“Trường hợp một doanh nghiệp tự ý đặt ra quy định, tự ý lắp đặt hệ thống biển báo giao thông và để người của doanh nghiệp thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định của pháp luật.” – Luật sư Chu Mạnh Cường nhận định.
Thời gian gần đây, việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trang bị súng bắn tốc độ và cho phép lực lượng bảo vệ xử phạt tài xế chạy quá tốc độ do công ty quy định trong khu vực Dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang gây nhiều tranh luận.
Với mục đích đảm bảo ATGT, Công ty Formosa Hà Tĩnh đề ra quy định: Nếu tài xế chạy quá tốc độ tối đa do công ty quy định (30 km/giờ) thì lực lượng bảo vệ sẽ xử phạt. Cụ thể, tài xế ô tô chạy 31-51 km/giờ sẽ bị phạt 2 triệu đồng/lần. Chạy quá 51 km/giờ thì bị phạt 3 triệu đồng/lần. Ô tô nào vi phạm lần thứ tư trở lên bị phạt 3 triệu đồng/lần. Các nhân viên của công ty nếu bị phạt sẽ không được vào xưởng trong thời gian một năm.
Hệ thống tín hiệu giao thông được lắp đặt trên trục đường vào xưởng – Ảnh :VNN
Liên quan đến sự việc trên Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng văn phòng luật sư Danh Chính, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng:
Xử phạt phương tiện giao thông đi quá tốc độ, về bản chất pháp lý, là một chế tài hành chính do người có thẩm quyền áp dụng đối với trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về hạn chế tốc độ. Việc một doanh nghiệp tự đặt ra quy định và xử phạt trong hệ thống đường giao thông nội bộ của doanh nghiệp là không đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Chương 4) quy định về thẩm quyền những người được phép xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Cơ quan công an (giao thông, trật tự, cảnh sát cơ động …), Thanh tra giao thông. Những người có thẩm quyền xử phạt có thể giao quyền cho cấp phó thay mình thực hiện việc xử phạt, không được ủy quyền cho người khác. Về nguyên tắc, việc xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng thẩm quyền. Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, thủ tục …” là hành vi bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, để xác định hành vi vi phạm lái xe vượt quá tốc độ cần phải căn cứ vào hệ thống biển báo giao thông trên đường. Theo quy định của pháp luật, hệ thống biển báo giao thông phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và lắp đặt, không một tổ chức, cá nhân nào được phép tự ý quy định.
Luật sư Chu Mạnh Cường
Cũng theo Luật sư, doanh nghiệp cho rằng quy định và xử phạt áp dụng trong hệ thống đường giao thông nội bộ thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp là chưa hiểu đúng các quy định của pháp luật, cụ thể như sau: Luật giao thông đường bộ được áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .Theo quy định của pháp luật thì đường giao thông trong nội bộ một doanh nghiệp cũng thuộc hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam và phải chịu sự điều chỉnh các quy định của pháp luật liên quan.
Căn cứ các quy định của pháp luật, chúng ta thấy rằng trường hợp một doanh nghiệp tự ý đặt ra quy định, tự ý lắp đặt hệ thống biển báo giao thông và để người của doanh nghiệp thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính là không đúng quy định của pháp luật. Hành vi này cần được xem xét, nhắc nhở và ngăn chặn kịp thời, tránh tạo ra một “tiền lệ xấu” ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, thống nhất của pháp luật Việt Nam.
Trong khi đó , trả lời báo pháp luật TP.HCM Đại diện công ty Formosa cho biết: “Trong nhà của anh, anh muốn quy định thế nào phải xin phép hả? Căn cứ theo điều nào, khoản nào, luật nào phải thế hả? Nếu tài xế không chấp hành, không nộp phạt thì cấm nhập xưởng, không được vào công trường làm việc”.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Formosa Hà Tĩnh chưa báo cáo với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này. “Thực ra họ làm theo quy chế nội bộ của họ, làm trong khuôn viên công ty để đảm bảo ATGT thôi. Nếu họ áp dụng bên ngoài thì mới có chuyện chứ. Quan điểm của tôi là doanh nghiệp, cá nhân vẫn có thể đề ra quy chế nội bộ riêng, miễn rằng không trái đạo đức xã hội và pháp luật là được” – ông Đệ nói.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định: Công ty Formosa Hà Tĩnh không thể lấy lý do đảm bảo an toàn trên hệ thống đường tại KCN mà đặt ra “luật lệ” riêng cho mình. nếu tự đặt ra quy định thì căn cứ vào đâu để công ty đưa ra các trường hợp vi phạm cụ thể, cũng như việc áp dụng mức xử phạt? Nếu xảy ra tranh chấp thì ai đứng ra giải quyết khi doanh nghiệp này không hề có thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt? Số tiền nộp phạt do người “vi phạm” đóng sẽ nộp cho ai? Cho kho bạc nhà nước hay cho doanh nghiệp?
Hằng Nguyễn (thực hiện)
Theo TCĐNA