Seatimes – Ngày 12/5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Kháicùng đoàn công tác của trung ương đã làm việc với tỉnh Tây Ninh, Bình Phước về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi cụ thể để gỡ vướng cho tỉnh, không nói chung chung, “văn bản qua, văn bản lại” mất thời gian
Theo báo cáo của Tây Ninh, trong quý I/2023, GRDP của tỉnh tăng 2,21%, trong đó khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 2,65%, khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 0,89%, khu vực dịch vụ tăng 5,51%; giản ngân vốn đầu tư công đạt 28,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao,… Hiện tỉnh đang tập trung các dự án trọng điểm: Cao tốc TPHCM – Mộc Bài; Cao tốc Gò Dầu – Xa Mát; các dự án hạ tầng logistic; các dự án phục vụ khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Tây Ninh nêu các kiến nghị để giải quyết khó khăn về: Chuyển mục đích sử dụng đất; việc sử dụng đất của các dự án trang trại kết hợp lưu trú (Farmstay), nhà kết hợp lưu trú (Homestay); thủ tục đầu tư, đầu tư công; quy hoạch; môi trường; tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài; đầu tư cơ sở hạ tầng lưới điện và kêu gọi đầu tư các dự án điện mặt trời;…
Phát biểu tại cuộc họp với Tây Ninh, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cuộc họp hôm nay là bàn những nội dung cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.
Ông yêu cầu đại diện các bộ, ngành trao đổi thẳng thắn để gỡ vướng cho tỉnh, phải nêu giải pháp phải rất cụ thể, khả thi, sát tình hình, xử lý nhanh, dứt điểm vấn đề, bảo đảm hiệu quả, không nói chung chung, không để “văn bản qua, văn bản lại” mất thời gian.
Đại diện Bộ LĐTBXH, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ… đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược về an ninh, quốc phòng của Tây Ninh, đồng thời trao đổi với tỉnh về vấn đề quản lý lao động nước ngoài; dự toán thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp; tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải phóng mặt bằng; triển khai các dự án sử dụng vốn ODA; xây dựng nhà ở xã hội; mở rộng thị trường; phát triển thương mại điện tử, thương mại nội địa; sản xuất nông sản; quản lý biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; cấp visa điện tử; gỡ vướng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; phát triển hệ thống giao thông công cộng…
Đại diện các bộ ngành, cũng trao đổi với tỉnh về vấn đề rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực: Lao động, tài chính, cấp thoát nước, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch điện VIII, định hướng phát triển điện mặt trời; tạo cơ chế ưu đãi đề doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…
Trao đổi với địa phương, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Các bộ ngành phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định. Trả lời kiến nghị của địa phương phải rõ ràng, không “lòng vòng”, chung chung. “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải là mệnh lệnh”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng: Tây Ninh chưa phát triển được vì hạ tầng giao thông còn hạn chế. Do đó phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng các tuyến đường trọng điểm, kết nối liên vùng “càng nhanh càng tốt”, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Phân tích kỹ lưỡng các khó khăn, tồn tại để có giải pháp khắc phục hiệu quả
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động từ tình hình quốc tế và những vấn đề nội tại, tỉnh Tây Ninh đã giữ vững tình hình an ninh, trật tự, nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tăng trưởng dương, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội có nhiều khởi sắc, hoạt động thương mại có những tín hiệu đáng mừng, tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước.
Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu đạt được thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Phó Thủ tướng đề nghị Tây Ninh phải phân tích kỹ lưỡng về các tồn tại, hạn chế, đánh giá phải sát với thực tế của địa phương để có giải pháp khắc phục hiệu quả, nhất là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chủ lực.
Về đầu tư xây dựng cao tốc TPHCM – Mộc Bài, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Chính phủ rất ưu tiên cho dự án này và sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. TPHCM được giao làm chủ đầu tư nhưng Tây Ninh cũng phải tham gia tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến cụ thể đối với dự án cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của tỉnh Tây Ninh; công tác triển khai giải ngân đầu tư công; công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp….
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý tỉnh Tây Ninh phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát;… Nắm chắc chính sách, pháp luật để triển khai theo đúng quy định. Đối với những quy định không còn phù hợp thì tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, LĐTBXH,… nhanh chóng xử lý các kiến nghị của tỉnh theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo cuộc làm việc hôm nay, (kể cả những kiến nghị đối với Bộ TNMT hôm nay không dự họp), tổng hợp đầy đủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.
Thay mặt tỉnh Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh trân trọng cảm ơn đoàn công tác và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã lắng nghe, gợi mở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Tỉnh Tây Ninh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục rà soát, gỡ bỏ các rào cản, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, chủ động đề ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển trong thời gian tới.
Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp đầu đàn
Chiều 12/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Bình Phước về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Báo cáo của tỉnh Bình Phước cho biết, trong quý I/2023, GRDP của tỉnh tăng 7,6%, đứng thứ 17 cả nước. Trong đó, ngành nông lâm thủy sản tăng 9,4%; công nghiệp – xây dựng tăng 3,44%; dịch vụ tăng 10,35%,…sản xuất công nghiệp có chiều hướng tích cực; hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải tăng mạnh;…
Về những khó khăn, vướng mắc chủ yếu làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu, báo cáo của tỉnh nhấn mạnh tới các vấn đề: Vướng mắc về phương án phân bổ đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; vướng mắc về quy hoạch xây dựng; quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản bauxit trên địa bàn; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; chính sách đất đai đối với cụm đầu tư công nghiệp; tỷ lệ vốn tham gia đầu tư dối với dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); Quyết định chủ trương đầu tư mở rộng giai đoạn II các khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú và Minh Hưng III; thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý khu kinh tế; vướng mắc trong nhập khẩu nguyên liệu hạt điều thô…
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành nhấn mạnh tầm quan trọng của Bình Phước trong khu vực Đông Nam Bộ và kết nối với Campuchia, vùng Tây Nguyên, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế – xã hội của địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, cả về sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.
Đánh giá cao việc phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Phước, các ý kiến của bộ ngành cũng đề nghị hết sức lưu ý đến việc bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững, tránh tình trạng “tăng trưởng nóng” gây hệ lụy cho các vấn đề xã hội; phát triển các cơ sở đào tạo có quy mô lớn để chủ động trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu đàn;…
Các bộ ngành cũng trao đổi cụ thể với tỉnh Bình Phước về các nội dung: Phát triển hạ tầng giao thông trong đó có dự án cao tốc TPHCM – Chơn Thành (Bình Phước); thúc đẩy sản xuất công nghiệp; gỡ vướng trong nhập khẩu hạt điều; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khu vực biên giới; quản lý lao động vùng biên; phát triển kinh tế khu vực phên dậu quốc gia; phát triển, khai thác sân bay Hớn Quảng; thu ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; lựa chọn tổ chức tư vấn quy hoạch đô thị; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân;…
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cảm ơn Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành đã quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho địa phương phát triển; bày tỏ tán thành với ý kiến của các bộ ngành, lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhấn mạnh thêm một số nội dung về phương hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn; tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển nguồn nhân lực (xây dựng phân hiệu Đại học Quốc gia TPHCM tại Bình Phước và các cơ sở dạy nghề); triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội;…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh các tiềm năng, lợi thế phát triển của Bình Phước, đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được về kinh tế, phát triển của tỉnh, nhiều chỉ tiêu đạt được cao, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của địa phương, mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Phước vẫn còn nhiều khó khăn về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thu ngân sách nhà nước,… Đề nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh.
Phó Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới: Trước hết trong tình hình còn rất khó khăn, cần đánh giá kỹ tình hình, rà soát lại các giải pháp để cố gắng thực hiện phát triển kinh tế xã hội ở mức cao nhất.
Phó Thủ tướng yêu câu tỉnh Bình Phước phải quan tâm hơn nữa, tập trung quyết liệt trong công tác thu ngân sách (thu ngân sách 4 tháng đầu năm 202 của Bình Phước thấp hơn bình quân cả nước), phấn đấu thu đạt dự toán.
Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân “càng sớm, càng tốt”, để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.
Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp, tỉnh Bình Phước cần có chiến lược dài hạn để phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để bảo đảm phát triển bền vững.
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có giai đoạn, lộ trình cụ thể.
Tăng cường kỷ luật kỷ cương, phân công, phân cấp rõ người rõ việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Thực hiện công việc công tâm, khách quan, “đúng vai, thuộc bài”.
Đối với các kiến nghị của Bình Phước (về xây dựng quy hoạch, sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản bauxit; xây dựng đường cao tốc liên vùng; mở rộng 3 khu công nghiệp;…) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất các kiến nghị phải cụ thể hơn; các Bộ ngành tiếp thu ý kiến, tháo gỡ ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời tổng hợp lại những vấn đề vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Hoàng Hạnh / Tapchidongnama.vn