Seatimes – Vào lúc 7 giờ 09 phút sáng 16/3/2023, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa ra vùng biển phía Đông Triều Tiên. Thiết bị tên lửa được phóng theo góc nghiêng, bay khoảng 1.000 km trước khi lao xuống biển.
Cách đây khoảng 1 tháng, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15. Các nhà quan sát đã nhận định về khả năng Bình Nhưỡng phóng một ICBM nhiên liệu rắn, bắn nhanh hơn và khó phát hiện hơn trước khi cất cánh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết thiết bị tên lửa mà Triều Tiên phóng đi vào sáng 16/3 dường như đã rơi xuống vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ) và đây có khả năng là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tên lửa được phóng từ bờ biển phía Tây của Triều Tiên vào lúc 7 giờ 09 phút sáng (theo giờ địa phương). Theo tính toán, thiết bị tên lửa đã thực hiện hành trình bay kéo dài khoảng 70 phút và hạ cánh xuống vùng biển phía Tây đảo Oshima-oshima thuộc tỉnh Hokkaido.
Theo hãng thông tấn Kyodo, Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối Bình Nhưỡng liên quan vụ phóng tên lửa vào sáng 16/3. Trong khi đó, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ trước khi các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh để thảo luận về vấn đề xoay quanh mối quan hệ song phương và an ninh khu vực, gồm cả chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
“Giới chức tình báo của Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích toàn diện những diễn biến gần đây liên quan tới chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên” – tin nhắn do Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) gửi tới các phóng viên nêu rõ.
Ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 16/3, Chủ tịch JCS – Tướng lục quân Kim Seung-kyum đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tướng Paul LaCamera – Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời tái khẳng định hai đồng minh sẽ tiếp tục củng cố năng lực quốc phòng chung nhằm ứng phó với “các mối đe dọa và khiêu khích từ Triều Tiên”.
Sáng 16/3, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) cũng đã triệu tập họp khẩn sau vụ phóng tên lửa trước đó của Triều Tiên. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tham dự cuộc họp này trước khi ông tới Tokyo để dự hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Phát biểu tại cuộc họp của NSC, Tổng thống Yoon Suk-yeol cảnh báo Seoul sẽ đáp trả tương xứng trước những động thái của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản, yêu cầu quân đội duy trì tư thế phòng thủ chung vững chắc, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra chỉ ít giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo vào chiều 16/3. Trong đó, các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dự kiến sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự. Những lo ngại ngày càng rõ nét về các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang thúc đẩy Seoul và Tokyo gạt bỏ những bất đồng dai dẳng do lịch sử để lại, hợp tác cùng nhau để ứng phó với các thách thức an ninh chung.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận Lá chắn Tự do (FS), vốn bị Bình Nhưỡng lên án là “màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh xâm lược” nhằm vào nước này.
Trước đó, ngày 14/3, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố phóng 2 “tên lửa hành trình chiến lược” từ tàu ngầm hôm 12/3. Những vụ phóng này được xem là hành động đáp trả cuộc tập trận FS của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ