Seatimes – (ĐNA). Nhìn lại lịch sử tồn tại suốt 420 năm với bao nhiêu thăng trầm của chùa Thiên Mụ (tính từ mốc Tiên chúa Nguyễn Hoàng cho trùng kiến lại chùa, năm 1601 đến nay, năm 2021), chúng ta có thể khẳng định, trong suốt thời quân chủ, vị thế chính trị cùng sự hưng phát của ngôi chùa này luôn luôn gắn liền với dòng họ Nguyễn. Đây chính là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định đến quy hoạch, đặc điểm và phong cách kiến trúc của chùa Thiên Mụ trong lịch sử.
Chỉ với vài câu ngắn gọn trong lời dẫn bài thơ “Thiên Mụ chung thanh”, vị hoàng đế thứ 3 của triều Nguyễn -vua Thiệu Trị đã khái quát lên được vị trí đặc biệt và ảnh hưởng của chùa Thiên Mụ đối với mảnh đất Thần kinh và với vương triều Nguyễn.
Chùa Thiên Mụ
Kết ngưng tinh khí,
Sông núi anh linh.
Hùng tráng quay về chốn Kinh Thành,
Mạnh mẽ cúi nhìn nơi Hương thuỷ
Mở mang Liên Hoa đạo pháp,
Un đúc Bối Diệp chân thuyên.(1)…
(Hoàng đế Thiệu Trị)
Sự gắn bó của chùa Thiên Mụ với họ Nguyễn trong vai trò một Quốc tự
Theo các tư liệu lịch sử, chùa Thiên Mụ đã được xây dựng từ rất sớm, có thể là ngay sau khi người Việt tiếp quản vùng đất Thuận Hoá hồi đầu thế kỷ XIV. Vậy nên đến giữa thế kỷ XVI, khi nhuận sắc “Ô Châu cận lục”, Dương Văn An đã xem chùa là một trong những đại danh lam của vùng đất này. Tuy nhiên, chùa chỉ thực sự nổi tiếng sau khi chúa Nguyễn Hoàng cho trùng kiến vào đầu thế kỷ XVII, và cái mốc năm 1601 gắn liền với huyền thoại Bà Nhà Trời (tức Bà Thiên Mụ) truyền lời nhắn gởi vào nhân gian để Tiên chúa dựng chùa nhằm kết tụ linh khí, phục hồi long mạch… đến nay vẫn được xem là năm chính thức dựng chùa.
Kể từ đó, Thiên Mụ nghiễm nhiên được xem là ngôi chùa gắn liền với với vận mệnh của vùng đất Thuận Hoá, của Đàng Trong và với dòng họ Nguyễn.
Các chúa Nguyễn rồi các vua Nguyễn trong suốt mấy trăm năm kế tục nhau trị vì Đàng Trong rồi cả nước Việt Nam thống nhất đều ý thức rất rõ điều này nên họ đều hết sức chăm chút tu bổ, bảo vệ chùa và luôn luôn xem Thiên Mụ là ngôi Quốc tự hàng đầu của đất nước.
Điều này thể hiện đặc biệt rõ qua lịch sử xây dựng và tu bổ chùa Thiên Mụ mà chúng ta có thể tham khảo qua thống kê dưới đây:
Năm 1601: Chúa Nguyễn Hoàng trùng kiến chùa Thiên Mụ.
Năm 1665: Chúa Nguyễn Phúc Tần trùng tu tổng thể chùa.
Năm 1710: Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc Đại hồng chung lớn nhất ở Đàng Trong lúc đó (3285 cân).
Năm 1714-1715: Chúa Nguyễn Phúc Chu đại trùng tu chùa và mở rộng quy mô các công trình (tổng cộng có đến vài chục công trình: điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh,điện Thập Vương, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà Vân Thuỷ, nhà Trai, vườn Tỳ Da…, và cho dựng bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự để ghi lại sự kiện này).
Năm 1815: Vua Gia Long cho trùng kiến chùa Thiên Mụ vốn đã bị phá hủy do chiến tranh (gồm dựng điện Đại Hùng, điện Di Lặc, nhà bếp, nhà kho, nhà Tăng, 2 nhà bia, nhà chuông, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống, tường gạch bao quanh và 2 cửa hông, đúc chuông, đúc tượng…).
Năm 1831: Vua Minh Mạng cho trùng tu chùa.
Năm 1844-1846: Vua Thiệu Trị cho đại trùng tu chùa, dựng thêm đình Hương Nguyện, xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên là tháp Phước Duyên) 7 tầng, dựng bia đá…
Năm 1899: Vua Thành Thái cho trùng tu chùa.
Năm 1907: Vua Duy Tân cho trùng tu tổng thể chùa (bị tàn phá bởi cơn bão năm Thìn, 1904); cho dời đình Hương Nguyện vào phía trong, đặt trên nền cũ của điện Địa Tạng.
Năm 1923: Vua Khải Định cho trùng tu chùa, dựng bia đá…
Năm 1945, vua Bảo Đại cho trùng tu một số hạng mục của chùa.
Qua những con số thống kê trên, chúng ta có thể thấy rõ, các đợt trùng tu chùa Thiên Mụ được tiến hành khá đều đặn thường xuyên dưới thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn. Trong đó nổi bật nhất là các lần trùng kiến/đại trùng tu chùa vào thời chúa Nguyễn Hoàng (1601), thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1714-1715), thời vua Gia Long (1815), thời vua Thiệu Trị (1844-1846) và thời vua Duy Tân (1907). Cũng qua thống kê trên chúng ta có thể thấy rằng, họ Nguyễn quyết định hoàn toàn việc xây dựng chỉnh trang chùa trong suốt các thời kỳ. Điều này vừa thể hiện vai trò Quốc tự hàng đầu của chùa Thiên Mụ vừa thể hiện tính chất cung đình của ngôi chùa này.
Chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê bên dòng Hương Giang thơ mộng
Phong cách cung đình của chùa Thiên Mụ và sự thay đổi phong cách trang trí chùa sau năm 1945
Như trên đã phân tích, do sự quan tâm và chi phối một cách tuyệt đối của họ Nguyễn đối với chùa Thiên Mụ nên ngôi chùa này mang phong cách cung đình hầu như trong suốt lịch sử tồn tại.
Tam quan hiện còn gắn 3 chữ “Linh Mụ Tự” từ thời vua Tự Đức.
Về thời kỳ chúa Nguyễn (1601-1775):
Do những biến động liên tục của lịch sử và cũng do sự thiếu vắng của những tư liệu thành văn trong thời kỳ chúa Nguyễn nên quy mô, diện mạo của chùa Thiên Mụ trong thời kỳ ấy như thế nào đến nay vẫn chưa thể xác định được rõ ràng. Cũng thật khó căn cứ vào bức tranh vẽ cảnh chùa trên chiếc tô sứ Thanh Ngoạn trong sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (2) để hình dung ra diện mạo cụ thể của các công trình. Do vậy, thật khó xác định tính chất cung đình của chùa Thiên Mụ thể hiện qua kiến trúc, trang trí của các công trình trong thời chúa Nguyễn. Vả lại đến nay tại khu vực Huế cũng không tồn tại những kiến trúc cung đình của thời chúa Nguyễn để chúng ta có thể đối chiếu, so sánh.
Điện Quan Âm và tháp mộ hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Về thời kỳ các vua Nguyễn (1802-1945):
Đây là thời kỳ khác hẳn, ngoài những tư liệu thành văn còn tồn tại khá phong phú, chúng ta còn có thể đối chiếu so sánh những công trình kiến trúc có niên đại thời Nguyễn hiện tồn của chùa Thiên Mụ với các kiến trúc cung đình thời Nguyễn tại hoàng cung, lăng tẩm… Nhìn chung, qua sự so sánh này chúng ta có thể thấy, hầu như không có khoảng cách đáng kể giữa kiến trúc, trang trí của chùa Thiên Mụ với các kiến trúc cung đình Nguyễn. Dĩ nhiên, sự so sánh này phải được tiến hành thận trọng vì chùa Thiên Mụ hiện nay đã trải qua vài lần tu bổ sau khi triều Nguyễn không còn tồn tại. Hình thức bên ngoài chùa đã ít nhiều thay đổi, đặc biệt là ở các công trình phía sau cửa tam quan gắn biển Linh Mụ Tự. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phân biệt được những công trình có niên đại chắc chắn thuộc thời Nguyễn gồm:
Toàn bộ các công trình từ cửa Tam quan (có gắn biển Linh Mụ Tự) trở ra phía trước, bao gồm: Các trụ biểu, các toà nhà bia, tháp Phước Duyên, cửa tam quan, lầu chuông, lầu trống. Các công trình này hầu như chưa được tu bổ đáng kể, kể từ sau năm 1945 đến nay (trừ tháp Phước Duyên mới được trùng tu, gia cố trong đợt tu bổ tổng thể chùa từ năm 2003-2006).
Hai nhà Lôi Gia, điện Đại Hùng, đình Hương Nguyện và điện Quan Âm ở phía sau cửa Tam quan. Tuy nhiên, các công trình này đều đã được tu bổ, đặc biệt là điện Đại Hùng đã bị bê tông hoá toàn bộ phần bộ khung chịu lực từ năm 1957 (đã thay thế lại bằng kết cấu gỗ trong lần trùng tu vào những năm 2003-2006).
Dẫu vậy, tính chất cung đình của chùa Thiên Mụ vẫn thể hiện rất rõ qua những đặc điểm riêng biệt sau:
Người cai quản trực tiếp chùa (trú trì) do triều đình bổ nhiệm;
Tính chất trang trọng, cao cấp của các công trình kiến trúc;
Hình thức trang trí, cách sử dụng màu sắc luôn theo quy chuẩn của kiến trúc cung đình cùng thời.
Về sự thay đổi phong cách trang trí chùa sau năm 1945:
Sau năm 1945, triều Nguyễn sụp đổ, chùa Thiên Mụ cũng mất đi sự quan tâm, chi phối trực tiếp của vương triều này, do đó từ việc điều hành hoạt động của chùa đến việc tu bổ, sửa sang các công trình đều không còn như xưa. Tính chất cung đình của chùa cũng phai nhạt dần, ít ra là về hình thức bên ngoài.
Trong khoảng thời gian từ sau 1945 đến nay, do sự xuống cấp của các công trình qua thời gian, đặc biệt là do sự tàn phá của thiên tai (tiêu biểu là trận lũ lụt lịch sử năm 1953, trận bão lớn năm 1985…), chùa đã được tu sửa một số lần. Ảnh hưởng lớn nhất đến kiến trúc chùa là các lần tu bổ vào những năm 1945, 1947 và đặc biệt là lần tu sửa lớn vào năm 1957. Trong lần này người ta đã bê tông hoá bộ khung chịu lực của điện Đại Hùng. Về hình thức trang trí của ngôi chùa, qua 3 lần tu bổ này, với nỗ lực “Thiền hóa” màu sắc các công trình và loại bỏ các yếu tố Lão, Nho, diện mạo nói chung của ngôi chùa đã bị thay đổi nhiều. Hình thức các công trình có vẻ bình dị, dân gian hơn, nhất là sau khi nhà chùa đã cho phủ lấp các trang trí cầu kỳ cũ, thay đổi các màu sắc nóng, mạnh bằng những màu sẫm, xám tro …Sự thay đổi này cũng nằm trong chủ trương chung của phong trào chấn hưng Phật giáo tại khu vực Huế khởi nguồn từ những thập niên 1930-1940.
Vấn đề tu bổ công trình, bảo tồn màu sắc và trang trí chùa Thiên Mụ hiện nay
Những bức ảnh tư liệu về chùa Thiên Mụ trong khoảng đầu Thập niên 1930 cho thấy một trong những công trình chính của chùa là cửa Tam quan lại được trang trí bằng những màu sắc rất mạnh và các chi tiết trang trí hoa lá khá cầu kỳ, có vẻ như rất xa lạ với hình ảnh ngôi chùa ngày nay. Phải chăng đây là màu sắc và cách trang trí nguyên thuỷ của công trình này và cả chùa Thiên Mụ trong thời kỳ huy hoàng nhất của nó?
Theo tôi, có lẽ không phải như vậy. Thực ra đây chỉ là hình ảnh về ngôi chùa Thiên Mụ trong thời kỳ Khải Định- Bảo Đại (1917-1945), tức giai đoạn cuối cùng của thời Nguyễn. Dù chúng ta chưa có đầy đủ nguồn sử liệu về thời kỳ này để có thể biết được các lần tu bổ của triều Nguyễn trong giai đoạn trên, tuy nhiên vẫn có nguồn tư liệu cũng ghi rõ, năm 1923, vua Khải Định đã cho trùng tu chùa, tấm bia đá do nhà vua sai dựng sau tháp Phước Duyên nay vẫn còn; năm 1945, chùa lại được vua Bảo Đại cho trùng tu. Mặt khác, sự gần gũi trong cách vẽ trang trí và sử dụng màu sắc của Tam quan chùa Thiên Mụ với điện Đại Giác của chùa Diệu Đế, Thiên Định Cung của lăng Khải Định và cả lầu Khải Tường của cung An Định cho phép chúng ta nhận định, ngôi đại danh lam này đã được trùng kiến hoặc tu bổ lớn trong cùng thời kỳ và chung phong cách với các công trình trên, tức giai đoạn cuối cùng của triều Nguyễn. Và dẫu sao, đây vẫn là phong cách trang trí cung đình khá tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử của triều Nguyễn.
Trong đợt trùng tu tổng thể chùa Thiên Mụ đã được thực hiện trong các năm 2003-2006, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng đơn vị thi công là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) và nhà chùa đã có sự phối hợp rất mật thiết (3). Nguyên tắc trùng tu các công trình được khẳng định rõ ràng, không chỉ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo tồn di sản mà còn để đảm bảo hai vấn đề sau:
Việc trùng tu phục hồi các công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chùa phải đảm bảo tính chất trang trọng, uy nghiêm vốn có, đồng thời phải “tái tạo” được tính chất cung đình, tính chất Quốc tự của ngôi chùa này vì Chùa Thiên Mụ từ rất lâu đã được xem là biểu tượng của xứ Huế. Do đó, cần tham khảo các kiểu thức trang trí, cách sử dụng màu sắc của các công trình kiến trúc cung đình tại Huế hiện này để áp dụng cho việc tu bổ chùa.
Việc trùng tu phục hồi các công trình còn phải đảm bảo phù hợp hài hoà với thực tế hoạt động của chùa hiện nay, vì chùa Thiên Mụ vẫn đang là một thực thể sống, gắn liền với hoạt động tín ngưỡng Phật giáo của đông đảo công chúng chứ không như các di tích cung đình khác. Vì vậy, phải hết sức chú ý đến suy nghĩ, nguyện vọng của các nhà sư đang trực tiếp quản lí chùa và các tăng ni phật tử. Tuy nhiên, không được vì thế mà hạ thấp các tiêu chuẩn khi trùng tu, phục hồi các công trình, kể cả cách trang trí, sử dụng màu sắc.
Dựa trên các nguyên tắc này, trong suốt quá trình trùng tu, các bên đã có những thảo luận, trao đổi cụ thể và phối hợp chặt chẽ với nhau. Vì vậy, việc tu bổ chùa lần này đã tạo được một tiền lệ tốt cho các lần tu bổ sau đó, xây dựng được quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa nhà chùa và cơ quan quản lý việc trùng tu di tích và các đơn vị chuyên môn. Đây cũng là một bài học quý cho công tác tu bổ di tích không chỉ của riêng Huế mà của cả Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Việc bảo tồn, trùng tu thành công chùa Thiên Mụ, di tích cấp quốc gia đặc biệt, di sản thế giới của UNESCO càng khẳng định sự trưởng thành và “chắc tay” trong công tác bảo tồn, trùng tu di sản của cố đô Huế, địa phương đang phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm tiêu biểu về bảo tồn, trùng tu di tích của UNESCO tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
TS.Phan Thanh Hải/Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Lê Đình Hoàng, Bảo Minh, Anh Phong và một số nguồn.
Chú thích:
Nguyên văn được phiên âm trong bài “Thiên Mụ tự”
Đình độc trừ tinh,
Sơn xuyên linh sảnh.
Long bàn hồi thủ dao củng Kinh Thành
Hổ khiếu cao tôn phủ lâm Hương phái.
Khởi pháp Liên Hoa chi pháp giới,
Diệu hàm Bối Diệp chi chân thuyên.
Trần Đình Sơn-Hoàng Anh (2001), “Tiếng chuông Thiên Mụ mãi mãi ngân vang”; in trong sách Tản mạn Phú Xuân, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, tác giả Trần Đình Sơn có cho biết, chiếc tô sứ men lam này có đường kính 19cm, cao 8cm. Hai mặt vẽ cảnh chùa; một mặt viết bài thơ “Thiên Mụ hiểu chung”, viết thành 10 dòng.
Từ ngày 28/8/2003, Dự án đầu tư tôn tạo tổng thể di tích chùa Thiên Mụ với tổng số vốn đầu tư gần 14,9 tỷ đồng (sau kéo dài đến năm 2006 và được điều chỉnh lên trên 26 tỷ đồng) đã được khởi công. Dự án do liên doanh Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và Công ty Mỹ thuật Trung ương thi công với sự phối hợp của đơn vị chủ quản là Trung tâm BTDTCĐ Huế. Trong dự án này 18 hạng mục công trình đã được trùng tu bảo quản, bao gồm: Các nhà bia và nhà chuông thời chúa Nguyễn; các nhà bia thời Thiệu Trị; Hệ thống bậc cấp, trụ biểu; Hệ thống tường bao, tường ngang, tường lan can; Hệ thống gia cố chống sụt lở; các cổng; tường kè; điện Địa Tạng; điện Quan Âm; Hệ thống chiếu sáng; sân đường; điện Đại Hùng; tháp Phước Duyên; Tam quan; Hai nhà Lôi gia; Lầu chuông lầu trống; hệ thống cấp nước cứu hỏa; Chống mối và bảo quản gỗ. Có thể nói đây là một trong những dự án trọng điểm để chào mừng Festival Huế-2004 nên được lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế và đông đảo các tầng lớp quần chúng xã hội, đặc biệt là các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Tuy nhiên, do bổ sung một số hạng mục quan trọng nên dự án này kéo dài đến năm 2006 và được điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn tu bổ.