Ghi danh trong nghề viết với những tác phẩm về đời sống tuổi trẻ, thế giới tội phạm, đề tài chiến tranh, những câu chuyện đậm tính phiêu lưu phảng phất không khí hình sự…, nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa bắt tay vào một địa bàn mới đầy thử thách.
Dành được nhiều thời gian hơn cho công việc quan trọng hàng đầu của người cầm bút, đó là: viết, nhà văn Nguyễn Đình Tú “lăn lóc” những chặng đường dài ở các tỉnh phía nam. Anh vào khai thác tư liệu ở TP Hồ Chí Minh, về thực tế vùng sông nước, theo những con đường miệt vườn để cảm nhận sự hòa trộn giữa dòng chảy văn hóa với đời sống xã hội nhiều biến đổi, cùng xu thế làm kinh tế đã lan về nhiều địa phương. Kết quả tích lũy được, nhà văn gom vào một cuộc chuyển hướng khá bất ngờ: viết về doanh nhân và hoạt động kinh doanh. Đặc biệt khi anh khai thác một nguyên mẫu có thật và doanh nhân đó vẫn đang tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình.
Khai thác đề tài doanh nhân, kinh tế với những câu chuyện làm ăn, tiền nong, những hợp đồng, dự án… vào tác phẩm văn học – nghệ thuật, lấy đó làm chỗ dựa chính để thể hiện thành những chi tiết sinh động, những nhân vật hấp dẫn là một thách thức lớn. Nhà văn Chu Lai từng viết tiểu thuyết “Ba lần và một lần”, sau này chuyển thể thành kịch bản “Xanh một đời cây”, xoáy vào những đau đớn, ngỡ ngàng nhưng vẫn nguyên vẹn sự vững vàng của người lính từ chiến trường bước sang thương trường. Nhạc sĩ Thụy Kha từng có ca khúc về đề tài ngân hàng, và ông tâm sự, không dễ để ra được một cái tứ nào đó. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng nung nấu để viết ca khúc về doanh nhân. Thời bao cấp, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng viết vở kịch “Tôi và chúng ta” gây tiếng vang lớn với xung đột giữa tư tưởng bảo thủ và hành động “xé rào” trong sản xuất… Các tác phẩm ấy đều hướng đến ghi nhận, tôn vinh những con người dám nghĩ, dám làm, nỗ lực tạo ra của cải vật chất cho xã hội, qua đó góp phần khẳng định những quan điểm mới trong phát triển đất nước.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú (bên trái) đi thực tế
Với tiểu thuyết “Giọt sầu đa mang” vừa được NXB Hội nhà văn ấn hành, người đọc đồng hành với cuộc đời cậu bé Mười Phúc có cha là bí thư huyện ủy công tác ở chiến khu, có người anh đi chiến đấu hy sinh, gia đình luôn phải lênh đênh phiêu bạt tránh sự nhòm ngó của ngụy quyền. Trở thành thiếu sinh quân, đi hoạt động cách mạng làm chiến sĩ công an, thời bình với đời sống khó khăn gieo vào Mười Phúc suy nghĩ: Cầm súng cho nước nhà thống nhất rồi, bây giờ phải làm gì để mình và mọi người được no ấm. Suy nghĩ ấy như ngọn đèn soi sáng con đường, đưa Mười Phúc đi qua hàng loạt thất bại tới thành công với mọi nguyên cớ, từ cơ chế chưa cởi mở, cho đến sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm, rồi những tai nạn nghề nghiệp do chính đồng nghiệp và cả người thân gây ra. Và những thành quả của tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực: xuất khẩu thủy sản, nước khoáng, xây dựng, bất động sản, taxi… là minh chứng rõ ràng cho nghị lực phi thường của một trong những doanh nhân thành đạt nhất vùng Nam Bộ.
Tất nhiên, cái tài của văn nghệ sĩ không nằm ở việc thuật lại những thương vụ, những liệt kê những thông số về biến động thị trường, những phút cam go trong tính toán làm ăn. Mà qua thương trường – “chiến trường kinh tế” của thời hiện đại, qua hình ảnh một giám đốc, nhà buôn hay chủ doanh nghiệp nào đó, tác giả làm nổi bật lên những ý nghĩa sâu sắc về con người, tình người, tình đời. Nguyễn Đình Tú cũng không đặt tham vọng vào bề nổi kinh tế để khắc họa một hình ảnh doanh nhân thành đạt với những con số doanh thu, chặng đường phát triển hệ thống cơ sở vật chất hay chiến lược kinh doanh. Nhân vật Mười Phúc của anh được “trang bị” một hành trình sống khá đa dạng với những trưởng thành, va vấp trải qua nhiều cảnh ngộ, cung bậc cảm xúc. Cùng với sự thành đạt lắm thăng trầm là những éo le của đời sống riêng tư, là những tình cảm bền chặt với gia đình, với quê hương trong thời chiến đến thời bình, là những suy nghĩ và hành động nhân hậu trước cuộc đời, cả những phút giây yếu đuối trong một tâm hồn đa cảm, yêu thơ và mê ca vọng cổ.
Và như thế, song hành với tiểu thuyết “Giọt sầu đa mang” là một cuộc bóc tách từng lớp diện mạo một con người. Độc giả từng bước nhận ra và đồng cảm khi soi chiếu nhân vật từ những góc khác nhau, không chỉ ở vai trò một nhà kinh tế với những chiến lược táo bạo và óc phân tích thị trường sắc bén. Những diện mạo khác ấy, những rung động chan chứa trong con người nhân vật Mười Phúc – một người con, một người chồng, người cha, và một người nhân ái, có hoài bão lớn…, có thể một lúc nào đó, giúp ta mở thêm suy nghĩ, niềm rung cảm khi nhìn một một doanh nhân ở ngoài đời.
Hoàng Hoa
Theo TCĐNA