Ít nhất 84 người chết ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp, khi một xe tải đâm vào đám đông đang mừng ngày Quốc khánh. Nếu một nhóm khủng bố là thủ phạm thì đây sẽ là vụ tấn công đẫm máu thứ 3 nhằm vào Pháp trong vòng 2 năm qua.
Cảnh sát và lực lượng cứu hộ tập trung trước chiếc xe tải gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nice đêm 14/7.
“Thủ đô của tệ nạn mại dâm và sự trụy lạc” trong mắt IS
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã gọi Paris là “thủ đô của tệ nạn mại dâm và sự trụy lạc” trong tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công Paris tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng. Nhóm khủng bố này còn cảnh báo Pháp và “tất cả những nước đi theo con đường của nước này” đứng đầu trong danh sách mục tiêu của chúng.
Pháp tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố cũng là một phần nguyên nhân khiến nước này nằm trong tầm ngắm của các phần tử cực đoan. Pháp từng góp mặt trong Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan chống lại Taliban và al-Qaeda. Paris cũng tiến hành nhiều hoạt động tình báo ở Somali hay triển khai không kích IS ở Iraq.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Francois Hollande, Pháp đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên chống lại IS ở Syria vào tháng 9 năm ngoái. Do vậy, các vụ tấn công nhằm vào quốc gia này có thể là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Pháp là phải ngừng tấn công ở Syria, chuyên gia Will McCants về khủng bố nhận định.
Mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng Hồi giáo
Theo John R. Bowen, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington, một lý do nữa khiến Pháp thường xuyên trở thành mục tiêu của các phần tử cực đoan Hồi giáo là bởi nước này có mối liên kết chặt chẽ và lâu bền với cộng đồng Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Từ năm 1830, khi Pháp xâm chiếm Algeria, họ đã tiếp nhận không ít người Hồi giáo châu Phi ở ngay trên sân sau của mình. Sau Thế chiến I, Pháp cũng nắm quyền kiểm soát cả Syria và Lebanon. Rất nhiều người Pháp khi đó tới Bắc Phi sinh sống. Chiến tranh Thế giới II kết thúc, những người Bắc Phi lại đến Pháp để làm việc trong các nhà máy, hầu hết được xây dựng tại những khu vực nghèo nàn ở Paris, Lyon hay vùng công nghiệp phía bắc. Các nhà máy về sau bị đóng cửa nhưng những người này vẫn ở lại Pháp, tạo nên một cộng đồng Hồi giáo lớn ở đây, chiếm từ 5 – 10% dân số cả nước.
Cơ hội tốt nhất có thể?
Chuyên gia Will McCants cũng thừa nhận, khó mà xác định được lý do hành động của IS bởi có thể chỉ là bởi tổ chức này đã nắm được cơ hội không thể tốt hơn. “Mỹ mới là kẻ thù lớn nhất của IS”, McCants bình luận. “Và bạn sẽ nghĩ Mỹ đứng đầu danh sách mục tiêu của chúng. Nhưng rất khó để IS đưa được quân vào đất nước này”.
Trong khi đó, Paris lại là “địa bàn” tuyển mộ chiến binh IS hiệu quả hơn nhiều thành phố ở các quốc gia phương Tây khác.
Nhà báo George Packer của tờ The New Yorker từng cho biết, căng thẳng xung quanh cộng đồng Hồi giáo tại Pháp đã được “nung nấu” từ lâu và vùng ngoại ô Paris được cho là “lồng ấp của chủ nghĩa khủng bố”.
Business Insider dẫn lời bài viết của ông Packer như sau: “Những vùng ngoại ô Pháp luôn đầy rẫy những khu ổ chuột, tràn ngập người nhập cư sinh sống… Họ luôn luôn phải đối mặt với nghèo đói và bị cô lập với xã hội bên ngoài. Họ chính là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt và đầy lo lắng ở Pháp”.
Đó cũng là lí do khiến căng thẳng với người Hồi giáo ở Pháp ngày càng dâng cao, một trong những nguyên nhân biến Pháp trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.
An Hy
Theo Báo Hànộimới