Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 8/3 một lần nữa ngang ngược khẳng định, nước này sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tại cuộc họp báo bên lề phiên họp Quốc hội ở Thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, các quốc gia không thể lấy cớ khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông để hành động tùy ý – một lời ám chỉ ngầm tới những động thái gần đây của Washington. Nhóm tàu sân bay tác chiến của Mỹ đã và đang hoạt động ở Biển Đông từ ngày 1 – 6/3. Đây là lần đầu tiên cụm tàu sân bay tác chiến này hoạt động trên Biển Đông kể từ khi Mỹ thực hiện kế hoạch tuần tra đảm bảo an toàn hàng hải tại khu vực.
Nhóm tàu sân bay tác chiến của Mỹ hoạt động ở Biển Đông
Tuyên bố này trước hết nhằm công kích các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông của Washington, xa hơn là tới các quốc gia trong khu vực. Vừa qua, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này sẽ điều tàu ngầm và tàu chiến tới thăm Philippines vào tháng 4, trong nỗ lực phản đối những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Đoàn chiếm hạm này sau đó dự kiến sẽ tới Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng cảnh cáo sẽ có “hệ lụy cụ thể” nếu Trung Quốc tiếp tục có hành động “quá khích”, đồng thời cho biết quân đội Mỹ sẽ tăng cường triển khai hoạt động hàng hải ở châu Á -Thái Bình Dương. Tới năm 2020, Washington dự kiến chi 425 triệu USD để tăng cường phòng vệ cho các quốc gia ven biển khu vực này.
Bên cạnh đó, ông Vương Nghị cũng tiếp tục phủ nhận những cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông: “Trung Quốc không thể được coi là nước quân sự hóa Biển Đông. Danh hiệu này phù hợp với các quốc gia khác”. Tuy nhiên, không hiểu Bắc Kinh muốn nhắm tới nước nào trong khi chính Bắc Kinh mới là quốc gia thực hiện bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp, đặt bệ phóng tên lửa, trang bị hệ thống radar và hệ thống đường băng trái phép tại những khu vực không thuộc chủ quyền Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Vương Nghị biện luận, Biển Đông là một trong những đường biển an toàn và tự do nhất, nhờ những nỗ lực của Trung Quốc và những quốc gia khác – một lời lấp liếm những cáo buộc rằng Bắc Kinh đang khiến căng thẳng leo thang, gây bất ổn ở khu vực biển này. Đồng thời tiếp tục phủ nhận phán quyết về vụ kiện của Philippines tại tòa án quốc tế.
Với kinh nghiệm mà các quốc gia trong khu vực đã trải qua, các chuyên gia quốc tế cho rằng, không nên nghe những gì Trung Quốc nói mà hãy nhìn những gì Trung Quốc làm. Tuyên bố lần này của Bắc Kinh và những hành động đơn phương quân sự hóa tại Biển Đông là những hành vi ngang ngược, tự mâu thuẫn và che đậy những âm mưu trên Biển Đông.
Tú Anh
Theo KTĐT