Seatimes – (ĐNA). Chiều 2/3/2025, tại văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì toạ đàm với các doanh nghiệp châu Âu nhằm thúc đẩy hợp tác, đầu tư, cùng Việt Nam.

Dự tọa đàm có các Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương; 15 tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier; Đại sứ, Phó Đại sứ các nước EU tại Việt Nam và lãnh đạo 16 tập đoàn hàng đầu châu Âu.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu phía châu Âu đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với nền tảng vững chắc, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và bão Yagi. Đặc biệt các đại biểu bày tỏ ấn tượng với những cải cách gần đây của Việt Nam, nhất là sự quyết đoán, cũng như việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng rõ ràng, minh bạch, thông thoáng hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, ông coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình và cho biết, 75% số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đều khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá, những cải cách gần đây của Việt Nam là vô cùng quyết đoán và ấn tượng, bày tỏ phấn khởi trước chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc cải cách thể chế phải theo hướng bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Việc hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), doanh nghiệp EU đã tăng cường đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Trong đó, thông qua chương trình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), EU hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với tỷ lệ 75% số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đều khuyên lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư; tin tưởng vào tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp châu Âu cho biết sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam, không chỉ tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam mà còn sẵn sàng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng nêu lên một số vấn đề được cho là rào cản, nút thắt, từ đó đề xuất giải quyết để Việt Nam không bỏ lỡ các khoản đầu tư từ EU như: Các bộ, ngành Việt Nam thực hiện tốt các nội dung trong Hiệp định EVFTA, nhất là quy định về thuế, phí; cần đưa ra quyết định và giải quyết các vấn đề nhanh chóng hơn; giảm thủ tục hành chính; giảm bớt gánh nặng pháp lý; ổn định, nhất quán trong chính sách, pháp luật; chuẩn hoá, áp dụng cùng một quy tắc cho cùng một loại hoạt động trên cả nước; đơn giản hóa các yêu cầu về giấy phép lao động…

Thủ tướng đánh giá, sau 35 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU không ngừng phát triển; đánh giá cao sự giúp đỡ của EU trong suốt quá trình phát triển, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại của Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ của châu Âu vì cuộc sống tự do và mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các nước EU và các doanh nghiệp EU đã luôn giúp đỡ, hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm qua, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 8% trở lên, đồng thời sẽ xây dựng, phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, đầu tư và đầu tư lớn ở Đông Nam Á từ nay đến năm 2030, vì vậy, mong muốn các nước EU và các doanh nghiệp EU tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam đạt mục tiêu, tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh sản xuất, xem Việt Nam là cứ điểm quan trọng để phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất với tinh thần là đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp châu Âu tăng cường hơn nữa đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam để phục vụ các động lực tăng trưởng mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tư vấn, tham mưu cho Việt Nam trong hoàn thiện thể chế, chính sách. Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói thúc đẩy các nước thành viên còn lại của EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA; thúc đẩy EC gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai rất toàn diện, bao trùm nhiều việc để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết bảo đảm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam bằng các cơ chế, chính sách, ưu đãi cần thiết; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp bằng luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn, ổn định chính trị để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài, phát triển bền vững.
Thẳng thắn nhìn nhận hai bên vẫn còn nhiều yếu tố cần phải vượt qua, tháo gỡ như thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, các quyết định đưa ra còn chậm, vấn đề liên quan một số sắc thuế, hải quan…, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đã nỗ lực giải quyết trên nguyên tắc những gì đúng, có lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu và có lợi cho Việt Nam thì dứt khoát thực hiện, khó mấy cũng làm.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẵn sàng đón lãnh đạo cấp cao của EU đến thăm làm việc thực chất, hiệu quả hơn, qua đó mang lại môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp châu Âu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.
Huy Quang