Seatimes – Sáng nay 10/12/2022, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Đây cũng là trường Đại học đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng và Miền Trung – Tây Nguyên, vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập, phần thưởng cao quý, trân trọng ghi nhận những thành tích và cống hiến xuất sắc của Nhà trường trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tham gia giải quyết những yêu cầu của tình hình phát triển trong mỗi giai đoạn.
Trước đó, Trường đã được khen tặng Huân chương Lao động (hạng Ba, Nhì và hạng Nhất) ; Huân chương Độc lập (hạng Ba); danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
“Kể từ khi thành lập đến nay, Nhà trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một “học hiệu” được bao thế hệ sinh viên và nhân dân trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên và cả nước lựa chọn để trao gửi niềm tin, hiện thức hóa ước mơ, hoài bão. Nhà trường đã khẳng định vị thế tiên phong của mình trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khu vực.
Trải qua hơn 47 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo ra hàng chục nghìn kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân tỏa đi khắp mọi miền đất nước, đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nhiều cựu sinh viên của Nhà trường đang nắm giữ những vị trí quan trọng ở các địa phương, các tập đoàn lớn.
Trường Đại học Bách khoa không chỉ xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của Đại học Đà Nẵng mà đã thật sự trở thành trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ cao, và là trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật hàng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng ngày nay, cũng là trường đại học đầu tiên được thành lập sau ngày giải phóng, với nhiệm vụ vào thời điểm này là tập trung đào tạo lực lượng cán bộ kỹ sư, đáp ứng yêu cầu tái thiết quê hương sau những năm chiến tranh.Những ngày đầu mới thành lập, Trường Đại học Bách khoa có 3 khoa chính: Khoa Cơ khí, Khoa Điện và Khoa Kinh tế (đây cũng là tiền thân của trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, sau này).
Đến nay, Nhà trường đã có 14 khoa, 10 đơn vị chức năng, 9 Trung tâm, Viện nghiên cứu – đào tạo và 1 Tổ trực thuộc; thực hiện đào tạo 15 chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ, 17 chương trình đào tạo bậc thạc sỹ và 34 chương trình đào tạo trình độ đại học- bậc Cử nhân, 38 chương trình đào tạo trình độ chuyên sâu đặc thù – bậc Kỹ sư, Kiến trúc sư, trong đó có 14 chương trình đào tạo chất lượng cao, với quy mô gần 16.000 nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên.
“Trải qua hơn 47 năm với nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức và quản lý nhưng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng luôn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình. Nhà trường đã từng bước chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực và hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước; xây dựng hình ảnh Nhà trường mãi là niềm kiêu hãnh của các thế đã và đang công tác, học tập tại Trường, là niềm kiêu hãnh của nhân dân thành phố Đà Nẵng, miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
47 năm xây dựng và phát triển của Trường là chặng đường với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng cũng thật đáng vui mừng và tự hào. Nhiều thế hệ cựu sinh viên của Nhà trường đã phát huy được khả năng, trí tuệ và phẩm chất của mình trong hoạt động thực tiễn, đã đóng góp công sức to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước. Nhiều cựu sinh viên thành đạt hiện đang giữ trọng trách trong các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, nhà máy, doanh nghiệp… Chính họ đã viết tiếp những trang sử vẻ vang, phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường”, ”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Được biết, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng là đơn vị tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi từ hình thức đào tạo truyền thống sang hệ đào tạo tín chỉ, và đã thu hoạch những kết quả chuyển biến tích cực trong đào tạo, số lượng sinh viên khá giỏi hằng năm đạt từ 70-75%, trình độ ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp ra trường được nâng cao rõ rệt.
Đặc biệt, việc áp dụng mô hình “Học qua dự án” từ năm 2018 đến nay đã giúp sinh viên trau dồi được những kiến thức chuyên môn vững chắc và kỹ năng cần thiết để tự tin trước yêu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ cách mạng 4.0.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cũng là Trường sớm tham gia kiểm định chất lượng giáo dục để khẳng định giá trị, học hiệu của mình với việc đạt những chứng nhận chất lượng kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế như HCERES, AUN-QA, CTI. Nhà trường cũng có nhiều chính sách khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tích cực bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi đi đào tạo sau đại học ở các nước.
Điều đáng vui mừng là hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ của Nhà trường đạt 72,7%, cao nhất trong các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng và nằm trong tốp đầu ở các trường đại học trong cả nước. Hiện có gần 50 giảng viên đang học tập sau đại học, thực tập tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Thật tự hào khi ở bất cứ nơi đâu trên suốt chiều dài của đất nước đều có những cựu cán bộ, SV Trường ĐHBK thành đạt! Nhiều người hiện nắm giữ các cương vị lãnh đạo Trung ương, các tỉnh/thành, tập đoàn, doanh nghiệp, trường ĐH, các công trình trọng điểm của đất nước đang ngày đêm hăng say lao động cống hiến trí tuệ, tâm sức cho quê hương góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Bách khoa trong những năm gần đây tăng mạnh về số lượng đề tài và số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và trên thế giới với gần 1200 bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus trong vòng 10 năm qua.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường trong những năm qua cũng đã trở thành một phong trào rộng lớn không chỉ trong cán bộ, giảng viên mà còn thu hút đông đảo sinh viên tích cực tham gia. Từ con số 50 đề tài thực hiện trong năm 2011 đến năm 2013 tổng số đề tài là 64 và đã nhanh chóng tăng đều các năm và đến năm 2021 số đề tài đã thực hiện đạt được con số 72 đề tài trong đó có 4 đề tài cấp Bộ, 10 đề tài của Vinif và doanh nghiệp, 3 đề tài với các địa phương, 55 đề tài cấp cơ sở.
So với giai đoạn trước hoạt động nghiên cứu khoa học được tăng lên đáng kể về số lượng và chất lượng, nổi bật là các đề tài cấp tỉnh, thành phố và doanh nghiệp góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc tăng mạnh số lượng đề tài trong 10 năm qua đặc biệt là trong các năm 2019 và 2020, chủ yếu tập trung vào các đề tài cấp Nhà nước, Nafosted, đề tài cấp Bộ, đề tài Tỉnh, Thành phố nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách, cụ thể đặt ra của địa phương: như các vấn đề về xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển nông thôn mới, kinh tế biển, thành phố thông minh …
Các kết quả nghiên cứu khoa học của Nhà trường được ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Điển hình, trong năm 2020-2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Nhà trường đã cho ra đời các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 như: Robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm trong bệnh viện, máy rứa tay sát khuẩn tự động, xe chở bệnh nhân Covid-19, … Những đóng góp tích cực của Nhà trường vào việc phòng chống Covid-19 đã được địa phương cũng như các Bộ, ngành ghi nhận.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng nhà trường, trong 2 năm trở lại đây, mặc dù chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid 19 nhưng tập thể toàn Trường đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Tiếp tục kiên định trên hành trình hoàn thành sứ mạng của Nhà trường là “Là cơ sở giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ; thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của miền Trung – Tây Nguyên, trong nước và quốc tế” và tầm nhìn “Đến năm 2035, là Trường đại học nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế – xã hội trong nước và thế giới”.
“Bước vào một giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, nhất là sự cạnh tranh trong giáo dục đại học ngày càng tăng, yêu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực chât lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, những đòi hỏi của quá trình đổi mới và hội nhập… Trong bối cảnh đó, tôi đề nghị lãnh đạo nhà trường phát huy truyền thống đầy tự hào của Trường, phát huy những kết quả đạt được và lợi thế của cơ chế tự chủ chi thường xuyên vừa được Chính phủ cho phép, chung sức đồng lòng, cố gắng nhiều hơn nữa, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ biết làm để có những quyết sách phù hợp, trong đổi mới quản trị nhà trường, trong tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chúc Trường tiếp tục Đổi mới – Hội nhập -Phát triển, và đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong chặng đường phát triển mới, luôn là cái “nôi” đào tạo kỹ sư công nghệ hàng đầu của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, gửi gắm./.
Trần Ngọc/TCĐNA