Seatimes – (ĐNA), Chuyển đổi số từ yêu cầu của thời đại, đang trở thành trào lưu thời sự. Đi đâu, rồi nghe – xem – đọc cũng bắt gặp chuyển đổi số. Truyền thông tạo nhận thức về chuyển đổi số cũng đang có nhiều xu thế. Cũng chưa hẳn, người nghe – người xem đã “thấm” vào trong mình mọi nội dung. Và Trung tâm phát triển phần mềm (SDC) – Đại học Đà Nẵng đã nghĩ đến phải tách bạch chương trình truyền thông nhận thức chuyển đổi số cho 3 nhóm đối tượng, tương ứng với 3 cấp độ: Cơ bản; Nâng cao; và chuyên gia.
Nhà báo Trần Ngọc, phóng viên Tạp chí Đông Nam Á đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường – Phó Giám đốc phụ trách SDC, chung quanh câu chuyện làm sao để truyền thông về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, truyền thông về chuyển đổi số đang diễn ra trên diện rộng, với nhiều hình thức, thực sự đi vào chiều sâu, nghĩa là có “độ thấm” nhất định đối với người nghe (người tiếp nhận).
Truyền thông nhận thức chuyển đổi số: Nói với ai? Nói cái gì? Nói bao lâu?
Nhà báo Trần Ngọc: Thưa Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường, những năm gần đây, truyền thông về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, truyền thông về chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng, với nhiều hình thức. Tuy nhiên “độ thấm” đối với người nghe (người tiếp nhận) vẫn chưa như mong muốn. Là người am hiểu trong lĩnh vực này, và cũng từng là Báo cáo viên chuyên đề (Chuyển đổi số), theo Ông, truyền thông chuyển đổi số nên như thế nào (về nội dung)?, trước hết là cách tiếp cận vấn đề và tiếp cận với người nghe (người tiếp nhận)?
Làm sao để “chúng ta không loay hoay với bài toán “nói mãi, nói đi nói lại” về chuyển đổi số, nhưng người nghe chỉ thấy mệt và không nắm được gì” ? Diễn giả nói chuyện khoa học hàn lâm về 4 cuộc cách mạng công nghiệp, nói trí tuệ nhân tạo ngày nay có thể tạo ra đủ mọi thứ; còn người nghe thì loay hoay rằng, vậy tôi làm gì để được gọi là “có tham gia chuyển đổi số” ? Muốn trở thành công dân số, tôi phải làm gì?
Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường: Trước hết xin trân trọng cảm ơn và tôi cho rằng đây là câu hỏi “rất hóc” của nhà báo về chủ đề Chuyển đổi số và truyền thông chuyển đổi số.
Theo tôi, điều trước tiên, chúng ta cần định nghĩa rõ và dễ hiểu, dễ làm về “Chuyển đổi số”. Tôi có đúc kết bằng định nghĩa thế này: “Chuyển đổi số bắt đầu từ số hóa toàn bộ và đồng bộ ở phạm vi một tổ chức, đơn vị. Tiếp đến chuyển đổi số là thực sự thay đổi, tạo ra một quy trình mới, một mô hình tổ chức mới, từ đó, thay đổi phương thức tương tác, đặc biệt là cung cấp dịch vụ, sản phẩm mới, tạo ra giá trị mới.”
Chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số dựa vào 4 trụ cột công nghệ: Cloud Computing (Điện toán đám mây); Dữ liệu lớn (Big Data), AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet cho vạn vật (IoT). Truyền thông chuyển đổi số là cách thức sử dụng các phương tiện truyền thông làm sao cho người dân và lãnh đạo các cấp hiểu sâu sắc về chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
Với tôi về nội dung truyền thông cần phải xác định được rõ đối tượng cần truyền thông, Ví dụ truyền thông cho người dân thì chúng ta nên đi vào việc giới thiệu cho dân sử dụng những sản phẩm (App) dễ dùng; áp dụng ngay được; đối với lãnh đạo chúng ta cần truyền thông phương thức; cách giải quyết bài toán. Có lẽ, chính chúng ta cũng đang lúng túng về nội dung, vì truyền thông nhưng chưa xác định đúng và phân loại nhóm đối tượng. Quan sát của nhà báo là chính xác: Tại nhiều phiên tập huấn, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện về Chuyển đổi số, người nghe khá mệt, thậm chí không hiểu gì, không thấm được gì vào tư duy.
Điều then chốt, tôi cho rằng, chúng ta đọc kỹ, có cách vận dụng và làm đúng, đầy đủ các quyết định của Trung ương, đặc biệt là quyết định 749/QĐ-TTg về đào tạo nhận thức chuyển đổi số. Quyết định này cũng nêu rõ là có bước đào tạo thí điểm ở 3 địa phương Thái Nguyên, Quảng Nam và Bình Dương.
Chúng ta không muốn loay hoay thì chúng ta phải phân công giao nhiệm vụ và sử dụng chung bộ tài liệu để truyền thông; giao và phân công cho người có kinh nghiệm; người nắm sâu rõ vấn đề; tránh tình trạng: Có quá nhiều người tham gia truyền thông (chuyển đổi số) mà nội dung thì chưa hề có sự nhận xét, đánh giá, chấp thuận của cơ quan có chuyên môn sâu hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về giáo dục – truyền thông chuyển đổi số.
Tôi có cảm giác, mỗi người hiểu về chuyển đổi số như thế nào thì chia sẻ cách hiểu biết đó cho cộng đồng, rồi cũng có chuyện mượn diễn đàn truyền thông để quảng bá, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Đây là điều rất đáng buồn, trong khi mục tiêu chính của chúng ta là người nghe có nhận thức đúng về chuyển đổi số, có hành động cụ thể trong tham gia, đồng hành cùng chuyển đổi số theo khả năng, theo điều kiện. Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thì cũng tốt, nhưng nên vừa phải, và chỉ gợi ý.
Nhà báo Trần Ngọc: Hiện nay các buổi nói chuyện, truyền thông phổ cập kiến thức về chuyển đổi số, được tổ chức cho nhiều nhóm đối tượng tiếp nhận khác nhau; trong đó có nhiều cô chú đã lớn tuổi, hiểu biết về tin học, ứng dụng công nghệ thông tin rất hạn chế, sử dụng điện thoại, chủ yếu là nghe, gọi và nhắn tin … Theo Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường, chúng ta “phân lớp” như thế nào để có cách tiếp cận riêng (mỗi nhóm đối tượng, một nội dung phù hợp) cho từng nhóm đối tượng?
Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường: Như đã trao đổi, tôi luôn khẳng định rằng: Cần phải phân loại đối tượng người nghe và nội dung nào cần cho nhóm đối tượng nào là phù hợp. Cụ thể theo tôi, việc truyền thông cần có những kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp. Có thể sử dụng truyền hình với chuyên mục “Chuyển đổi số” và có thể dùng kênh báo chí điện tử với chuyên mục riêng tương tự. Đặc biệt, nên có website riêng, tập trung, hay ưu tiên chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, trong đó, chuyên mục ý kiến chuyên gia là rất quan trọng. Tôi cho rằng các chuyên gia, hơn ai hết, hiểu đúng đối tượng và có chia sẻ rất sát với hiểu biết, nhận thức của đối tượng.
Về nhóm đối tượng tôi xin được phân loại như sau: Đại trà (Đại chúng) chúng ta truyền thông những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số; đối tượng nâng cao giành cho những người muốn tìm hiểu vận hành chuyển đổi số và lãnh đạo của cơ quan doanh nghiệp; Đối tượng thứ 3 là chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số. Theo QĐ 749/QĐ-TTg, chúng ta có 1.000 chuyên gia, tôi cho rằng, con số này phải tăng thêm hằng năm. Chuyên gia cũng cần nâng trình độ, cần đào tạo cập nhật.
Tôi có một đề xuất gửi cấp lãnh đạo địa phương, cũng như cao hơn, là nên giao cho một đơn vị chuyên môn, có kinh nghiệm xây dựng đề án, nội dung kế hoạch truyền thông. Định hướng nên là một đơn vị vừa có nghiệp vụ sư phạm, tâm lý giáo dục, lẫn kiến thức về chuyển đổi số.
Tôi vẫn giữ quan điểm: Đào tạo thí điểm, trước khi đưa ra làm rộng rãi. Chúng ta cần sử dụng nguồn lực là sự hợp lực; tránh trường hợp xung đột, mỗi nơi diễn dịch ra thành một ý về chuyển đổi số. Sự phân tán về nội dung sẽ khiến người nghe – xem – đọc rối lên, không biết chuyển đổi số là cái gì?, bản thân tôi có cần và có “làm được chuyển đổi số” không ? và làm ra sao ? Tôi ủng hộ tính đa dạng, phong phú của phương tiện truyền thông, nhưng nội dung truyền thông chuyển đổi số phải thống nhất.
Điều quan trọng của câu chuyện mà chúng ta nói nãy giờ, chính là phải có một lộ trình, không thể nóng vội, cũng không nên làm theo kiểu bề nổi phong trào. Cần lập khung thời gian truyền thông, bảo đảm tính liên tục, kiên trì. Mỗi số và mỗi kỳ truyền thông một ít. Mưa lâu thấm đất là vậy. Đừng cố nói liên tục 3 hay 4 tiếng trong một buổi, cho xong chuyện. Người nghe đã không hiểu, lại bội thực cái không hiểu, cái không thiết thực.
Thực hiện đúng tinh thần của Quyết định 749/QĐ-TTg về đào tạo nhận thức chuyển đổi số; năm 2022, Trung tâm phát triển phần mềm (SDC) – Đại học Đà Nẵng đã phối hợp với Đại học Thủ Dầu Một, đào tạo cho 61 Giảng viên; cán bộ tỉnh Bình Dương về Nhận thức chuyển đổi số; tương tự, đã phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, đào tạo nhận thức chuyển đổi số cho đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, công nghệ.
Trung tâm cũng phối hợp, tham gia 2 lớp khác là đào tạo An toàn thông tin – Nhận thức chuyển đổi số, cho các anh chị làm việc trong lĩnh vực Báo chí và Truyền thông tại địa bàn Kon Tum (phối hợp cùng Sở Thông Tin Truyền thông tỉnh) ; đặc biệt, đã tham gia và chủ trì báo cáo nhận thức chuyển đổi số cho hơn 300 đoàn viên, thanh niên quận Hải Châu (tại Tọa đàm chủ đề Chuyển đổi số – Thanh niên Hải Châu – Cơ hội và Thách thức). Tọa đàm được nhìn nhận đã mang lại những dấu ấn tích cực cho người nghe là các bạn trẻ cũng như đại biểu tham dự.
Hoạch định và làm được như lộ trình, lúc đó nói mới thuyết phục !
Trung tâm phát triển phần mềm (SDC) – Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị đã có nhiều đóng góp, hiện thực hóa hành trình chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, với những sản phẩm cụ thể.
Trong những năm qua, SDC là đơn vị chủ trì của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố. Đơn cử: đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý và khai thác dữ liệu hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng trên nền tảng bản đồ số 4D”, SDC là tổ chức chủ trì đề tài; TS Trịnh Công Duy (Giám đốc SDC tiền nhiệm), làm Chủ nhiệm đề tài. Trung tâm còn nghiên cứu và triển khai nhiều App ứng dụng cho các sở ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó nổi bật là App Dana Bus.
Tuy nhiên tham gia chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo mới là thế mạnh thực sự của trung tâm. Được thành lập từ những năm 2000, một giai đoạn của trào lưu “tin học hóa”, có ý nghĩa chuẩn bị nền tảng, để thời điểm này, xã hội bước vào giai đoạn chuyển đổi số. Đặc biệt, với một lĩnh vực đang rất nóng hiện nay, đó là nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chất bán dẫn (Semicondoctor); SDC đang xây dựng chương trình các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo chuyên đề, từ 6 tháng đến 12 tháng. Chương trình này của SDC, có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế. Và những khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của trung tâm, được xem là xu thế, có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghiệp chất bán dẫn. Nhiều người trẻ có xu hướng chuyển nghề, từ công nghiệp công nghệ thông tin sang lĩnh vực mới (Semicondoctor), luôn quan tâm đến các khóa ngắn hạn như thế này.
“Nếu không có kinh nghiệm, có thành tựu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và cả nghiên cứu, SDC sẽ không dám “nổ” lớn là trung tâm cũng có thể đào tạo nhân lực vi mạch. Bởi đây là một chuyên ngành khó, không đơn giản như ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngay như công nghệ thông tin, vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành ký kết MoA (Memorandum of Agreement; Bản ghi nhớ thỏa thuận) với Tập đoàn Ad-sol Nissin (Nhật Bản). Hai bên sẽ cùng phối hợp để đào tạo, thiên về thực hành-thực tập cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. SDC cũng đề xuất với Tập đoàn Ad-sol Nissin, xây dựng một Trung tâm thực hành cho sinh viên, học viên chuyên ngành công nghệ thông tin. Và lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đã đồng ý về mặt chủ trương.
Điểm khác biệt, là chúng tôi chú trọng chương trình đào tạo theo cách giải quyết những bài toán cụ thể. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã làm việc thực tế trong nhiều dự án ở Nhật Bản, sẽ trực tiếp giảng dạy và hỗ trợ huấn luyện các kỹ năng. Với cách đào tạo này, người học sớm có lượng kiến thức giàu tính thực tiễn, ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Kỳ vọng lớn của cả hai phía, là người học sẽ đạt tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao”, Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường – Phó Giám đốc phụ trách SDC, nhấn mạnh.
SDC hiện nay, còn được biết đến, là đơn vị đã triển khai hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, có tính ứng dụng thực tế cao, trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; Du lịch và Quản trị doanh nghiệp. Trong đó, có đề tài “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác”, mã số đề tài B2021-DNA-09, do chính TS. Nguyễn Hà Huy Cường giữ vai trò chủ nhiệm.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp cho thành phố trên lộ trình chuyển đổi số, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Vì đây, là thế mạnh của SDC. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của thành phố, cụ thể, với một dự án, SDC có thể đảm nhận tốt vai trò tư vấn giải pháp chuyển đổi số. Trăn trở của chúng tôi là “Bụt nhà …”, do vậy, luôn mong muốn được chính quyền, ngành chức năng tin tưởng giao cho; hoặc có đơn đặt hàng. Ở góc nhìn là chủ dự án; chủ nhiệm đề tài, chúng tôi có đầy đủ tư cách và vị trí, có tiếng nói chính thống để đưa ra giải pháp tư vấn cho những bài toán khó. Đây cũng là cơ hội để SDC đóng góp được nhiều hơn và cụ thể hơn cho thành phố”, Tiến sỹ Nguyễn Hà Huy Cường chia sẻ, và kỳ vọng.
Trần Ngọc