Hàng năm, cứ vào dịp tháng 5 (âm lịch), những vườn dâu dọc hai bên sông Truồi đã sai cành, trĩu quả. Những gốc dâu hàng chục năm tuổi với những chùm dâu chi chít trái mọc kín thân, tỏa ra mùi hương thoang thoảng là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Những năm trước đây, dâu tiên được mùa, quả chín màu xanh pha hồng treo lủng lẳng.
Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết nắng hạn kéo dài, hoa không đậu được trái, nhiều hộ trồng dâu tiên mất trắng. Ông Võ Bá Tảo (thôn Đông Xuân, xã Lộc Điền) cho hay, gia đình có 2000 m2 trồng dâu, với 30 gốc dâu cổ thụ. Những năm trước, mỗi gốc cho thu hoạch từ 1 đến 2 tạ, mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng. Nhưng năm nay, cả vườn chỉ có đến hơn 5kg dâu phục vụ cho dịp tết Đoan ngọ.
Cũng giống như ông Tảo, nhiều hộ dân ở đây lâm vào tình cảnh không có dâu để thu hoạch, hoặc có rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của thương lái. Bà Nguyễn Thị Bé (thôn Nam Phổ Cần, xã Lộc An) chia sẻ: “Với mức giá từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng, cao hơn nhiều so với mọi năm, nhưng O (cô- pv) không có dâu để bán. Lái buôn đến mua, bòn cả vườn hơn 20 gốc cũng chưa tới chục kg. Mấy năm trước được mùa dâu, thu nhập rất khá. Năm ni nắng quá, hoa chưa đậu trái đã rụng sạch, đa số nhà trồng đều mất trắng”.
Nhánh dâu hiếm hoi đậu trái cũng chỉ có lác đác vài quả nhỏ.
Nhiều bà con nông dân bộc bạch, đây là lần đầu tiên dâu xứ Truồi mất mùa nghiêm trọng. Mọi khi, vào dịp tết Đoan ngọ, dâu được bày bán khắp các chợ trên địa bàn. Năm nay, dâu tiên xứ Truồi khan hiếm đến mức không đủ phục vụ nhu cầu của chính nhà vườn, chứ chưa tính đến chuyện bán ra thị trường.
Được biết, dâu tiên xứ Truồi là sản vật của địa phương đã có từ lâu và nổi tiếng với quả chín màu xanh pha hồng, múi mọng nước, vị ngọt thanh. Là giống dâu riêng có của vùng đất này, gần đây, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có chính sách đầu tư bằng cách mua cành và cung cấp phân bón cho người dân để bảo vệ giống cây quý.
Thủy Tiên- Hoàng Nhật