Cuộc thi năm nay không có giải Nhất bởi chưa có tác phẩm nào thực sự nổi trội và thuyết phục. 2 giải Nhì đồng hạng cho tác phẩm của các thí sinh: Lê Quý Hải và nhóm thí sinh Ngô Thanh Long và Nguyễn Mạnh Tuấn.
Ấn tượng từ mẫu thiết kế của tác giả Lê Quý Hải là hình ảnh của logo không chỉ thể hiện ý tưởng về những cửa sổ đang mở với thông điệp về ký ức của một Hà Nội bình dị, thân quen mà còn thể hiện sự giao tiếp, mới mẻ và mở 1 trang sử mới cho Đài PT-TH Hà Nội.
“Đạt được giải thưởng này là một niềm vui rất lớn với những người làm thiết kế đồ họa như chúng tôi. Nhưng 1 niềm vui còn lớn hơn là chúng tôi đã được trải nghiệm và học hỏi trong suốt hành trình rất thú vị của cuộc thi”, tác giả Lê Quý Hải bày tỏ vui mừng sau lễ trao giải.
Sự kết hợp nhịp nhàng giữa câu chuyện Hà Nội – “thành phố phía trong sông” trên nền typography độc đáo của Ngô Thanh Long với những module tam giác đều trẻ trung hiện đại, đa sắc thể hiện truyền thông đa chiều của Nguyễn Mạnh Tuấn – đặc biệt là phần hình ảnh chuyển động của tác phẩm đã được BGK đánh giá cao.
“Chúng tôi đã rất may mắn tìm ra được con đường chung, là giảm đi cái tôi cá nhân của chính mỗi người để có thể tạo thành một sản phẩm thống nhất”, nhóm thí sinh Ngô Thanh Long và Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ.
“Có nhiều niềm hứng khởi và vẫn còn những nuối tiếc,” ông Trần Gia Thái – TGĐ,TBT Đài PT-TH Hà Nội – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi nói với khán giả, thí sinh và truyền thông trong đêm trao giải.
Cũng theo ông Thái, thành công lớn nhất của cuộc thi là “sự trưởng thành của các tác phẩm và thí sinh qua từng vòng thi và tình yêu của tất cả mọi người dành cho Hà Nội nói chung và Đài PT-TH Hà Nội nói riêng.”
Ông Thái cũng cho hay cuộc thi đã thu hút gần 2000 bài dự thi của các nhà thiết kế trong và ngoài nước.
“Trong suốt quá trình sàng lọc của các vị giám khảo khó tính, cuộc thi được xây dựng như một chương trình truyền hình với những diễn biến hấp dẫn được phát sóng và đăng tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.” – Ông Thái nói.
Là một cuộc thi thiết kế logo truyền hình đầu tiên ở Việt Nam và theo như lời trưởng Ban Giám khảo Peter Anderson – cũng chưa từng có tiền lệ ở trên thế giới, cuộc thi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của ngành thiết kế cũng như giới truyền thông và khán giả.
Trong suốt quá trình thi, Peter Anderson luôn nhấn mạnh với các thí sinh rằng các tác phẩm mà họ đem tới phải kể được câu chuyện của Hà Nội, về Đài Truyền hình Hà Nội. Bước tiếp theo mới tính đến những yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật của Logo ngành truyền để tạo hiệu quả thị giác tốt với khán giả.
Tuy không đoạt được giải cao nhất của cuộc thi, nhưng tác giả Trần Hoài Đức – giải ba chung cuộc, đã bày tỏ sự cảm kích cuộc thi: “Cuộc thi này với những yêu cầu rất đặc thù của ngành truyền hình giúp chúng tôi nhận thức rõ logo truyền hình khác với logo in ấn như thế nào.”
Ông Hồ Quang Lợi, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những thành quả của cuộc thi: “Chúng ta đã chọn được những tác phẩm ấn tượng nhất, những sáng tác có tính tiềm năng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện ở một mức cao hơn nữa để chọn được 1 logo, 1 nhận diện thương hiệu xứng đáng cho Đài PT-TH Hà Nội, để nhìn thấy hình ảnh đó là thấy được giá trị văn hóa lịch sử của thủ đô nghìn năm văn hiến, nhìn thấy được bước phát triển của Thủ đô, và thấy được khả năng phát triển, hội nhập của 1 cơ quan báo chí truyền thông hàng đầu cả nước.”
Chia sẻ sau buổi lễ trao giải, Trưởng Ban Giám khảo Peter Anderson cho biết: “Tôi đã quan sát những bước mà các tác giả đã sáng tạo, với hai tác phẩm đoạt giải nhì, tôi sẽ dùng những kinh nghiệm 20 năm trong nghề của mình để tiếp tục hoàn thiện. Tôi sẽ lại thách thức họ 1 lần nữa, đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác với họ để cùng đi tới đích, với 1 câu chuyện hoàn chỉnh về Hà Nội cũng như về Đài PT-TH Hà Nội.”