Seatimes – Theo kênh RT (Nga) ngày 1/5/2023, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các quốc gia đang phát triển có nhiều tiếng nói hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Theo đó, các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước ở châu Phi, nên có đại diện nhiều hơn trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra một tuần sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nêu lên đề xuất tương tự, nói rằng các cường quốc phương Tây chiếm đại diện quá mức trong tổ chức quốc tế quan trọng này.
Trong cuộc gặp với các đại sứ của Kuwait Tareq Albanai và Áo Alexander Marschik tại LHQ, ông Vương Nghị nói: “Việc cải cách Hội đồng Bảo an là cần thiết để duy trì sự công bằng và công lý, tăng cường sự đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển, cho phép các nước tầm trung nhiều cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định của Hội đồng”.
Ông Vương Nghị lưu ý rằng “những bất công lịch sử đối với châu Phi” cần được khắc phục, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng sẽ đạt được sự đồng thuận “để quá trình cải cách Hội đồng Bảo an được ủng hộ rộng rãi”.
Trong chuyến công du châu Phi hồi tháng 1 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh muốn tăng cường đại diện của các nước đang phát triển trong Hội đồng Bảo an LHQ nhằm làm cho “hệ thống quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn”.
Đầu tuần trước, phát biểu tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lập luận: “Chủ nghĩa đa phương thực sự đòi hỏi LHQ phải thích ứng với các xu hướng khách quan của cấu trúc đa cực đang hình thành trong quan hệ quốc tế” và “việc mở rộng đại diện của các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh” trong tổ chức này cần phải được đẩy nhanh.
Ông Lavrov tiếp tục phàn nàn về “sự đại diện quá lớn hiện nay của phương Tây” trong Hội đồng Bảo an. Ở hình thức hiện tại, Hội đồng Bảo an LHQ bao gồm năm thành viên thường trực – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ – và mười thành viên không thường trực, do Đại hội đồng LHQ lựa chọn hai năm một lần. Theo các quy tắc hiện hành, năm quốc gia châu Phi và châu Á, một quốc gia Đông Âu, hai quốc gia Mỹ Latinh và hai quốc gia Tây Âu luân phiên được bầu chọn trở thành các thành viên không thường trực.
Nguyễn Phương/nguồn Tạp chí ĐNA