Seatimes – (ĐNA). Khi xem các tác phẩm của triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc màu ánh sáng”, tác giả: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh (phiên khai mạc sẽ diễn ra vào chiều 19/12/2024, đón khách thưởng lãm đến 5/1/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), công chúng sẽ nhận ra hình tượng nghệ thuật, mà tác giả đã thể hiện thành công. Song, quyền liên tưởng đến một hình tượng khác, vẫn thuộc về người xem. Đó là điều kỳ thú mà triển lãm mang lại.
“Triển lãm “Sắc màu ánh sáng” còn thêm lung linh, mang lại nhiều cảm xúc cho người xem khi được tổ chức trong dịp Giáng sinh và chào năm mới 2025. Bên cạnh rất nhiều các cuộc triển lãm mỹ thuật đã được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thực hiện hoặc phối hợp tổ chức, không ít lần chúng tôi phối hợp với các nghệ sỹ tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật.
Tuy nhiên lần này, “Sắc màu ánh sáng” của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh, có thể nói là một triển lãm nhiếp ảnh sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật khá mới mẻ và độc đáo, tạo nên một sự khác lạ, hấp dẫn, hy vọng sẽ góp phần thu hút công chúng và du khách đến với Bảo tàng trong dịp cuối năm cũ – đầu năm mới này”, Chị Nguyễn Thị Trinh – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, nhìn nhận.
2 trong số 70 tác phẩm tại triển lãm: Ánh sáng bay (bên trái) và Rồng vàng. Tác giả; Ông Văn Sinh.
Khơi gợi hình tượng từ cảm xúc thăng hoa, trí tưởng tượng bay bổng.
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc màu ánh sáng” là 1 trong 2 hoạt động chính chào mừng Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ X (2024-2029) và là triển lãm đầu tiên về nghệ thuật chụp pháo hoa biến tấu, phá cách.
Khác với cách chụp pháo hoa đặc tả trọn vẹn hình tượng do bông pháo (hay nhiều tầng pháo hoa) tạo nên, chụp pháo hoa biến tấu, sử dụng kỹ thuật chuyển động máy ảnh, làm thay đổi đường nét vốn có của nó. Hẳn nhiên đây là kỹ thuật khó.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh cho biết, mùa lễ hội pháo hoa Đà Nẵng (DIFF) 2023 (và thi thoảng vài mùa DIFF trước đó), ông đã quyết định trải nghiệm với cách chụp này. Nhưng chỉ có vài tấm “mới ở mức tạm hài lòng”, mức độ như ý chưa nhiều, chưa cao. Rút kinh nghiệm trên từng ảnh, đến 2024, ông mới thành công.
“Có nhiều cái khó. Trước tiên, phải hết sức tập trung quan sát. Đó là màn trình diễn của loại pháo hoa gì, màu sắc, độ sáng của quả pháo ra sao? Rồi tầm bắn, thấp, trung bình hay tầm cao ? Phải để ý và tính toán không để phơi sáng lâu, thừa sáng hay pháo hoa có màu sắc không phù hợp chen vào khuôn hình. Nếu kết hợp phải chắc chắn rằng, sẽ tạo nên hình tượng, không làm rối nhau (về đường nét, về sác màu). Thao tác chuyển động máy ảnh (tức rê dịch ống kính) cũng phải chuẩn xác. Có lúc phải để nguyên một vị trí (theo kỹ thuật chụp pháo hoa). Máy thực sự ổn định không bị rung nhưng có thể xoay (chậm) các hướng mà người chụp muốn”- Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh phân tích.
Với 70 tác phẩm, triển lãm ảnh nghệ thuật Sắc màu ánh sáng, dẫn dắt người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Không còn là những hình tượng bông pháo rực rỡ như đã từng xem, từng thấy; đường nét – sắc màu của pháo hoa – qua sự sáng tạo của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh – mỗi tác phẩm, tạo nên những những hình tượng, gợi liên tưởng đến: Đàn chim Lạc đang bay; Anh hùng Thánh Gióng cỡi ngựa về trời; Cánh đồng lúa chín; Đoàn thuyền ra khơi, cùng những công trình kiến trúc quen thuộc như cầu Rồng; cầu sông Hàn, hay hình tượng Đà Nẵng bừng sáng, diện mạo kiến trúc đô thị của thành phố trẻ bên bờ biển Đông, …
“Những hình tượng được khắc họa bằng ánh sáng, bằng sắc màu và đường nét từ bông pháo, tùy theo góc nhìn, sự cảm thụ, suy tưởng , sẽ mang lại cho công chúng những hình tượng nghệ thuật khác nhau, có những hình tượng rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày, nằm sâu trong hồi ức và hiểu biết của mỗi người.
Những hình tượng như vũ điệu ánh sáng, làm thăng hoa nghệ thuật thị giác, mang lại nhiều xúc cảm, có lẽ khó lặp lại lần thứ hai. Bởi khoảnh khắc bừng sáng của pháo hoa thoáng qua nhanh. Với tôi, trong niềm đam mê, đã rất nỗ lực ghi nhận, để qua cảm hứng sáng tạo riêng , cố gắng đến cùng trong làm mới cách chụp pháo hoa, vốn đã khá quen thuộc, qua 12 mùa lễ hội.
Cũng từ những đường nét đầy sống động, chuỗi sắc màu ánh sáng lung linh trên bầu trời đếm của sông Hàn của Đà Nẵng. Xuất hiện nhiều khoảnh khắc đẹp diệu kỳ, huyền ảo, vào tạo nên nhiều hình tượng nghệ thuật bất ngờ” – Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh bày tỏ cảm xúc.
Thánh Gióng về trời (bên trái) và Mùa lúa chín. Tác giả: Ông Văn Sinh.
Ngôn ngữ trình diễn của pháo hoa, tự thân, đã tạo nên hình tượng nghệ thuật quyến rũ trên nền trời đêm. Nhiều loại pháo hoa với hiệu ứng riêng, còn cho phép người xem liên tưởng đến nhiều hình tượng khác nhau, trên cùng một đường nét hình thể. Với kịch bản này là suối tóc, với chủ đề khác là dòng nước mắt, cũng có khi là hình tượng của dòng thác tự nhiên giữa đại ngàn. Với kỹ thuật chụp sáng tạo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh mang đến thêm một vẻ đẹp khác của ngôn ngữ pháo hoa. Pháo hoa mà không là pháo hoa, là hình tượng được khơi gợi từ cảm xúc thăng hoa của trí tưởng tượng bay bổng.
“Với tôi, “Sắc màu ánh sáng” là một triển lãm đầy ấn tượng, thể hiện sức sáng tạo và tâm hồn nghệ thuật dạt dào của người nghệ sỹ. Tôi bất ngờ khi được xem lần lượt từng tác phẩm của triển lãm, cảm nhận được sự cháy hết mình của tác giả khi đuổi bắt, đắm đuối cùng vũ điệu ánh sáng của lễ hội pháo hoa, đã nhanh như chớp ghi lại những khoảnh khắc không chỉ đẹp tuyệt, mà còn tạo nên nhiều hình tượng nghệ thuật, liên tưởng thú vị như bóng dáng cầu Rồng; cầu sông Hàn, cánh đồng lúa chín, đoàn thuyền ra khơi, đàn chim Lạc…”, ở góc độ là một người xem, chị Nguyễn Thị Trinh –Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng, chia sẻ.
40 năm là hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam – 60 năm hoạt động Nhiếp ảnh
Triển lãm “Sắc màu ánh sáng” là triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân lần thứ ba của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh. Năm 2011: “Đời Nón – Đời Người”, năm 2023: “Đà Nẵng ký ức và hiện tại” (trước đó, năm 2022, bộ sách ảnh “Đà Nẵng ký ức và hiện tại”, với hơn 70 tác phẩm, đã ra mắt công chúng).
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh đến với nhiếp ảnh khá sớm. Từ những năm 1965-1966, ông đã đi học việc và làm thuê ở một hiệu ảnh. Bắt đầu từ công việc của một trợ lý đạo cụ, sau đó là kỹ thuật viên buồng tối (đảm nhận các khâu tráng phim, rọi ảnh), rồi chụp ảnh và chỉnh sửa trên phim, … Chính thông qua công việc, với đam mê và chịu khó học hỏi, ông nắm rất vững các kỹ thuật của nhiếp ảnh truyền thống (sử dụng các dòng máy cơ, phim nhựa, từ trắng đen, đến phim màu, ảnh màu).
Gần 60 năm gắn bó với nhiếp ảnh qua nhiều công việc và công đoạn của nghề ảnh. “Tôi cũng từng lội bộ, làm công việc đi giao từng bao đựng ảnh đã in phóng cho các hiệu ảnh” , ông nhớ và kể lại. Ở góc nhìn của một người cầm máy, nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh cũng đã trải qua nhiều phong cách chụp, từ ảnh chân dung, đám cưới, lễ kỷ niệm, … đến các hoạt động, sự kiện, và cuối cùng là ảnh nghệ thuật. Ông có độ chín và sự vững vàng của một tay máy đã quá am tường về kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh.
Với tư cách Nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2009-2014), Nguyên Chánh văn phòng (2007-2009) sau đó là Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, từ năm 2009 – 2019, tròn 2 nhiệm kỳ). Tại hội thảo “Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng – 50 năm xây dựng và phát triển”; ông có tham luận “Nhiếp ảnh Đà Nẵng – 50 năm một chặng đường”.
Hơn ai hết, ông là Người trong nghề, có mặt ngày từ “Ngày đầu tiếp quản và vận hành chính quyền mới, lúc đó gọi là Ty Thông tin văn hóa Quảng Nam-Đà Nẵng” với vai trò, vị trí là “Phóng viên” của “Phòng Nhiếp ảnh tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin, đường lối của Nhà nước đến với nhân dân, với mục đích ổn định cuộc sống, ổn định xã hội, đưa dân về lại quê hương, tăng gia sản xuất,…”. Đồng thời, ông cũng chính là chứng nhân, sống với những thăng trầm của Nhiếp ảnh Đà Nẵng từ những năm 1965-1966.
Không chỉ người là người am hiểu sâu sắc lịch sử Nhiếp ảnh Đà Nẵng, ông còn được nhiều nhà báo tặng danh xưng “Người chép sử Đà Nẵng bằng hình ảnh” (trong dịp công bố bộ sách ảnh “Đà Nẵng ký ức và hiện tại”, 10/6/2022).
Nếu tính đến năm 2025, năm của nhiều sự kiện trọng đại, ông đã lập cột mốc mà không dễ ai có được: 60 năm hoạt động nhiếp ảnh (1965-2025). Còn với năm 2024, tuổi đời hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam của ông cũng đã tròn 40. Ông vinh dự là 3 hội viên đầu tiên của Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên (chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Ông còn nhớ như in “Quyết định số 27 ngày 27/7/1984, về việc kết nạp 3 hội viên vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam”.
Tác phẩm Thuyền và Biển (ảnh bên trái) và Đoàn thuyền ra khơi. Tác giả: Ông Văn Sinh.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh năm nay đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Song lao động sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm với nghề của ông vẫn hừng hực, lặng thầm truyền lửa, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ đồng nghiệp. Ngoài đam mê lớn là chụp ảnh, ông nhận lời ở vai trò giám khảo, giám tuyển các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác và tuyển chọn ảnh triển lãm, … Nhiều anh chị em còn kỳ vọng và gửi gắm ở sức viết của ông. Mong có ngày được đọc “Lịch sử Nhiếp ảnh Đà Nẵng”, tác giả: Ông Văn Sinh./.
Trần Ngọc