Seatimes – (ĐNA). Ngày 27/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 và nhiệm kỳ 2024 – 2029. VietinBank luôn lấy An toàn – Hiệu quả – Bền vững là mục tiêu phát triển trong mọi thời kỳ, trên cơ sở thực hành tốt 3 triết lý hoạt động: Khách hàng là trung tâm; Phát triển con người là then chốt; Đổi mới sáng tạo là đột phá.
Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đã có sự tăng trưởng tích cực. Tổng tài sản đến hết năm 2023 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần năm 2018, tăng trưởng bình quân ở mức 12%/năm. Quy mô tín dụng đạt 1,48 triệu tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2018, tăng trưởng bình quân 11,4%/năm. Nguồn vốn huy động đạt gần 1,53 triệu tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với năm 2018, tăng trưởng bình quân 12%/năm. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản tuân thủ đúng quy định và tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 2%, tuân thủ các giới hạn an toàn theo quy định của NHNN.
Bên cạnh hoạt động truyền thống, ngân hàng này tập trung phát triển đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ: Tổng thu thuần dịch vụ tăng trưởng mạnh, đạt 8,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 , gấp 2,5 lần so với năm 2018; thu ngoài lãi đạt gần 19 nghìn tỷ đồng, gấp 2,75 lần năm 2018, chiếm tỷ trọng 26,9% trên tổng thu nhập hoạt động. VietinBank cũng nằm trong top các ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao trong giai đoạn 2019-2024. Tỷ suất sinh lời ROA, ROE năm 2023 lần lượt đạt 1,3% và 17,1%, cao gấp đôi mức ghi nhận trong năm 2018.
VietinBank luôn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách, định hướng, chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng đã ban hành các gói cho vay ưu đãi lãi suất, chương trình cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất cho vay hợp lý đối với đối tượng khách hàng tốt, có hoạt động tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh hiệu quả trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên khuyến khích, tỷ trọng tín dụng cho các lĩnh vực này chiếm khoảng 40% tổng danh mục tín dụng.
Cơ cấu khách hàng tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh tỷ trọng vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán lẻ; đồng thời tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu về phục vụ khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. VietinBank là ngân hàng đi đầu trong việc nỗ lực giảm lãi suất huy động, đồng thời tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Giai đoạn 2019 – 2024, VietinBank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại giai đoạn 2018 – 2020 và tiếp tục xây dựng phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời được NHNN phê duyệt Chiến lược phát triển VietinBank giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hành trình mới kiến tạo những giá trị mới
Tại ĐHĐCĐ, đại diện VietinBank đã trao đổi với các cổ đông các thông tin về ngân hàng. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT cho hay: Những năm gần đây, VietinBank chủ động lên kế hoạch kinh doanh từ sớm. Theo truyền thống thông thường thì khi có kết quả năm tài chính mới lên kế hoạch năm tiếp theo nhưng VietinBank đã chủ động bắt đầu lập kế hoạch từ tháng 9, tháng 10 dựa trên nghiên cứu thị trường, ý kiến của các chuyên gia để xây dựng các kịch bản, đưa ra các thông số mô hình để đưa ra kế hoạch. Vì vậy nên khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh của VietinBank rất cao.
Về tăng trưởng tín dụng, mặc dù năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn với toàn ngành, cũng có nhiều ngân hàng sụt giảm trong quý 1 nhưng hiện VietinBank vẫn có tăng trưởng tốt. Quý 1, tốc độ tăng trưởng của chúng ta khoảng 3,7%, đến hiện tại hơn 4,1%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bền vững, chắc chắn, không có yếu tố kỹ thuật.
Về khả năng sinh lời (NIM), VietinBank cố gắng giữ được như năm 2023 hoặc cải thiện. Ngân hàng cũng phấn đấu tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hơn. Đối với CIR (Chi phí hoạt động/ Tổng thu nhập hoạt động), do năm nay đầu tư chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh nên dự kiến tỷ lệ CIR có thể tăng so với năm ngoái lên 30%. Tuy nhiên đây vẫn là mức rất thấp trên thị trường.
Ông Đỗ Thanh Sơn – Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank cho biết, trước sức ép của tỉ giá, chắc chắn lãi suất sẽ tăng. Thực tế, từ đầu tháng 4 đến nay có tới 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, năm nay VietinBank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng là 14,05%. Ngay từ những tháng đầu năm, ngân hàng đã nỗ lực cho vay. Tín dụng đến nay tăng hơn 4%, trong bối cảnh nhiều ngân hàng có tỉ lệ tăng trưởng tín dụng giảm. Tín dụng tăng trưởng nhờ cho vay vào các địa bàn trọng điểm và ưu tiên rót vốn vào sản xuất, kinh doanh. Hơn 40% dư nợ tín dụng của VietinBank là cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…
Năm 2024, lãnh đạo ngân hàng nhận định, tình hình kinh tế có nhiều thách thức có thể áp lực về nợ xấu gia tăng. Tại VietinBank, tỉ lệ nợ xấu năm 2023 là 1,13%, nợ nhóm 2 là 1,55%. Nhưng năm 2024, dự báo mục tiêu nợ xấu kiểm soát dưới 1,8%, còn nợ nhóm 2 phấn đấu dưới 3%.
Trao đổi về lĩnh vực bất động sản, ông Trần Văn Tần – Thành viên hội đồng quản trị VietinBank dự báo thị trường có thể phục hồi quý 3 nhưng các phân khúc không phát triển đồng đều. Phân khúc nhà ở thương mại có mức giá phù hợp sẽ phục hồi nhanh hơn. Còn phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp thì vẫn còn nhiều khó khăn…
Giai đoạn 2024 – 2029, lãnh đạo VietinBank cho biết: Sẽ tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đúng lộ trình, bám sát tầm nhìn dài hạn, triết lý hoạt động và hệ giá trị cốt lõi của VietinBank, chiến lược 5 năm đã được NHNN và HĐQT VietinBank phê duyệt, khai thác tối đa sức mạnh nội tại, tận dụng cơ hội kinh doanh trong trung hạn. VietinBank chú trọng 4 trụ cột tăng trưởng trong trung dài hạn là: Tăng trưởng xuất sắc hoạt động kinh doanh truyền thống; triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số; khai thác tiềm năng hệ sinh thái VietinBank và các đơn vị nhận vốn để gia tăng và củng cố nội lực; tích hợp ESG để định hình tương lai bền vững. Đồng thời, Ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện năng suất lao động. Mục tiêu và định hướng phát triển đến 2029 của VietinBank gắn với mục tiêu trở thành ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam.
Đối với năm 2024, VietinBank đã xác định các chủ điểm trọng tâm trong năm 2024, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành, thúc đẩy kinh doanh bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, cũng như diễn biến thị trường nhằm tạo ra sự phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Bám sát các mục tiêu trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, VietinBank đã triển khai chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2024 – 2028 của VietinBank mang tên “Project X01” với 108 sáng kiến gắn liền với chiến lược kinh doanh trung dài hạn với kỳ vọng tạo năng lực cạnh tranh vượt trội cho Ngân hàng và mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng và nhân viên của VietinBank.
Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 của VietinBank dự kiến như sau: Tổng tài sản tăng trưởng từ 8% – 10%; Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của NHNN trong từng thời kỳ. Nguồn vốn huy động tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm các chỉ số an toàn thanh khoản; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng <1,8%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) thực hiện theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật. Các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ quy định của NHNN.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 và nhiệm kỳ 2024 – 2029 Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đã nhất trí cao thông qua nhân sự trúng cử Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank nhiệm kỳ 2024 – 2029 gồm 9 thành viên là: Ông Trần Minh Bình; Ông Trần Văn Tần; Ông Lê Thanh Tùng; Ông Nguyễn Đức Thành; Ông Nguyễn Thế Huân; Bà Phạm Thị Thanh Hoài; Ông Cát Quang Dương; Ông Koji Iriguchi; Ông Takeo Shimotsu. Ban Kiểm soát VietinBank nhiệm kỳ 2024 – 2029 gồm 3 thành viên là: Bà Lê Anh Hà; bà Nguyễn Thị Anh Thư và bà Phạm Thị Thơm.
T.Y.B/nguồn chinhphu.vn