Trở về sau vòng loại thứ 3 Olympic Rio 2016 cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, hậu vệ Nguyễn Hải Hòa khiến nhiều người bất ngờ khi trực tiếp đứng bán bánh mì tại quê nhà.
Trưởng thành từ CLB bóng đá nữ Thái Nguyên, Hải Hòa nhanh chóng trở thành trụ cột của CLB cũng như đội tuyển quốc gia. Không quá khi nói rằng, Hải Hòa chính là ngôi sao sáng nhất của Bóng đá nữ Thái Nguyên ở thời điểm hiện tại. Dù thi đấu ở vị trí hậu vệ nhưng vai trò của đội trưởng Hải Hòa là rất lớn bởi chị luôn thi đấu nổi bật nhất đội và nhiều lần đảm nhận cả nhiệm vụ ghi bàn cho đội bóng xứ chè. Dù năm nay đã 27 tuổi nhưng Hải Hòa vẫn còn rất sung sức trong màu áo của CLB lẫn đội tuyển quốc gia.
Nữ tuyển thủ Nguyễn Hải Hòa
Ở một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế như Thái Nguyên, để duy trì một đội bóng đã khó, để phát triển và chăm lo đời sống cho các cầu thủ nữ lại càng khó khăn hơn. Do đó, không ít cầu thủ nữ Thái Nguyên đã sớm chia tay sân cỏ khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng Hải Hòa thì khác. Với niềm đam mê bóng đá mãnh liệt và kinh nghiệm thi đấu già dặn của mình, Hòa đã góp phần không nhỏ giúp đội bóng tồn tại và dìu dắt lứa trẻ trưởng thành. Có thể nói, bóng đá nữ Thái Nguyên không thể thiếu Hải Hòa dù thành tích của đội bóng này còn khá khiêm tốn.
Tốt nghiệp trường đại học TDTT Từ Sơn – Bắc Ninh chuyên ngành bóng đá nhưng hiện tại hậu vệ tài năng sinh năm 1989 vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Mới đây, Hải Hòa bắt đầu tập buôn bán kiếm sống với tủ bánh mì ngọt tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vốn rất hoạt bát, vui vẻ và chịu khó, Hải Hòa dường như không gặp nhiều khó khăn trong việc buôn bán. Những ngày mới khai trương, tủ bánh mì nhỏ trước nhà Hòa được khá nhiều khách ghé mua. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là số tiền lời ít ỏi ấy có đủ để Hòa tự nuôi sống bản thân mình hay không?
Quầy bánh mì nhỏ của Hải Hòa tại quê nhà
Việc nữ tuyển thủ đi bán bánh mì đã không còn xa lạ với thể thao Việt Nam. Dù cống hiến nhiều cho Tổ quốc, sở hữu nhiều tấm huy chương quý giá và tấm bằng tốt nghiệp đại học nhưng Hải Hòa cũng không thể tránh khỏi bốn chữ “cơm, áo, gạo, tiền” như bao người khác. Có chăng điều mà người ta học được ở những VĐV như Hòa chính là ý chí mạnh mẽ, không ngại khó khăn để tiếp tục chiến đấu với cuộc sống khắc nghiệt, bạc bẽo sau ánh hào quang mà nhiều người vẫn đang mơ ước.
OT
Theo TCĐNA