Khi gõ những con chữ đầu tiên cho bài viết này, tôi đã rất băn khoăn giữa nhiều nhan đề khác nhau. Cuối cùng, tôi quyết định đặt một cái tên ngắn gọn nhất, đơn giản nhất như nội dung bài viết cũng như chính vùng đất dung dị mà chúng ta sẽ nhắc đến này – Luang Prabang.
Luang Prabang – khoan thai miền đất Phật
Luang Prabang – cố đô của Lào từ thế kỷ 14 đến năm 1975 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới về kiến trúc văn hóa và lịch sử. Khu vực thành cổ Luang Prabang được bao bọc bởi sông Mekong và sông Nam Khan.
Giống như Thái Lan, Myanmar…, Phật giáo du nhập vào Lào từ rất sớm, tại Luang Prabang có 98% dân số theo Phật giáo. Sau hơn 1.500 năm tồn tại song song cùng lịch sử dân tộc, tinh thần bao dung, quảng độ của Phật giáo đã từng bước thấm nhuần, trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển của người dân nơi đây.
Đến nay, dấu ấn mà Phật giáo để lại rõ nét nhất chính là những mái chùa làng có mặt khắp nơi. Mỗi góc phố, mỗi con đường đều có hàng chục ngôi chùa tạo nên nét thanh bình lạ thường cho cố đô.
Khất thực buổi sớm mai
Luang Prabang vào sáng sớm, không gian đặc biệt tĩnh lặng, vạn vật trở mình khe khẽ trong cơn ngái ngủ. Mặt trời vẫn chưa ló dạng, không khí còn vương chút se lạnh đặc trưng ban đêm nơi đây.
Trên trục đường chính Sisavangvong và những con phố nhỏ nối dài xung quanh, người dân Luang Prabang chuẩn bị cho buổi lễ khất thực. Dọc hai bên vỉa hè và lòng đường được quét dọn sạch sẽ từ tờ mờ sáng. Những chõ xôi được đồ sẵn, những bộ trang phục truyền thống tươm tất, những chiếc khăn phạ biềng chéo qua vai trang trọng, những ánh mắt mong chờ, những khuôn mặt đầy niềm tin và thánh thiện đã đợi sẵn bên đường.
Các nhà sư xếp thành hàng dài khoác trên mình vạt cà sa, đi chân trần, vai khoác thố, đi quanh phố để nhận đồ lễ dâng của người dân. Đồ lễ bao gồm đồ ăn chín, bánh trái và hương hoa. Theo giới luật của Phật giáo nguyên thủy, phật tử chỉ cúng bằng thức ăn đã nấu chín như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng rau đã nấu chín chứ không cúng rau tươi.
Sư trụ trì đi đầu đoàn, theo sau là các nhà sư khác rồi đến các nhà sư mới tu. Từng nhóm các nhà sư xuất phát từ cổng chùa riêng của mình và nối vào nhau ở mỗi góc phố, chậm rãi và từ từ. Đoàn khất thực đi tới đâu, người dân kính cẩn đặt vào thố những nắm xôi, gói bánh với tất cả lòng thành.
Khi dâng lễ vật, phụ nữ phải cởi sẵn giày, dép, quỳ hoặc ngồi trên một cái ghế thấp. Đàn ông có thể đứng, nhưng phải cúi đầu thành kính, tay chân và cơ thể phải sạch sẽ khi dâng lễ vật và tránh tuyệt đối việc nhìn thẳng vào mắt các nhà sư.
Một ngày mới ở Luang Prabang đã luôn bắt đầu như thế.
Bàn về khất thực
Lễ khất thực còn được gọi là lễ Tak Bat, đây là lễ được thực hiện theo tinh thần của Phật Giáo Nam Tông, tức là Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada), được đức Thích Ca Mâu Ni khai sáng. Khất thực là một trong rất nhiều hình thái tu tập không chỉ ở Lào, nhiều quốc gia theo tín ngưỡng Phật giáo cũng có nét văn hóa đặc trưng này.
Giáo lý đạo Phật cho rằng, con người ta nếu muốn tu tập đạt đến cứu cánh như mong muốn cần dẹp bỏ được lòng sân si ngã mạn (sự nóng giận, ngu muội, tự tôn và khinh thường kẻ khác). Cách thức tốt nhất để diệt trừ lòng tự tôn chính là chấp nhận làm kẻ-đi-ăn-xin-của-mọi-người. Cũng thông qua việc khất thực, người tu sĩ Phật giáo gián tiếp tạo phước công đức cho người cúng dường vật phẩm được sống an lạc và hưởng nhiều sự vui sướng ở đời vị lai.
Hình ảnh một đoàn các nhà sư trong màu áo cà sa vàng rực đã trở thành một biểu tượng của cố đô Luang Prabang trên toàn thế giới. Những bước chân trần chậm rãi, ánh mắt trầm tư của vị sư trụ trì, nụ cười tinh nghịch của những chú tiểu, bờ vai trần lặng lẽ… Đoàn người khất thực nom như một dải lụa màu cam mềm mại để gió cuốn đi trên phố, chậm rãi chuyển động, vừa cuốn hút bởi sắc vàng cam rực rỡ, lại như vừa muốn ẩn mình trong sự trầm mặc cũ kỹ của thành Luang. Tất cả những hình ảnh ấy khiến người bên đường phải cảm thấy xúc động đến nghẹt thở. Bước chân khất thực chậm rãi bao nhiêu, người đứng bên đường lại cảm thấy vội vã bấy nhiêu, những gì đang diễn ra giống như một giấc mơ, phút chốc vạt áo màu cam đã biến mất ở ngã rẽ cuối đường, tan biến đi lúc nào không hay biết. Hư hư thực thực, tan đi rồi không biết là thật hay là mơ.
Khung cảnh yên bình ấy vẫn diễn ra mỗi sáng, mỗi sáng. Người dân nơi đây bắt đầu ngày mới nhẹ nhàng và đầy hi vọng như thế. Vậy nên người dẫn chốn ấy hiền lành lắm, thật thà lắm. Đạo Pháp dường như đã trở thành thành tố quan trọng hình thành nên giá trị con người ở đất nước này. Thời gian trôi qua, thế giới biến động không ngừng nhưng dường như dân tộc ấy vẫn hiền hòa, an nhiên như vậy qua bao nhiêu thế hệ.
Tôi không quá tin vào tướng số, nhưng tôi tuyệt nhiên tin rằng mọi hỉ nộ ái ố trong cả cuộc đời dần dần sẽ khắc lên khuôn mặt, dung nhan mỗi người. Người sống tích đức, mặt mũi ngày càng lộ nét phúc hậu, nhân từ. Kẻ ác độc, không tránh khỏi ánh mắt gian tà, gương mặt nhìn đã không thể ưa. Ấy là lấy nhân đức cải tướng mạo.
Kết
Tìm về Luang Prabang. Tại sao lại là “tìm về”? Vì thời gian nơi đây như không hề trôi suốt bao nhiêu thế kỷ qua, đến đây tâm hồn mỗi du khách được sống lại một vùng ký ức sâu thẳm trong tâm hồn. Nhân chi sơ tính bản thiện, con người ta tìm đến đây là tìm về bản ngã thiện lành của mình. Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, thiện tâm trong lành nhất của con người vẫn mãi mãi hiện hữu, vượt qua sự băng hoại của thời gian. Và vì đến Luang Prabang, rồi nhất định sẽ quay về chốn đây hơn một lần nữa.
PV
Theo TCĐNA