Seatimes – (ĐNA). Từ ngày 01/01/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực. Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng.
Tuy nhiên mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% cũng gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, cũng như chiến lược thu hút FDI. Bài viết mô tả nội dung của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, từ đó phân tích tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chính sách nhằm thích ứng với việc tham gia quy tắc trên.
Đặt vấn đề
Sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hóa đã và đang có ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cột mốc quan trọng giúp các nước đã phát triển và các nước đang phát triển giảm thiểu thiệt hại của chính phủ khi các DN thực hiện các phương thức xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận ngày càng phổ biến trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thì cần có những phân tích về ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nhằm có giải pháp ứng phó phù hợp.
Nội dung cơ bản của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
Đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu:
Thuế đánh vào các công ty với đặc điểm là:
+ Hoạt động đa quốc gia thực hiện đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp.
+ Doanh thu lớn (doanh thu năm của công ty mẹ tối cao từ 750 triệu euro trở lên trong ít nhất 02 năm tính trong 04 năm tài chính ngay trước năm thực hiện).
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu:
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với 142 thành viên tham gia. Qua nhiều năm đàm phán, ngày 1/7/2021, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã nhất trí với quy định áp mức thuế tối thiếu trên phạm vi toàn cầu. 142/142 quốc gia BEPS đồng ý với việc quy định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Thuế tối thiểu toàn cầu gồm 2 trụ cột cơ bản:
Phân bổ lại quyền của các Chính phủ trong việc đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù các tập đoàn này có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không;
Trụ cột thứ hai là về thuế tối thiểu toàn cầu với nội dung cơ bản là đánh thuế 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro, và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu đạt từ 10% trở lên.
Với quy định trên, nếu một tập đoàn đa quốc gia và các công ty con của tập đoàn nộp thuế ở nước ngoài dưới mức 15% sẽ phải nộp khoản chênh lệch so với tỷ lệ này tại nước đặc trụ sở chính. Như vậy, việc thu thuế sẽ được thực hiện tại nơi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo ra doanh thu và tại nơi đặt trụ sở chính. Điều này cho phép nước đầu tư (ví dụ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…) đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập mà doanh nghiệp được giảm, miễn thuế (gồm các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư) tại nước nhận đầu tư (ví dụ như Việt Nam). Có thể mô tả nội dung của thuế tối thiểu toàn cầu như hình sau:
Như vậy, nếu tập đoàn đa quốc gia và các công ty con của tập đoàn nộp thuế ở nước ngoài nếu nộp thuế dưới mức tối thiểu 15% thì sẽ phải nộp khoản chênh lệch này tại nước có trụ sở chính được đặt. Vì vậy, việc chuyển lợi nhuận sang quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu sẽ không còn hấp dẫn đối với các tập đoàn.
Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế Việt Nam
Qua nghiên cứu của tác giả, có thể nhận thấy, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đem lại tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.
Về mặt tích cực, việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tham gia và thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút doanh nghiệp FDI theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Theo Bộ Tài chính (2023), trong 3 năm vừa qua (2020-2022), tổng số thu thuế TNDN chiếm 18%-21% tổng số thu ngân sách nội địa. Trong đó, số thu thuế TNDN từ khu vực doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 7,5%-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa và khoảng 39%-41% tổng số thu thuế TNDN. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì số thu ngân sách nhà nước liên quan đến thuế TNDN không thay đổi. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước, có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, khoảng 3% dự án FDI, doanh nghiệp FDI được ưu đãi thuế là đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặt khác, đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu, thì Việt Nam cũng có thể thu thêm được thuế TNDN từ những doanh nghiệp này.
Về mặt tiêu cực, cần phải nhìn nhận thực tế rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn. Theo thống kê của Bộ Tài chính (2023), hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu). Tại Việt Nam, ưu đãi thuế là một công cụ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Thuế TNDN phổ thông ở mức 20%, nhưng doanh nghiệp FDI được ưu đãi, giảm còn 12,3%. Với doanh nghiệp FDI lớn, sắc thuế này ở mức 10% trong cả đời dự án, miễn trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Song, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về quốc gia mẹ hoặc tại Việt Nam nếu đang được hưởng mức thuế suất hữu dụng thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%, khiến các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam không còn mang lại nhiều tác dụng, từ đó làm giảm cạnh tranh trong thu hút FDI.
Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đề xuất giải pháp
Để tận dụng cơ hội và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư thay thế chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sang chính sách hỗ trợ đầu tư mang lại hiệu quả thực cho nhà đầu tư. Do ảnh hưởng của việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ khiến cho số thuế phải đóng bổ sung này bị chuyển về quốc gia nơi đặt trụ sở công ty mẹ tối cao của các doanh nghiệp đa quốc gia. Nói cách khác, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có được tại Việt Nam sẽ bị cơ quan thuế của một quốc gia khác mà không phải Việt Nam thu về, thông qua việc thực hiện quyền thu thuế đối với số lợi nhuận này. Điều này khiến năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị giảm sút. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư mới nhằm hỗ trợ khôi phục khả năng cạnh tranh đã bị giảm sút đó. cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế TNDN đã bị ảnh hưởng 35 bởi quy tắc của Trụ cột 2, qua đó duy trì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động dự án của mình lâu dài hơn nữa.
Thứ hai, với việc tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam chỉ có quyền quyết định đánh thuế bổ sung hoặc không đánh thuế bổ sung phân thuế suất chênh lệnh so với mức 15%, tuy nhiên chúng ta không có quyền yêu cầu các quốc gia khác không đánh thuế bổ sung đối với các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là cần rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để vừa không làm sói mòn cơ sở thuế, đồng thời vẫn đạt được yêu cầu về thu hút FDI, bảo đảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước với nhà đầu tư, phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế và điều kiện thực tiễn của đất nước.
Thứ ba, cần nghiên cứu việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa, vì đây là giải pháp giúp Việt nam có thể bảo vệ quyền đánh thuế của mình bằng cách thu thêm thu thêm một khoản thuế chênh lệch giữa thuế tối thiểu nội địa và thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI trước khi khoản thuế đó được truy thu về nước đặt trụ sở chính. Từ đó, Việt Nam có nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này về chi phí của doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nhà xưởng, bồi dưỡng nhân lực, hoạt động nghiên cứu và phát triển… thay vì chính sách miễn giảm thuế để thu hút đầu tư.
Thứ tư, cần có giải pháp chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo và cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp vệ tinh trong các chuỗi cung ứng và công nghiệp phụ trợ…
Có thể nói, việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu là tất yếu nhưng cần lưu ý đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để ổn định đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ thu thêm được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này, cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.
Nguyễn Thị Phương/Khoa Kinh tế, trường Đại học Bạc Liêu
Tài liệu tham khảo
Đặng Ngọc Minh (2023) – Thuế tối thiểu toàn cầu: Những vấn đề đặt ra và giải pháp ứng phó, Tạp chí Tài chính, tháng 6/2023;
Lê Xuân Trường (2019) Chính sách thuế thu hút DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Tạp chí Tài chính tháng 05/2019;
OECD (2021a) Statement on a Two-Pillar Solution to Address the Tax Challenges Arising from the Digitalisation of the Economy, OECD Publishing, Paris.
UNCTAD (2022) Corporate income tax and investment incentives – global review – Report UNCTAD
Tổng cục Thống kê (2011 đến 2022), Niên giám thống kê các năm từ 2011 đến 2022;
Bộ Kế hoạch và đầu tư (2022), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022 RT, FT, CNBC (2021), Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, Gần 140 quốc gia đồng ý mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/gan-140-quoc-gia-dong-y-muc-thue-doanh-nghiep-toan-cau-toi-thieu.html