– Nhà nghiên cứu cho rằng mỏ neo này vào khoảng thời chúa Nguyễn đến trước năm thất thủ kinh đô 1885, có thể đây là một tàu buôn của nước ngoài bị đắm tại cửa biển Thuận An xưa.
Ngày 25-11, Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế cho biết, chiếc mỏ neo khổng lồ đã được bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế đưa về, nhằm phục vụ trưng bày và nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, mỏ neo cổ tìm thấy có khả năng rơi vào khoảng thời chúa Nguyễn (thế kỷ 17) đến trước năm thất thủ kinh đô 1885 (Pháp đánh chiếm Huế). Tàu gắn với mỏ neo này có kích thước rất lớn mà nhà Nguyễn chưa thể đóng được. Nên đây có thể là một tàu buôn của nước ngoài bị đắm tại cửa biển Thuận An xưa.
Việc nghiên cứu mỏ neo có thể biết thêm các thông tin quý giá về giao thương hàng hải giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Mỏ neo cổ khổng lồ được đưa vào bảo tàng trưng bày và nghiên cứu.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, sau khi có chỉ đạo của tỉnh, Bảo tàng đã liên hệ với chủ sở hữu mỏ neo là anh Nguyễn Văn Chinh, đề nghị anh Chinh chuyển nhượng lại đúng giá đã mua trước đó.
Anh Nguyễn Văn Chinh (giáo viên cấp 3, Thuận An, huyện Phú Vang – người mua mỏ neo từ ngư dân Nguyễn Hảo) đã đồng ý chuyển nhượng lại cho bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh. Giá khi anh mua mỏ neo từ ông Hảo gần 11 triệu.
Trao đổi với PV Seatimes anh Chinh cho biết: “Đã có một số người hỏi nhưng tôi đã đồng ý chuyển nhượng cho bảo tàng Lịch sử Cách mạng với mục đích chiếc mỏ neo hiếm thấy này sẽ được trưng bày cho các tầng lớp, đặc biệt là thế hệ trẻ và con cháu đời sau được chiêm ngưỡng và học tập. Đó là một hiện vật quý, ít nơi trên nước Việt Nam này có được. Nó sẽ góp phần làm cho kho di sản của Huế thêm độc đáo, phong phú thêm”.
Trước đó, anh Chinh đã mua lại chiếc mỏ neo khổng lồ rất độc đáo kể trên của một ngư dân đi biển phát hiện trục vớt về.
Qua đo đạc ban đầu, mỏ neo có chiều dài 8,1m, dày 30cm, mỏ neo được bọc sắt ở phần đầu, 2 ngạnh neo có sắt bọc 2 lớp. Gỗ của mỏ neo này gỗ thuộc lọa quý hiếm bởi nó vẫn còn khá nguyên vẹn mặc dù ngâm ở biển nhiều năm. Riêng phần sắt bọc đã bị oxy hóa phần lớn. Nhiều nhà chuyên môn, ngư dân nhận định đây là mỏ neo ít khi thấy và thuộc một tàu lớn lúc xưa, thuộc dạng quý hiếm.