩn, không vệ sinh an toàn để chế biến thức ăn đã được phát hiện từ lâu ở nước ta. Tuy nhiên, cách xử lý và thái độ tôn trọng khách hàng của những nhà sản xuất thực phẩm ở Đài Loan có lẽ cũng là điều mà các công ty thực phẩm Việt Nam nên "học".
Đơn cử, dẫn chứng ngay từ vụ dầu bẩn Chang Guann, phía Đài Loan đã cung cấp thông tin lô hàng thực phẩm đóng hộp có sử dụng loại dầu này được cấp sang Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu là Công ty TNHH Dịch vụ Cửu Hương (địa chỉ ở 31 lô I, đường số 7, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TPHCM). Hai sản phẩm đóng hộp được xác định là Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (Canned picked cucumber with pork) loại 170 gam và Sốt thịt cay đóng hộp (Canned meat with chilli) loại 150 gam.
Khi có thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ Cửu Hương dừng lưu thông và thu hồi các sản phẩm. Được biết, hai sản phẩm trên đã được công ty Cửu Hương nhập về gần 480 thùng để bán tại các cửa hàng, các chợ ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, theo tin đưa từ các báo, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM khi tiến hành kiểm tra đột xuất xuống công ty TNHH DV Cửu Hương đã không nhận được sự hợp tác khi công ty này đóng chặt cửa. Đoàn kiểm tra đã phải nhờ lực lượng công an địa phương giám sát để không cho công ty này tuồn hàng ra ngoài vào buổi tối.
Như vậy, phải chăng doanh nghiệp phân phối thực phẩm Cửu Hương đang đặt lợi ích của công ty lên trên quyền lợi của người tiêu dùng? Thay vì hợp tác với cơ quan chức năng để tiêu huỷ sản phẩm độc hại, công ty này lại trì hoãn để tìm cách giấu giếm, tuồn hàng ra ngoài tiêu thụ để "vớt vát" lợi nhuận???
Điều này lại một lần nữa dấy lên nỗi "nhức nhối" về vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta. Quá coi trọng lợi nhuận, những công ty, cơ sở sản xuất, phân phối thực phẩm hoàn toàn có thể "thay da, đổi thịt", thay đổi nguồn gốc xuất xứ, bất chấp thực phẩm bẩn để bày bán cho người tiêu dùng.
Còn nhớ trước khi vụ dầu bẩn Đài Loan bị phanh phui chỉ vài ngày, một vụ việc tương tự cũng đã được phơi bày ở Hà Nội. Công an Huyện Đan Phượng (Tp.Hà Nội cho biết lực lượng liên ngành gồm QLTT, trung tâm y tế của huyện tiến hành kiểm tra 12 cơ sở chế biến thực phẩm, chủ yếu là sơ chế mỡ và bì lợn nằm trên địa bàn xã Tân Hội.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện hàng trăm ký mỡ, bì lợn sống bám đầy ruồi, nhặng, được vứt ngổn ngang trên nền gạch tại các cơ sở để chờ chế biến; công cụ chế biến mỡ, bì sống chỉ là những chiếc máy chế biến thực phẩm hết sức thô sơ. Thậm chí, nhiều bộ phận của những chiếc máy chế biến này còn bị cáu bẩn, hoen gỉ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đoàn công tác liên ngành đã lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động đối với một số cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và một số thủ tục khác. Tuy nhiên, việc "nơi đến" của các loại dầu mỡ bẩn này không được làm rõ, các cơ sở sản xuất chỉ bị xử phạt hành chính cũng phần nào khiến người tiêu dùng "hoang mang". Bởi phạt thì cứ phạt, còn làm thế nào để tránh những loại thức ăn được chế biến từ dầu mỡ bẩn này thì chẳng khác nào "mò kim đáy bể"! Và nhớ lại những lô hàng bị chỉ đích danh, nhà sản xuất bị truy tố, phạt hàng triệu USD, những nhà phân phối bị công khai danh tính vì dùng dầu bẩn Chang Guann, có lẽ người tiêu dùng Việt chỉ biết "thở dài ngao ngán" khi nghĩ tới cảnh dầu mỡ bẩn tràn lan các quán ăn trong nước.
Theo phản ánh của những người dân trong xã Tân Hội, các cơ sở chế biến mỡ, bì lợn trên thường xuyên đi thu gom nguyên liệu ở nhiều nơi, sau đó đem về chế biến thành mỡ và tóp mỡ rồi cho người đem đi phân phối ở các quán cơm, nhà hàng, quán nhậu trên khắp địa bàn thủ đô Hà Nội. |