Để có sự phát triển này chính nhờ vai trò của ngành điện nói chung và ngành điện tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng với sự quan tâm đầu tư, thu hút các nguồn vốn để cấp điện kịp thời cho vùng sâu, vùng xa, miền núi góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Tính từ thời điểm chia tách tỉnh BTT ngày 30/6/1989 lưới điện trung hạ thế của tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có trên 855 km với 272 trạm biến áp, tổng dung lượng 51MVA thì đến nay lưới điện đã đạt 4.957 km tăng 5,8 lần, với 2.371 trạm biến áp tăng 8,72 lần, tổng dung lượng 678,7MVA tăng 13,3 lần; khách hàng sử dụng điện tính tại thời điểm năm 1989 là 21.000, đến nay khách hàng sử dụng điện trên 303.300 tăng 14,52 lần; số xã thị trấn có điện năm 1989 đạt tỷ lệ 36,92%, số hộ dân có điện toàn tỉnh chỉ đạt tỷ lệ 46,2% thì đến nay 152/152 xã phường thị trấn có điện đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,98% góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đạt được thành tích đó là sự nỗ lực của ngành điện Thừa Thiên Huế trong việc đầu tư phát triển lưới điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Lý khen thưởng những tập thể và cá nhân đã có thành tích thi công đóng điện xã Hồng Thủy, A Lưới ngày 28/01/2003
Điểm qua giai đoạn từ 1989-2000, ngành điện tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì, phát triển nguồn điện và kêu gọi sự đầu tư phát triển lưới điện của các tổ chức và cá nhân trên nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tuy vậy, đến cuối năm 2000 lưới điện mới đạt trên 2.300 km, với 924 trạm biến áp, tổng dung lượng trên 100MVA, khách hàng sử dụng điện trên 37.000 khách hàng.
Trong giai đoạn 2002-2003 bằng sự nỗ lực của ngành điện với các dự án năng lượng nông thôn (REI) dùng vốn vay Ngân hàng Thế giới đã tập trung đầu tư, phát triển lưới điện khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng sâu, vùng xa tại 13 xã của huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền với 58 trạm biến áp, tổng dung lượng 1,82MVA và 167,4 km đường dây trung, hạ thế, tổng mức đầu tư 17,43 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đến năm 2003 Công ty đã hoàn tiếp nhận 157 công trình lưới điện trung áp nông thôn, với khối lượng trên 500 km đường dây trung áp, 468 trạm biến áp với tổng dung lượng gần 71MVA, tổng giá trị còn lại gần 29 tỷ đồng. Công tác xóa bán điện qua công tơ tổng, từ năm 2001 đến 2003 cũng được tăng cường tại 150 công trình với trên 8.000 công tơ bán lẻ.
Đặc biệt, ngày 28/01/2003 bằng sự cố gắng, nỗ lực của ngành điện, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới là xã cuối cùng của tỉnh được nhận điện lưới Quốc gia với quy mô gần 17 km đường dây trung, hạ thế, 6 trạm biến áp với tổng dung lượng gần 140kVA với tổng mức trên 3,5 tỷ đồng, nâng tổng số 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện. Số hộ sử dụng điện ở nông thôn miền núi cuối năm 2003 đạt 92% và không có xã nào có giá điện vượt giá trần quy định 700đ/kWh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đóng điện khu vực Hói Mít, Hói Dừa thị trấn Lăng cô ngày 31/8/2005.
Năm 2005, sau sự cố nghiêm trọng lật tàu E1 gây thiệt hại về người và tài sản theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ngành điện đã đầu tư cấp điện cho khu vực Hói Mít, Hói Dừa kịp thời đóng điện vào dịp Quốc khánh 02/9/2005. Cũng trong năm 2005 Công ty đã thực hiện tiếp nhận đường dây trung áp nông thôn và tiếp nhận 05 xã vùng ven thành phố Huế để bán điện đến tận hộ dân. Những năm 2006-2007, Công ty tập trung lực lượng, phương tiện để tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, không yêu cầu hoàn trả vốn đầu tư ban đầu tại 49 phường, xã, thị trấn để bán điện đến tận hộ, với khối lượng trên 684 km đường dây hạ áp và 58.349 khách hàng sử dụng điện, nâng tổng số xã tiếp nhận 116/152 đạt 76,32%.
Sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành dự án năng lượng nông thôn (REII gốc) phần hạ áp dùng vốn Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 114,88 tỷ đồng giai đoạn 2009-2010; Dự án (REII mở rộng) phần hạ áp với tổng mức đầu tư 35,36 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2012-2019 Công ty thực hiện tiếp nhận và hoàn trả vốn vay 23/36 xã của dự án (REII) thống nhất bàn giao theo chỉ đạo của tỉnh với khối lượng gần 445 km, 41.862 công tơ. Từ năm 2013- 2017 Công ty tiếp tục tiếp nhận thêm 4 xã của dự án (REII) là Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thủy Tân, thị xã Hương Thủy, Phong An, Phong Sơn huyện Phong Điền nâng tổng số xã tham gia dự án (REII) tiếp nhận, hoàn trả vốn để bán điện tận hộ lên 27/36 xã. Song song với công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn từ năm 2007 đến năm nay, Công ty đã đầu tư 668 công trình với khối lượng trên 686 km đường dây trung thế, 1.110 km đường dây hạ thế, 1.125 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 333 MVA với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng và 4 dự án lớn Tổng công ty đã triển khai với tổng tổng mức đầu tư trên 677 tỷ đồng là dự án lưới điện phân phối nông thôn (RD) với tổng mức đầu tư 143,66 tỷ đồng; dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (ADB) với tổng mức đầu tư 157,66 tỷ đồng; Tiểu dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện dùng vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW2) với tổng mức đầu tư 170,8 tỷ đồng và Tiểu dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp tỉnh Thừa Thiên Huế (KfW3.1) với tổng mức đầu tư 205,1 tỷ đồng.
Ðến nay, ngành điện đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 143/152 xã, phường, thị trấn chiếm tỷ lệ 95,4%, có 131.571/156.992 hộ dân nông thôn mua điện trực tiếp từ ngành điện theo đúng biểu giá quy định của Chính phủ chiếm tỷ lệ 83,8%. Sau tiếp nhận ngành điện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc…Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện bình quân cho các xã, phường, thị trấn ngành điện đã tiếp nhận trên địa bàn của tỉnh trong giai đoạn 2007 đến nay tăng bình quân từ 1,2- 1,3 tỷ đồng/xã.năm…
Lắp đặt công tơ cho thôn Kăn Hoa- Cu Mực, A Lưới có điện năm 2016
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 4 tổ chức bán điện ở nông thôn quản lý 07 xã và 02 thị trấn tại huyện Phú Lộc chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý với 201 km đường dây hạ áp, 94 trạm biến áp với tổng dung lượng 24.646kVA, số hộ dân sử dụng điện 26.836 khách hàng. Tổn thất điện năng lưới điện hạ áp trên 10%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 7 năm đi vào hoạt động sau khi dự án (REII) hoàn thành, một vài tổ chức quản lý điện nông thôn của tỉnh hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức này hạn chế về năng lực tài chính, đặc biệt là vốn lưu động, nên khó khăn trong việc tích lũy, trả nợ vay theo quy định. Hoạt động kinh doanh hiện tại của các tổ chức bán điện ở nông thôn phụ thuộc vào giá bán buôn điện và bán lẻ điện do Chính phủ quy định. Do đó, những tổ chức này không có khả năng đầu tư phát triển lưới điện với quy mô lớn, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nhất là phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân nông thôn.
Mặt khác, do nội lực tài chính hạn chế, nên khi xảy ra sự cố bất khả kháng như thiên tai bão, lũ… các tổ chức kinh doanh bán điện nông thôn không có khả năng phục hồi, tái tạo lưới điện; không đảm bảo đầu tư để phát triển lưới điện ổn định, bền vững. Hiện tại, thị phần bán lẻ điện của 4 tổ chức bán điện ở nông thôn này tuy chỉ chiếm trên 8% số hộ sử dụng điện toàn tỉnh. Nhưng hầu hết các hộ dân dùng điện của các tổ chức bán điện của địa phương đều than phiền về chất lượng điện không ổn định, tổn điện năng quá cao. Ở nhiều vùng, nhiều hộ dân còn phải dùng chung một công tơ tổng. Vì vậy, ngoài chỉ số điện dùng thực tế, họ còn phải nộp tiền chỉ số điện năng tổn hao, trong khi giá bán điện lại cao hơn (khoảng 1.870 đồng/kWh) so với giá của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (khoảng 1.732 đồng/kWh).
Như vậy, cần sự chỉ đạo, thống nhất, hài hòa từ trên xuống dưới, từ năm 2012 sau khi dự án (REII) hoàn thành UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương bàn giao lưới điện (REII) cho ngành điện của tỉnh quản lý vận hành và bán điện đến tận hộ dân. Kể từ khi nhận bàn giao đến nay, Công ty đã đầu tư vài trăm tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo lập phương án bàn giao lưới điện (REII) ở các địa phương còn lại. Tuy nhiên, về nhân sự, bên tiếp nhận là Tổng công ty Điện lực miền Trung chỉ thống nhất nhận một lao động/xã có kỹ thuật, chứ không tiếp nhận toàn bộ con người hiện tại của các tổ chức bán điện ở nông thôn, nên công tác bàn giao lưới điện bị dừng lại. Lý do mà Tổng công ty Điện lực miền Trung đưa ra là do năng lực, trình độ cán bộ không đủ chuẩn theo quy định của ngành; không phù hợp với phương án sử dụng con người, mục tiêu phát triển bền vững của Tổng công ty. Tại các cuộc làm việc liên quan đến hoạt động điện lực, UBND tỉnh đã yêu cầu các tổ chức bán điện ở nông thôn phải khẩn trương bàn giao lưới điện (REII) về cho ngành điện càng sớm càng tốt. Bởi, khi lưới điện này xuống cấp sẽ không có tiền, để đầu tư nâng cấp. Hơn nữa, hiện tại việc tích lũy để trả nợ vay rất ít tổ chức bán điện ở nông thôn thực hiện được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc trả khoản nợ vốn vay hàng trăm tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới để đầu tư lưới điện (REII) như đã cam kết.
Lê Hùng Sơn