Để không bị động trong tiêu thụ vải thiều, các doanh nghiệp phía Nam đề nghị cải thiện khâu vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch để giữ vững chất lượng sản phẩm, đóng gói theo thương hiệu để người tiêu dùng dễ nhận biết
Tại hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều vào thị trường phía Nam do Bộ Công Thương, UBND TP HCM phối hợp với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tổ chức sáng 20-6, các nhà quản lý, phân phối khu vực phía Nam đã “đặt hàng” những việc cần làm để nâng cao chất lượng, giá trị trái vải.
Theo các doanh nghiệp (DN) phân phối, vải là trái cây tươi, từ Bắc đưa vào Nam tiêu thụ, nếu không được bảo quản đúng cách dễ bị giảm chất lượng, mất giá. Để tăng giá trị cho trái vải, Hải Dương và Bắc Giang cần phối hợp với các bộ, ngành phát triển công nghệ sau thu hoạch.
Trước mắt, cần giải quyết tốt bài toán logistics để việc vận chuyển, tiêu thụ thuận lợi hơn, hạn chế tối đa tình trạng tồn đọng, không vận chuyển trái vải vào Nam tiêu thụ kịp thời khi chính vụ.
Vải thiều đã được bày bán nhiều ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng cần cải thiện khâu bảo quản sau thu hoạch để giữ vững chất tươi khi đưa trái vải từ Bắc vào Nam tiêu thụ. Hiện nay, khâu bảo quản chưa được làm tốt, việc đóng gói để đưa hàng vào siêu thị cũng bị nhà sản xuất bỏ qua. “Trước mắt, có thể thí điểm phân loại, đóng gói sản phẩm theo từng chất lượng, giá cả để người tiêu dùng dễ nhận biết 2 thương hiệu vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương).
Vải thiều đang vào thu hoạch chính vụ. Theo UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, sản lượng vải thiều năm nay giảm nhẹ. Tổng diện tích vải thiều năm 2016 toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015. Hải Dương có 11.000 ha trồng vải, sản lượng dự kiến đạt khoảng 36.000 tấn, giảm gần 30% so với năm 2015. Nhìn chung, chất lượng trái vải năm nay cao hơn những năm trước.
Ngoài việc tổ chức tiêu thụ vải thiều ở TP HCM, Bộ Công Thương còn tổ chức quảng bá trái cây này ở một số địa phương khác, như Hà Nội, vào tuần sau. “Các hợp đồng tiêu thụ trái vải đã được ký kết từ vài tháng trước. Ban tổ chức chọn thời điểm này xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP HCM vì muốn mang vải thiều chính gốc vào giới thiệu cho người tiêu dùng TP HCM” – ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, cho biết.
TP HCM là thị trường tiêu thụ lớn và đầu mối phân phối vải thiều tại phía Nam. Sở Công Thương TP HCM cam kết nỗ lực tối đa để đưa trái vải đến người tiêu dùng phía Nam nhiều hơn.
Thanh Nhân
Theo Báo Người lao động