Seatimes – (ĐNA). Sáng nay (14/11/024), tại Đà Nẵng đã khai mạc Diễn đàn “Khu Thương mại tự do Đà Nẵng- Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng” do , Bộ Công thương và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Tham dự, có hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan Ngoại giao (có Tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng), các tổ chức quốc tế; đại diện Bộ, ngành TƯ, các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế quan tâm đến hoạt động đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như riêng dịch vụ Logistics của thành phố; đại diện các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND và các sở, ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng; lãnh đạo Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải một số tỉnh, thành khu vực miền Trung…
Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 (26/6/2024) về “Tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”, trong đó, có điều 13 về “Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng”, đây là diễn đàn đầu tiên được mở.
Hoàn thiện thể chế chung về Khu thương mại tự do
Nghị quyết số 136/2024/QH15 nêu rõ: Thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài đã có phát biểu tại diễn đàn và tặng lẵng hoa chúc mừng Ban Chỉ đạo phát triển ngành Logistics thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài cũng nhấn mạnh rằng “Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (theo nội dung hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 mà Quốc hội đã ban hành), chính là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về Khu thương mại tự do cho cả nước. Việc phát triển mô hình các khu thương mại tự do sẽ là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Qua Diễn đàn hôm nay, các Bộ, ngành; các tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics, sẽ có những chia sẻ, cùng đề xuất, thảo luận về những xu hướng mới, những thách thức quan trọng mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Qua đó, thu được nhiều kiến thức bổ ích, những ý tưởng đột phá, kết nối và hợp tác từ những mối quan hệ mới và cùng nhau phát triển” .
PGS.TS Bùi Quang Bình – Giảng viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), với vai trò là Cố vấn cho Sở Công thương thành phố, khẳng định thêm: Chủ trương từ Quốc hội, đã là một lợi thế cho Đà Nẵng. Xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng bao hàm hướng tới một hình mẫu cho các Khu thương mại tự do ở Việt Nam. Đó là Khu thương mại tự do phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu. Nếu thực hiện thành công một mô hình (Khu thương mại tự do) chưa hề có tiền lệ tại Việt Nam, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, còn tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, dịch vụ (không chỉ) tại Đà Nẵng (mà cả) khu vực lân cận, tăng cường liên kết hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC/East-West Economic Corridor, một chương trình hợp tác phát triển kinh tế, thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Tuyến đường bộ này dài 1.450 km, bắt đầu từ Mawlamyine, Myanmar đến Đà Nẵng, Việt Nam. Nối liền 4 quôc gia trến bán đảo Đông Dương: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam).
PGS.TS Bùi Quang Bình – Giảng viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), với vai trò là Cố vấn cho Sở Công thương thành phố, chia sẻ tổng quan ý tưởng về Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc và từ Slide của diễn giả.
Mũi nhọn Logistics và lợi thế địa chính trị Đà Nẵng
Chủ đề diễn đàn làm việc ngày hôm nay (14/11/2024) tại Đà Nẵng là “Khu Thương mại tự do Đà Nẵng- Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”, cho thấy: “Đà Nẵng với vị trí địa chính trị kinh tế và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia… giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Thời gian qua, Chính phủ cũng luôn quan tâm chỉ đạo phát triển dịch vụ Logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao; gắn dịch vụ Logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ Logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế.
Đặc biệt, trong chính sách đặc thù (tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội), áp dụng cho thành phố Đà Nẵng, Logistics còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố và vùng động lực miền Trung”, như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường.
Ông Trương Thanh Hoài – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ Logistics. Đây là ngành dịch vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2023, chỉ số hiệu quả LogisticS (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 – 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành Logistics, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ Logistics phát triển.
Trong vai trò Chuyên gia, Cố vấn lĩnh vực chuyên ngành cho Sở Công Thương Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Quang Bình – Giảng viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), cũng khẳng định Đà Nẵng có lợi thế đầu tiến mang tầm chiến lược là vị trí địa lý (như một tài nguyên); môi trường đầu tư của thành phố hấp dẫn luôn được nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, các điều kiện hoạt đốngarn xuất – kinh doanh, cung ứng dịch vụ đều ổn định. Ngoài ra, Đà Nẵng là điểm đến có sức thu hút cao, du lịch và dịch vụ Đà Nẵng đã có thương hiệu, tiếng vang xa, càng tạo thêm sức hút cho khu Khu thương mại tự do. Đáng lưu ý, Đà Nẵng còn có lợi thế về nguồn nhân lực.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Vĩnh chia sẻ: Năm 2024, tăng trưởng của Đà Nẵng đã có dấu hiệu tăng tốc bứt phá trở lại. Trong đó, đối với thu hút dòng vốn FDI, lãnh đạo thành phố đã và đang chuẩn bị để cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án đã có nhà đầu tư đồng ý hợp tác, làm ăn lâu dài tại Đà Nẵng. Định hướng sắp đến của thành phố là tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, Logistics, … Sắp đến, sẽ mời chuyên gia bàn sâu về khu phi thuế quan.
Về ngân sách, tính đến tháng 11/2024, thành phố đã thu vượt 18% so với kế hoạch, tính cả năm, khả năng Đà Nẵng sẽ vượt thu ngân sách khoảng 40% so với kế hoạch đề ra. Năm 2025, sẽ là một năm Đà Nẵng phải tăng tốc, bứt phá hơn nữa. Năm 2025 là năm chính thức triển khai Chính quyền đô thị chứ không còn thí điểm.
“Trong giai đoạn đến, dịch vụ Logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế – xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến Liên Chiểu, trung tâm Logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, cũng như các trung tâm Logistics, cảng cạn. Đà Nẵng cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ Logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ Logistics phát triển”- ông Trần Chí Cường Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phân tích thêm.
Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Logistics đã có gian trưng bày, giới thiệu năng lực hoạt động, tìm kiếm khách hàng mới. Ảnh: T.Ngọc.
Phó Chủ tịch Trần Chí Cường cũng chính thức giao Ban Chỉ đạo phát triển ngành Logistics của thành phố xây dựng chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2025; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như: Hoàn thiện danh mục dự án ưu tiên về Logistics, vị trí quy hoạch các dự án; tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư; nghiên cứu tổ chức Triển lãm Logistics thành phố Đà Nẵng thành hoạt động thường niên; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ nâng cao chất lượng nhân lực logistics; lồng ghép triển khai hiệu quả các nhiệm vụ liên quan tại Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Được biết, dự kiến về phân khu Logistics, thành phố Đà Nẵng sẽ bố trí nhiềm cụm và trung tâm Logistics . Ngoài trung tâm Logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, các điểm khác (đang dự kiến quy hoạch) nằm ở: Ga hàng hóa Kim Liên mới (hỗ trợ cho nhu cầu của các doanh nghiệp hoạt động ở Khu Công nghệ cao; trung tâm Logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng); Hòa Nhơn (cảng cạn), ở Hòa Bắc (phụ trợ cho trung tâm Logistics tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và trung tâm Logistics nằm trong cảng Liên Chiểu); ở Hòa Phước, Hòa Phú (trung tâm Logistics này hỗ trợ dịch vụ của EWEC, đã nói ở trên). Đây là những trung tâm/cụm (Clusters) Logistics nội địa , góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận, đủ khả năng cung ứng mở rộng thị trường ra toàn cầu.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình – Giảng viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), các dịch vụ Logistics đa dạng như chuyển phát nhanh quốc tế, vận tải đa phương thức, quản lý chuỗi cung ứng, logistics thương mại điện tử, và dịch vụ logistics chuyên biệt cho các ngành hàng như y tế và dược phẩm, là những dịch vụ rất phù hợp với định hướng phát triển của Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, nền tảng để tạo ra một trung tâm Logistics quốc tế, hỗ trợ chuỗi cung ứng đa dạng cho các ngành kinh tế chiến lược.
Chuyên gia: Đà Nẵng cần làm gì ?
Đóng góp ý kiến cho định hướng, giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Logistics và góp phần hình thành, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng; TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong tham luận “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực phát triển của ngành Logistics, từ mô hình thế giới đến kinh nghiệm áp dụng cho Đà Nẵng”, đã xác định rằng: Về bản chất, Khu thương mại tự do là khu vực kinh tế đặc biệt (do Vhính phủ quy định), nơi hàng hóa có thể nhập khẩu, lưu trữ, chế biến, sản xuất và tái xuất mà không chịu thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu hay các loại thuế khác. Các ưu đãi thuế, hải quan và thủ tục hành chính đơn giản là yếu tố quan trọng giúp khu thương mại tự do thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Khu thương mại tự do cũng thúc đẩy các sáng kiến phát triển xanh, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động môi trường, phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay.
Dựa trên các kinh nghiệm quốc tế từ Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng khu thương mại tự do hiệu quả và bền vững. Triển khai công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình Logistics sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm Logistics hàng đầu khu vực miền Trung, mở rộng kết nối với thị trường toàn cầu, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế.
Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do. Kinh nghiệm từ Singapore, với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa, đã đưa quốc gia này thành trung tâm Logistics hàng đầu khu vực. Đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Xây dựng khung pháp lý minh bạch, có chính sách ưu đãi linh hoạt, cơ chế pháp lý đủ sức bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định và an toàn, thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do. Khi ưu đãi thuế, cơ chế hải quan thông thoáng, doanh nghiệp được giảm thiểu thủ tục hành chính, thuận tiện trong thương mại quốc tế. Chính quyền thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương trong việc phát triển hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ưu đãi thuế, như miễn thuế VAT cho hàng hóa trong quá trình lưu kho và ưu đãi về sử dụng đất, nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu thương mại tự do.
Thứ ba, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng. Khu thương mại tự do không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế, mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, và thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực. Áp dụng mô hình này sẽ giúp Đà Nẵng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh của thành phố như một điểm đầu tư thân thiện, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.{Nội dung này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của đề án xây dựng Thành phố Môi trường mà Đà Nẵng đang triển khai, tầm nhìn đến 2030, 20245-T.N}.
Cuối cùng, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, và xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cùng với AI để phân tích chuỗi cung ứng, sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể. Trên thế giới, nhiều khu thương mại tự do đã triển khai các nền tảng số hóa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành, và Đà Nẵng cũng có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hiệu quả cho các doanh nghiệp logistics và thúc đẩy thành phố bắt kịp xu hướng kinh tế số hiện đại”.
Dịch vụ vận tải đa phương thức hoạt động mạnh tại Cảng container Tiên Sa Đà Nẵng. Ảnh: T.Ngọc
“Logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân; đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/1/ 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đã đề ra mục tiêu đưa “Thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Diễn đàn hôm nay là sự kiện hết sức ý nghĩa đối với Đà Nẵng, Đà Nẵng đã tiếp nhận được nhiều thông tin, kinh nghiệm, đề xuất quý báu từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để đóng góp cho ngành Logistics của thành phố và xây dựng, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng.Lãnh đạo thành phố cùng các cấp, các sở, ban, ngành hiện đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện, để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024, sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm của chính sách”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường phân tích./.
Trần Ngọc