Seatimes – Tiến sỹ Nguyễn Xuân Phi – Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống và kiến trúc xây dựng Việt Nam, thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam. Ông là người con sinh ra ở đất Thanh Hóa; nơi đây, từ xa xưa đã có nghề đúc đồng Đông Sơn và gốm sứ Tam Thọ; một di sản vật thể của Việt Nam, hiện nổi tiếng trên toàn thế giới. Trong nhiều năm qua, ông đã cùng Viện nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống và kiến trúc xây dựng Việt Nam dày công sưu tầm và lưu giữ được nhiều cổ vật bằng đồng, gốm sứ tại quê nhà… và xây dựng Khu không gian văn hóa Việt. Với niềm đam mê sưu tập trong nhiều năm, đến nay ông đã mở được hai bảo tàng để lưu giữ cổ vật và là nơi Viện nghiên cứu ứng dụng văn hóa truyền thống và kiến trúc xây dựng Việt Nam tổ chức các hội thảo khoa học về khảo cổ, văn hóa truyền thống.
Bảo tàng gốm sứ Tam Thọ
Tam Thọ là khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004 bao gồm các lò gốm cổ nằm trải dài từ thôn Tam Thọ sang thôn Văn Vật thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn (nay là thành phố Thanh Hoá).
Khu lò gốm cổ Tam Thọ được nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển Olov Janse phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1937. Trong các năm từ 1937 – 1939 O. Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Những phát hiện và công bố của O. Janse về khu lò gốm Tam Thọ, đã làm cho khu lò gốm này trở nên nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới.
Trong các năm 2001-2002, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khảo sát và khai quật tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Mỗi một lò nung đó được sử dụng lâu dài mà bằng chứng là có nhiều lớp nền được tôn lên nhiều lần trong một lò nung.
Qua những tài liệu mà O. Janse để lại và những nghiên cứu gần đây của các nhà khảo cổ học Việt Nam, di tích lò gốm Tam Thọ có hai loại: Lò cóc và lò ống. Đây là khu lò có quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ở Tam Thọ còn tồn tại một khu vực sản xuất muộn hơn. Theo rìa dọc Kênh Đô đoạn giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có một hệ thống lò sành từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17. Khu lò sành này là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ chống Bắc thuộc của khu vực này.
Khu lò gốm Tam Thọ được hình thành vào nửa cuối thế kỷ I và phát triển mạnh vào cuối thời Đông Hán, đầu Lục Triều.
Hoa văn đồ gốm Tam Thọ phong phú đa dạng, thể hiện sự tiếp thu sáng tạo văn hóa bên ngoài của người thợ gốm, đồng thời cũng thể hiện sức sống của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ chống Bắc thuộc.
Về hoa văn: Hoa văn đồ gốm thế kỷ I – III, ở Tam Thọ đa dạng; Hoa văn in ô trám có các loại văn trám đơn, văn trám lồng; Hoa văn in ô vuông thường kết hợp với một số hoa văn hình đồng tiền (dấu ấn thương phẩm), Hoa văn hình hoa thị…..; Hoa văn xương cá hoặc lá dừa; Hoa văn phên đan giống các nan đan lóng mốt của các loại rổ, rá; Hoa văn thừng: Có loại văn thừng thô và loại văn thừng mịn; Hoa văn chải: Có loại văn chải thô và văn chải mịn; Hoa văn sóng nước và văn vòng chỉ chìm trang trí trên các đồ đựng như trên vai bình, vò, bát…..; Hoa văn đắp nổi trên vai các loại chậu.
Về màu sắc: Đồ gốm Tam Thọ tương đối phong phú, ngoài đồ gốm men, đồ gốm Tam Thọ có các màu sắc chính: màu xám xanh; màu xám ghi; màu nâu xám; màu đỏ; màu hồng; màu trắng hồng; màu vàng gạch… nhóm màu xám thường có độ nung rất cao, xương gốm đanh, xốp, được các nhà chuyên môn gọi là sành xốp (khác loại sành mịn sau này). Các màu đỏ, hồng, trắng hồng, vàng gạch… thường có độ nung thấp hơn nhóm màu xám.
Xương gốm có loại đanh mịn, có loại thô xốp.
Về chất liệu: Đồ gốm Tam Thọ được làm từ đất sét tự nhiên trong vùng. Một số loại sản phẩm như gạch, ngói ở Tam Thọ chắc chắn được làm trực tiếp từ nguồn sét tự nhiên. Một số loại hình sản phẩm khác như: Bình, vò, bát… chắc chắn được làm từ nguồn sét trắng và đã được lọc rửa, pha trộn tỷ lệ rất cẩn thận.
Thị trường phân phối gốm Tam Thọ thời đó:
Phục vụ cho nhu cầu của quận Cửu Chân, thời Hán- Lục triều. Ngoài thị trường quận Cửu Chân, cho đến nay chúng ta cũng biết chắc chắn sản phẩm của lò gốm Tam Thọ còn có mặt ở phía Nam quận Cửu Chân. Các di tích như Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam), di tích Suối Chình thuộc huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi… đã tìm thấy gốm Tam Thọ. Một số tài liệu cũng cho biết khả năng, vào những thế kỷ đầu công nguyên, đồ gốm Tam Thọ còn cung cấp cho các nước khu vực Đông Nam Á. Như vậy, khu lò gốm Tam Thọ trong những thế kỷ đầu công nguyên đã có sự vươn ra chiếm lĩnh thị trường và cung cấp sản phẩm đến nhiều vùng miền.
Ngày 14/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 2960/QĐ-UBND cấp giấy phép hoạt động Bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Gốm Tam Thọ. Bảo tàng đã đăng ký và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận Đăng ký cho 545 di vật, cổ vật.
Bảo tàng gốm Tam Thọ nằm trong khuôn viên Khu Sinh thái Linh Kỳ Mộc, Phố Thịnh Vạn, phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa.
Hiện nay, Bảo tàng đang trưng bày và bảo quản gần 10.000 đơn vị hiện vật gồm sưu tập gốm qua các giai đoạn lịch sử văn hóa của dân tộc; sản phẩm gốm bao gồm đồ gia dụng (Chậu, bình, vò, nồi, cốc, khay, bát, đĩa), vật liệu kiến trúc, công cụ sản xuất (Chì lưới, dọi xe chỉ, …) và các mô hình nhà, tượng đất nung… Những hiện vật ở đây được sản xuất theo kỹ thuật tạo hình tiên tiến như kỹ thuật bàn xoay, dải cuộn, gắn chắp, bàn đập, hòn kê, đắp thêm, nặn tay, kỹ thuật khuôn.
Bộ sưu tập gốm Tam Thọ này được sưu tầm trong nhiều năm, từ các nhà sưu tập tư nhân nhượng lại, hiến tặng, trong đó có những mảnh gốm thu được qua khai quật Gò Án Lớn năm 2019, một số đồ gốm do bà con làng Tam Thọ, làng Văn Vật tìm thấy trong quá trình canh tác ở khu vực di tích lò gốm Tam Thọ, xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn (nay là thành phố Thanh Hoá).
Từ nguồn khởi phát ý tưởng xây dựng Bảo tàng Gốm Tam Thọ, ông muốn lưu giữ, tạo dựng khu trang trại sinh thái – không gian văn hóa, bảo tồn những hiện vật gốm quý giá trên để phục vụ học tập, nghiên cứu của các em học sinh, du khách, chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bầy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến gốm Tam Thọ – một di tích sản xuất gốm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, vào giai đoạn đầu công nguyên, chứng minh được sự giao thoa, tiếp biến văn hóa và sự bảo lưu truyền thống văn hóa Việt ở thời điểm đầu của thời kỳ 1000 năm chống Bắc thuộc.
Với ý nghĩa và giá trị trên khu di tích lò gốm Tam Thọ cần được quy hoạch bảo tồn thành một di tích quan trọng. Di tích lò gốm Tam Thọ là di sản vật thể có niên đại trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên ở Thanh Hoá. Hệ thống lò nung cổ ở đây có đầy đủ khả năng trở thành một khu trưng bày ngoài trời cho du khách tham quan nghiên cứu. Sản phẩm gốm Tam Thọ cần được nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày như một chuyên đề đặc trưng của gốm cổ xứ Thanh tại Bảo tàng gốm Tam Thọ, để nơi đây trở thành điểm văn hóa phục vụ cộng đồng, du khách gần xa.
Bảo tàng cổ vật Đông Sơn
Ngày 10/5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 1504/QĐ-UBND, về việc cho phép hoạt động Bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Cổ vật Đông Sơn nằm trong Không gian văn hóa Việt, địa chỉ: số 01 Cù Chính Lan, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa được Địa chỉ này cũng là điểm đến tuyến du lịch của thành phố Thanh Hóa.
Xuất phát từ lòng yêu di sản, với sự ra đời của Luật di sản văn hóa, đã định hướng cho hoạt động của các sưu tập tư nhân, bởi vậy bảo tàng cổ vật Đông Sơn luôn ý thức tập trung quan tâm vào việc gìn giữ di sản văn hóa truyền thống, quản lý di vật, cổ vật, hướng hoạt động này vào khuôn khổ của pháp luật, hướng vào những giá trị vốn có của di sản.
Luật Di sản văn hóa đã nêu: Bảo tàng “là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, thăm quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”
Bảo tàng là một thiết chế phục vụ lợi ích công cộng, lấy mục tiêu phục vụ lợi ích công chúng là hàng đầu. Đây chính là trọng trách lớn đặt ra cho những người làm công tác quản lý, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật nhiệm vụ rất nặng nề và nhiều gian khó để những di sản của cha ông để lại được bảo tồn một cách tốt nhất, đồng thời không ngừng được phát huy phục vụ cuộc sống không chỉ cho hôm qua, hôm nay mà cho cả mai sau.
Định hướng công tác bảo tàng thời gian tới là làm tốt nhiệm vụ lưu giữ và phát huy giá trị di sản, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Thanh Hóa. Hoạt động của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn trước mắt tập trung hoàn thiện và lập hồ sơ khoa học một cách chính xác với đầy đủ các thông tin, hình ảnh của hiện vật để giới thiệu và phát huy hiệu quả các di vật, cổ vật đang lưu giữ trong bảo tàng; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, mua những hiện vật quí hiếm có giá trị, góp phần hạn chế nạn ““hảy máu cổ vật’’đang diễn ra; Làm tốt công tác đăng ký di vật, cổ vật để bảo quản và phát huy giá trị có hiệu quả theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa và các quy định của Nhà nước ban hành.
Di sản văn hóa là một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền văn hóa mỗi dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa rất đáng tự hào. Những hiện vật của Bảo tàng cổ vật Đông Sơn mang hơi thở quá khứ về lịch sử đã góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Theo Luật di sản văn hóa, để đủ điều kiện cấp phép hoạt động bảo tàng tư nhân. Bảo tàng cổ vật Đông Sơn đã thực hiện đăng ký được 633 di vật, cổ vật. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cổ vật, góp phần ngăn chặn nạn ““chảy máu cổ vật”” cũng như tạo điều kiện cho bảo tàng trong việc giao lưu, tổ chức trưng bày lưu động phối hợp vì những hiện vật đăng ký đều là những hiện vật thật và đã được giám định niên đại, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa địa phương, của dân tộc, góp phần lành mạnh thị trường cổ vật.
Tại không gian phía ngoài bảo tàng, trong khuôn viên Không gian văn hóa Việt, trưng bày giới thiệu những sản phẩm của làng nghề mộc, làng nghề đục đá truyền thống xứ Thanh đặc sắc. Ở đây có những tác phẩm lớn chạm khắc gỗ đạt kỷ lục quốc gia với nhiều đề tài phong phú, đa dạng; Ngôi nhà gỗ dân gian truyền thống 7 gian tái hiện lối kiến trúc truyền thống với những mảng điêu khắc và nghệ thuật dân gian, thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc như kẻ bẩy, đấu trụ, cốn mê, rường mái… Những ngôi nhà tranh tre nứa lá gắn liền với các công cụ như cối giã gạo chày tay, cối giã gạo bằng chân, cối xay lúa, có lịch sử tồn tại gắn bó lâu đời với người nông dân và chiếc quạt hòm sấy thóc quay bằng tay ra đời trong thời kỳ hợp tác xã của thế kỷ trước. Gần nhà là giếng nước, ao cá được thả bèo, sen nổi, ruộng lúa nước; Nhà vì kèo bằng luồng, nhà xây tường bằng gạch, đánh dấu quá trình định cư và phát triển của cư dân đồng bằng châu thổ sông Mã. Tất cả hòa quyện tạo nên sự hội tụ, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong một không gian hoàn mỹ.
Về công tác phát huy giá trị, Không gian văn hóa Việt đã đưa vào hoạt động và đón khách tham quan hơn 10 năm nay. Du khách thăm quan nơi này đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của không gian vườn lắng đọng chất thơ và được thưởng thức những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của xứ Thanh như gỏi cá nhệch, thịt dê ủ trấu, bánh lá răng bừa; nhâm nhi vị trà thơm phức ướp hoa sen ở nhà Thủy đình và nghe âm vọng những giai điệu ngọt ngào, tha thiết về quê hương xứ sở từ những khúc tình ca. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc rất ấn tượng, mang đến trong lòng du khách một nỗi niềm hoài cổ trong một không gian văn hóa Việt gần gũi, thân thương.
Một trong những nét độc đáo của Không gian văn hóa Việt là đậm chất thuần Việt và hết sức gần gũi đối với mỗi người. Yếu tố đặc trưng của nó được xem như một khu vườn văn hóa sinh thái, tạo nên một không gian lắng đọng hồn Việt trong lòng một đô thị náo động. Hàng trăm cây cảnh với những loài khác nhau được cắt, tỉa, tạo dáng theo nghệ thuật bonsai từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian.
The Cuong – Minh Trung/theo TCĐNA