Sau quãng thời gian dài tăng trưởng nóng, tình hình kinh doanh của VPBank trong 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu chững lại.
2015 một năm đại thành công với VPBank
Có thể nói 2015 là năm rất thành công của VPBank khi kết quả doanh đều có các chỉ số tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Kết thúc năm, tổng tài sản ngân hàng này đạt mốc 193.876 tỷ đồng, tăng 18,7% so với 2014. Thu nhập lãi thuần được ghi nhận lên tới 10.353 tỷ đồng, con số cực kỳ ấn tượng với một ngân hàng tầm trung.
Bên cạnh đó, tổng lợi nhuận trước thuế của VPBank cũng cán mốc 3.096 tỷ đồng, tăng tới 92% so với 2014, đáng chú ý 1/3 khoản lợi nhuận của ngân hàng này đến từ một công ty con cho vay tiêu dùng. Lãi ròng sau thuế lên tới 2.396 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nợ xấu cũng ở mức tương đối ổn định 2,69%.
Hình minh họa
Với những kết quả vô cùng khả quan qua các năm trước đó, nhiều chuyên gia đã dự báo rằng năm 2016, VPBank sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Chính ngân hàng này cũng rất tự tin vào điều đó khi đã đặt chỉ tiêu năm 2016, lãi trước thuế sẽ đạt mức 3.200 tỷ đồng. Thực tế sau 6 tháng đầu năm 2016, VPBank cũng đã phần nào hiện thực hoá được mục tiêu này khi lãi trước thuế của VPBank đã đạt vào khoảng 1.627 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng lớn, lãi ròng sụt giảm
Nếu như quý 1/2016, VPBank vẫn tạo ra được đà tăng tương đối ấn tượng, khi thu nhập lãi thuần đạt mức 3.318 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với tỷ lệ 56% và trừ thuế, lãi ròng trong 3 tháng đầu năm 2016 của VPBank đạt mức 868 tỷ đồng, gấp 2,77 lần con số 313 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó cho vay khách hàng của VPBank luôn tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, khoản cho vay khách hàng năm 2013 được ghi nhận là 51.869 tỷ đồng, tăng 42% so với con số 36.523 tỷ đồng năm 2012. Năm 2014, cho vay khách hàng của ngân hàng này cũng tăng tới gần 50% so với năm 2013 đạt 77.256 tỷ đồng. Sang 2015, khoản tiền này tăng vọt lên 115.062 tỷ đồng.
Thế nhưng bước chân sang quý 2/2016, đà tăng trưởng của VPBank lại có dấu hiệu chững lại. Theo đó, tính cho tới ngày 30/6/2016, tổng tài sản của VPBank ghi nhận đạt mức 201.020 tỷ đồng. Cho vay khách hàng VPBank đạt 118.135 tỷ đồng, tức là chỉ tăng 1,7% so với cuối năm 2015, tiền gửi của khách hàng cũng ghi nhận ở mức 118.599 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, VPBank giảm tốc độ tăng trưởng cho vay.
Đáng chú ý, dù đã hãm cho vay nhưng nợ xấu của VPBank lại có dấu hiệu tăng. Kết thúc năm 2014, nợ xấu ngân hàng ghi nhận ở mức 2,54%, hết 2015 con số này đã tăng lên mức 2,69%. Và cho đến ngày 30/6/2016, nợ xấu của VPBank lại tiếp tục đạt mốc tăng mới 2,96%. Tổng nợ xấu tính cho tới hết quý 2/2016 của VPBank ước đạt 3.501 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.047 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.
Tình hình nợ xấu tăng dẫn tới VPBank đã phải trích lập dự phòng rất lớn, riêng quý 2/2016, con số này đã lên tới 1.941 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Tính tổng cả 6 tháng đầu năm 2016, VPBank đã trích lập tổng cộng 3.258 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 (1.695 tỷ đồng).
Chính việc phải trích lập dự phòng chi phí rủi ro tín dụng quá lớn này đã khiến cho lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2016 của VPBank tụt mạnh, chỉ còn lại 588 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 17% so với cùng kỳ 2015. Lãi dòng sau thuế là 466 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2015 (551 tỷ đồng). Mặc dù, lợi nhuận có sụt giảm đáng kể nhưng nhờ kết quả kinh doanh tốt từ quý 1/2016, nên tính tổng kết 6 tháng đầu năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 1.627 tỷ đồng, tăng 46% so với con số 1.112 tỷ đồng của cùng kỳ 2015. Lãi ròng sau thuế ghi nhận 1.335 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2015.
Dù tổng kết 6 tháng đầu 2016 kết quả kinh doanh của VPBank vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2015, nhưng việc kết quả kinh doanh quý 2/12016 có hiện tượng chững lại, cộng với việc hãm cho vay và nợ xấu tăng, có thể thấy VPBank đã bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn sau 1 khoảng thời gian tăng trưởng tương đối nóng.
Nguyên Hương
Theo TCĐNA