Trạm gác trái phép do Trung Quốc xây dựng gần bãi Vành Khăn. Ảnh: NLĐ
Tàu chở cá sống này không chỉ là một cơ sở chế biến cá di động, mà còn cung cấp nhiều dịch vụ cho các tàu quân sự và dân sự của Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
Trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 27/9 dẫn lại thông tin từ tờ China Science Daily (trụ sở ở Bắc Kinh) đưa tin về kế hoạch ngang ngược trên của Trung Quốc.
Theo đó, China Science Daily đưa ý kiến của ông Lei Jilin, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc cho rằng, các lãnh đạo Trung Quốc cần phải biết cách khai thác tài nguyên hợp lý. Theo ông Lei, Học viện Lâm nghiệp Trung Quốc nơi ông này công tác đã lên kế hoạch mua một tàu chở dầu 200.000 tấn, tân trang nó thành một tàu chở cá sống.
Ông Lei cho rằng khi đưa con tàu 200.000 tấn xuống Trường Sa, Trung Quốc vừa có thể tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này vừa có thể cung cấp các loại dịch vụ hậu cần cho cả tàu quân sự và tàu dân sự hoạt động xung quanh đó.
Ông Lei nhận định, nếu kế hoạch trên thành công, trong tương lai Trung Quốc sẽ triển khai một hạm đội tàu chở cá sống đến biển Đông và Hoa Đông dưới sự bảo vệ của Hải quân Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 25/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình".
Ông Bình cho rằng, trong tình hình hiện nay, tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc với hàng loạt các hành động đơn phương của mình đang làm phức tạp thêm tình hình căng thẳng tại biển Đông. Ngay tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng phi pháp, biến 6 bãi đá ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo nhằm phục vụ các hoạt động quân sự và tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Đối với quần đảo Hoàng Sa, đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đã khiến dư luận Việt Nam và thế giới "dậy sóng" khi ngang ngược đưa giàn khoan đến thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Giữa tháng 8/2014, tàu hải giám Trung Quốc liên tiếp gây ra các vụ đánh đập ngư dân, cướp phá tài sản trên các tàu cá Việt Nam khi các tàu này đang đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam. Ngày 2/9, đúng ngày quốc khánh Việt Nam, tàu du lịch Trung Quốc ngang nhiên đưa khách du lịch đến tham quan quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.