Seatimes – (ĐNA). Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới thường niên diễn ra ngày 26/7/2025 ở Thượng Hải, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết, Bắc Kinh mong muốn góp phần điều phối các nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng, đồng thời sẵn sàng chia sẻ những thành tựu mà nước này đã đạt được.

Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc thành lập một tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tự định vị như một lựa chọn thay thế cho Hoa Kỳ trong bối cảnh hai nước đang cạnh tranh ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ mang tính chuyển đổi này.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch chi tiết về AI, với mục tiêu mở rộng xuất khẩu công nghệ AI của Hoa Kỳ sang các quốc gia đồng minh, qua đó duy trì lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc trong lĩnh vực then chốt này.
Phát biểu tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải ngày 26/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường không trực tiếp nhắc đến Hoa Kỳ, nhưng dường như đã ám chỉ những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Ông cảnh báo rằng AI có nguy cơ trở thành “trò chơi độc quyền” của một số quốc gia và tập đoàn lớn.
Thủ tướng Lý nhấn mạnh Trung Quốc mong muốn công nghệ AI được chia sẻ công khai và tiếp cận bình đẳng giữa các quốc gia và doanh nghiệp. Ông khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển cũng như các sản phẩm AI của mình với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu.
Cũng trong bài phát biểu, ông Lý bày tỏ lo ngại về những rủi ro ngày càng lớn của AI, trong đó có vấn đề thiếu hụt nguồn cung chip và hạn chế trong việc trao đổi nhân tài quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng hiện nay quản trị toàn cầu về AI vẫn đang bị phân mảnh, với sự khác biệt lớn giữa các nước về cách tiếp cận và quy tắc quản lý. Do đó, ông kêu gọi tăng cường phối hợp để sớm xây dựng một khuôn khổ quản trị AI toàn cầu với sự đồng thuận rộng rãi.
Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới kéo dài ba ngày tại Thượng Hải, nơi đặt trụ sở chính của sự kiện đã quy tụ các nhà lãnh đạo ngành và các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng. AI đang nổi lên như một chiến trường then chốt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền Washington đã áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc, bao gồm các dòng chip AI cao cấp do những hãng như Nvidia sản xuất, cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn, với lý do lo ngại các công nghệ này có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Phát biểu tại một hội nghị bàn tròn với sự tham gia của đại diện hơn 30 quốc gia, bao gồm Nga, Nam Phi, Qatar, Hàn Quốc và Đức, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho biết Bắc Kinh mong muốn tổ chức AI đang được đề xuất sẽ thúc đẩy hợp tác thực chất trên toàn cầu, đồng thời đang cân nhắc đặt trụ sở chính của tổ chức này tại Thượng Hải.
Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố trực tuyến một kế hoạch hành động về quản trị AI toàn cầu. Sáng kiến này mời gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và viện nghiên cứu hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy trao đổi xuyên biên giới, trong đó có việc xây dựng một cộng đồng nguồn mở toàn cầu trong lĩnh vực AI.
Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới do chính phủ Trung Quốc tài trợ thường thu hút sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn, quan chức chính phủ, giới nghiên cứu và nhà đầu tư. Các diễn giả tại sự kiện năm nay có thể kể đến Anne Bouverot, đặc phái viên AI của Tổng thống Pháp, nhà khoa học Geoffrey Hinton, người được mệnh danh là “cha đẻ của AI”, và cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt.
CEO Tesla Elon Musk, người thường góp mặt tại lễ khai mạc qua hình thức trực tiếp hoặc video năm nay không có bài phát biểu.
Bên cạnh các diễn đàn, hội nghị còn tổ chức khu triển lãm công nghệ, nơi các công ty giới thiệu những đổi mới mới nhất. Năm nay, hơn 800 doanh nghiệp đã tham gia, trưng bày hơn 3.000 sản phẩm công nghệ cao, 40 mô hình ngôn ngữ lớn, 50 thiết bị hỗ trợ AI và 60 robot thông minh, theo thông tin từ ban tổ chức.
Phần lớn các công ty tham gia đến từ Trung Quốc, bao gồm những “ông lớn” như Huawei, Alibaba và các startup như nhà sản xuất robot hình người Unitree. Các công ty phương Tây góp mặt có Tesla, Alphabet và Amazon.
Theo ASEAN News, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang trở thành tâm điểm cạnh tranh công nghệ toàn cầu, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò dẫn dắt bằng cách thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ thành tựu và kêu gọi xây dựng một khuôn khổ quản trị toàn cầu mang tính bao trùm. Với việc đề xuất thành lập một tổ chức AI mới, cân nhắc đặt trụ sở tại Thượng Hải và công bố kế hoạch hành động cụ thể, Bắc Kinh đang phát đi thông điệp rõ ràng rằng họ không chỉ muốn tham gia cuộc chơi AI, mà còn muốn định hình luật chơi. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khác biệt giữa các quốc gia, việc đạt được sự đồng thuận rộng rãi về quản trị AI vẫn sẽ là một chặng đường dài và đầy thách thức.
Hoàng Hạnh – Thiên Phúc