“Goliath” của thị trường bán lẻ Việt Nam
Trong loạt bài viết gần đây về thị trường bán lẻ Việt Nam, chuyên trang công nghệ, tiêu dùng hàng đầu châu Á Tech In Asia đã dành một bài viết kỳ công về VinShop – nền tảng B2B2C đầu tiên tại Việt Nam – với mục tiêu “nâng đời” công nghệ cho 1,4 triệu tạp hóa trong nước.
Với sức mạnh thương hiệu từ One Mount Group (Thành viên Tập đoàn Vingroup), cùng sự tăng trưởng thần tốc – liên kết 65.000 cửa hàng tạp hóa chỉ sau 3 tháng ra mắt – Tech In Asia gọi VinShop là “người khổng lồ Goliath” của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Sắc đỏ của VinShop đang len lỏi các ngõ ngách thông qua hợp tác với các cửa hàng tạp hóa.
Tech In Asia cũng chỉ ra, ưu thế đặc biệt của VinShop so với các nền tảng khác là đối tác được nhập hàng “một chạm” trên ứng dụng. Các chủ tạp hóa chỉ cần thao tác trên điện thoại có thể nhập hàng, quản lý hàng hóa, quản lý hàng tồn, thu chi, cũng như tiếp cận các giải pháp tài chính thông qua sự hợp tác giữa VinShop và Ngân hàng Techcombank.
“VinShop giải quyết những vấn đề tồn tại của kênh bán lẻ truyền thống bằng năng lực công nghệ”, bài báo có đoạn viết.
Là mô hình toàn chuỗi B2B2C kết nối từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, và các chủ tạp hóa đóng vai trò trung tâm trong hành trình đó. VinShop một mặt giúp tạp hóa có thể nhập hàng từ nhà sản xuất với giá tốt hơn; cùng đó mang nhiều khách hàng đến với tạp hóa hơn – khi cung cấp trải nghiệm thanh toán “một chạm” thông qua ví điện tử VinID Pay ngay tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Cũng như Tech In Asia, trong bài viết mới đây, tờ Nikkei Asia cho rằng, giải pháp tài chính từ VinShop, cụ thể chương trình ứng vốn rất “được lòng” các chủ tạp hóa. Theo đó, các cửa hàng mua một lượng hàng nhất định của VinShop sẽ được vay vốn không cần thế chấp lên tới 70 triệu đồng, đặc biệt, khoản vay này không tính lãi suất trong vòng 40 ngày đầu.
“Đây là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ quy mô lớn, vốn thường gặp vấn đề về dòng tiền”, bài báo nhìn nhận thị trường bán lẻ truyền thống đang đón nhận những cú hích mới.
Đưa bán lẻ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kỷ nguyên số
“Đối với một cửa hiệu như của chúng tôi, việc đặt mua hàng hoá có thể trở nên rất phức tạp”, tờ Nikkei Asia dẫn lời một chủ cửa hàng 38 tuổi tại Hà Nội. “Dịch vụ mới của Vingroup rất tiện lợi vì chúng tôi có thể tiếp cận được nhiều nguồn cung cấp khác nhau chỉ trong một lần đặt và giao hàng”. Tác giả bài viết Tomoya Onishi nhìn nhận, VinShop đang sử dụng năng lực công nghệ của mình để thay đổi căn bản các cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Nhờ hợp tác VinShop, các chủ tạp hóa có thể tăng thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng.
“Những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra dù tạp hóa vẫn khoác trên mình một vẻ ngoài cũ kỹ”, Nikkei Asia cho rằng, việc tham gia cùng VinShop đánh dấu bước ngoặt của hệ thống các cửa hàng truyền thống này. Nếu như trước đây, các cửa hàng tạp hoá truyền thống phải đau đầu khi đứng trước rất nhiều lựa chọn khác nhau từ hàng trăm nhãn hàng và một đội quân môi giới, giới thiệu sản phẩm mỗi ngày. Nhưng giờ đây, một chiếc xe tải của VinShop sẽ đến vào mỗi buổi sáng và cung cấp hầu hết mọi mặt hàng cần thiết, tất cả đều được đóng gói gọn gàng.
“Nhờ giảm chi phí nhập hàng giá tốt hơn và kết nối khách hàng qua ứng dụng VinID, các cửa hàng sử dụng VinShop đã ghi nhận doanh thu tăng lên khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng”, Nikkei Asia có đoạn viết.
Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng gấp đôi quy mô từ năm 2010 lên 180 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, các siêu thị và mô hình bán lẻ hiện đại khác chỉ chiếm chưa tới 25% thị phần. Trên 75% thị phần còn lại thuộc về các kênh bán lẻ truyền thống, mà chủ yếu là các cửa hàng tạp hóa len lỏi từng ngõ ngách khắp cả nước.
Vì thế, Nikkei Asia cho rằng, VinShop đang thâm nhập thị trường còn rất nhiều tiềm năng để phát triển khi các cửa hàng tạp hoá truyền thống quy mô nhỏ lẻ sẽ vẫn là lực lượng thống trị trong ngành bán lẻ Việt Nam trong một thời gian tới. Đưa công nghệ thay đổi cách vận hành của thị trường cũng là mục tiêu mà VinShop đang hướng tới để thu hút 150.000 cửa hàng tạp hóa trong năm 2021.
PV