Trung Quốc sẽ thành lập một trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để theo đuổi cái gọi là chủ quyền quốc gia và quyền hàng hải, theo hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã.
Động thái này được đưa ra khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với gần 80% diện tích. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Chu Cường cho biết, Bắc Kinh đang thực hiện các chiến lược quốc gia nhằm trở thành một “cường quốc hàng hải”.
Bản đồ đường 9 đoạn Trung Quốc tạo ra để thể hiện chủ quyền phi lý ở Biển Đông
Trung Quốc đang theo đuổi chủ quyền phi lý ở Biển Đông và liên tiếp thực hiện các hành vi bồi đắp, xây dựng trái phép và quân sự hóa nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ của mình. Trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc, Philippines đã nộp đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài Liên Hợp Quốc tại The Hague, Hà Lan. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài nhưng đơn kiện của Philiipines đã được cơ quan này tiếp nhận cũng như khẳng định quyền xét xử.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc liên tục tiến hành các động thái quân sự hóa Biển Đông, bất chấp cam kết phi quân sự hóa tại khu vực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong năm 2016, Bắc Kinh đã đưa tiêm kích phản lực và tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đẩy mạnh việc xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Lan Hương
Theo CNN
Theo CNN
Theo KTĐT